Tại phiên chất vấn sáng 12/11 của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập vấn đề dạy học trực tuyến và việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá.
Thủ tướng đánh giá đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục. Dù ngành giáo dục cùng cả nước đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các phương thức dạy và học, việc nghỉ học và học trực tuyến dài ngày ở nhiều địa phương ảnh hưởng tâm lý học sinh, giáo viên, gia đình và chất lượng giáo dục... Điều này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên.
"Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu", Thủ tướng nói.
Dự báo, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước. Trước tình hình đó, đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế cùng các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
Từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021
Thủ tướng cho biết với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.
Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát, tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình...; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, đặc biệt là vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cho phù hợp tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập.
Trước đó, trong phiên chất vấn sáng 11/11, trả lời câu hỏi liên quan việc cho học sinh trở lại trường, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin ngành đã lên kế hoạch, thúc đẩy học sinh đến trường an toàn.
Bộ cũng hướng dẫn về chuyên môn và định hướng. Xã, phường đang là vùng xanh, vùng an toàn thì nên cho trẻ em đến trường. Hiện nay, các địa phương đang xử lý đến cấp quận, huyện.
Cùng vấn đề trên, trong phiên chất vấn hôm 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá về dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp, nhất là với trẻ em đầu cấp như lớp 1.
Ông cũng cho rằng không nên đợi chờ vaccine vì hiện nay chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Nhóm trẻ em từ 5, 6 tuổi đến 11 tuổi không thể đợi chờ, hơn nữa, nguy cơ mắc Covid-19 ở lứa tuổi này không cao như ở lứa tuổi lớn.
> Tây Ninh: Sở GD-ĐT yêu cầu chỉ học trực tiếp khi giáo viên, học sinh đã tiêm vắc xin Covid-19
> Đà Nẵng chuẩn bị điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp
Theo ZING News