Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới diễn ra kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại, dịch vụ thi thử đại học, tốt nghiệp THPT đã khá sôi động. Tuy vậy, điều khiến các em học sinh quan tâm nhất chính là chất lượng của những kỳ thi này đến đâu và do ai kiểm soát.

Kẻ khen, người chê các kỳ thi thử

Với nhu cầu được thử sức, tập dượt trước kỳ thi cuối cùng, nhiều học sinh đã đăng ký tham gia thi thử ĐH và tốt nghiệp THPT. Do đó, tại khu vực quanh các trường đại học như Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội… các trung tâm luyện thi đã tung ra nhiều chiêu quảng cáo thi thử khá “độc”: “Vừa được thi vừa được tiền”, “Phần thưởng xứng đáng cho 3 người đạt điểm cao nhất”...

Tại một trung tâm luyện thi trên phố Tạ Quang Bửu, chúng tôi gặp em Nguyễn Lê Thanh – học sinh lớp 12 ở quận Ba Đình, Hà Nội. Kể lại sự thất bại của mình trong kỳ thi thử ĐH tháng trước, Thanh cho biết, trước khi thi, em rất tự tin với vốn kiến thức của mình do hầu hết các loại bài tập đã ôn rất kỹ. Tuy vậy, đến hôm thi thử, dù đề ra không khó nhưng Thanh chỉ đạt 12 điểm/3 môn. Trong khi đó, nhiều bạn cùng lớp dù học kém hơn nhưng điểm số lại khá cao. Về nguyên nhân dẫn đến điểm số này, Thanh cho biết, đề thi thử không rõ ràng, nhiều câu hỏi mang tính chất đánh đố, phòng thi thì lộn xộn nên thí sinh không tập trung được. “Ngồi trong phòng thi mà thí sinh trao đổi bài ầm ĩ và sử dụng tài liệu tự do. Từ hôm biết kết quả thi em rất hoang mang, chẳng còn hứng thú ôn tập. Cô bạn cùng lớp em lực học chỉ trung bình nhưng điểm thi lại cao chót vót nên tỏ ra rất tự tin, học tập lơ là hẳn” - Thanh chia sẻ.

Trái ngược với tâm trạng trên, không ít học sinh lại tỏ ra khá hào hứng với các kỳ thi thử, đặc biệt là các kỳ thi do các trường THPT tự tổ chức. Em Vũ Ngọc Dũng học sinh năm cuối cấp ở quận Cầu Giấy tiết lộ, để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới, Dũng đã trải qua 2 lần thi thử. Lần thi đầu tiên, Dũng chỉ đạt 14 điểm/3 môn thi, song trong lần thi sau, điểm số này đã được nâng lên 19 điểm. Theo Dũng, sở dĩ có kết quả như vậy là do em có kinh nghiệm từ lần thi trước nên đã kịp thời bổ sung phần kiến thức bị “hổng”. Bên cạnh đó, trong lần thi thứ 2, tinh thần làm bài của Dũng cũng khá hơn, không bị run như lần trước. “Qua 2 lần thi thử, em được làm quen với các dạng đề thi cơ bản, được “sống” trong không khí thi cử như thật bởi các thầy cô coi thi rất nghiêm túc. Hơn nữa, em còn được trả bài thi, biết chỗ nào sai để kịp thời sửa chữa. Vì vậy em tin khả năng đỗ trong kỳ thi ĐH sắp tới của mình là 90%” – Dũng quả quyết.

Không chỉ tổ chức thi thử ĐH mà nhiều trường THPT, trung tâm luyện thi còn tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT. Ngoài số học sinh ở Hà Nội, nhiều em khác ở các tỉnh lân cận cũng khăn gói lên Thủ đô tham dự các kỳ thi thử. Theo đánh giá của các sỹ tử, chất lượng thi thử ở các trường THPT thường cao hơn các trung tâm. Có nhiều trung tâm dù tổ chức cho học sinh thi thử nhưng việc coi và chấm thi lại thiếu nghiêm túc nên khiến thí sinh mất thời gian, ảnh hưởng đến việc ôn tập.

Chỉ nên thi thử ở những điểm có uy tín

Có một thực tế đáng buồn là hiện có một số trung tâm không chỉ tổ chức trông thi thiếu nghiêm túc mà còn thuê sinh viên hoặc những người không đủ trình độ để chấm bài thi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đánh giá kết quả bài làm của thí sinh thiếu chính xác, làm cho thí sinh không biết được lực học của mình ở mức nào. Ngoài ra, tình trạng nơi ra đề dễ, nơi quá khó, thậm chí ra đề sai xảy ra khá phổ biến cũng khiến nhiều học sinh hoang mang, mất tinh thần.

Điều đáng nói, trong khi việc tổ chức thi thử ngày càng trở nên phổ biến thì hiện vẫn không có một cơ quan chuyên trách nào chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng đề thi, chủ yếu vẫn do các trung tâm tự soạn thảo. Trong khi đó, kết quả của việc thi thử sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý học sinh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng thi cử.

PGS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh - người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tổ chức cho học sinh thi thử ĐH và tốt nghiệp THPT cho rằng, với các em cuối cấp, việc tham gia thi thử chẳng khác nào các cầu thủ phải tập luyện trước các trận đấu nên điều này là rất cần thiết. Nó giúp cho các em rèn luyện cho mình tâm lý thi cử vững vàng, rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc bố trí thời gian làm bài. Thông thường điểm số của học sinh trong các kỳ thi thử  do trường tổ chức thường thấp hơn kỳ thi thật và lần thi thử sau điểm sẽ cao hơn lần trước. Điều này chứng tỏ rằng nếu tổ chức thi thử một cách nghiêm túc ngay từ khâu ra đề đến việc coi thi, chấm thi và trả bài thi sẽ mang lại những kết quả rõ rệt: Học sinh sẽ biết mình đang bị yếu ở đâu, cần bổ sung kiến thức gì và cách tổ chức làm bài hợp lý.

Tuy vậy, việc thi thử không những không có tác dụng thậm chí còn gây hại cho học sinh khi nó được tổ chức một cách sơ sài với mục đích thu phí là chính. Điều này đã xảy ra ở không ít trung tâm luyện thi: Học sinh đến ghi tên nộp tiền, giám thị coi thi ngồi ngủ gật, kết quả thi không chính xác, thí sinh không biết mình đúng sai chỗ nào nên rất hoang mang. Ngoài ra, học sinh cũng cần cân nhắc với việc thi thử online bởi nếu thi theo hình thức này, thí sinh làm bài không bị giới hạn về thời gian, có thể sử dụng tài liệu tham khảo và không được hòa mình vào không khí giống như trong phòng thi thật nên kết quả nhận được thường thiếu chính xác.  “Do đề thi thường dựa vào kiến thức trong sách giáo khoa, không năm nào giống năm nào nên các em không nên học tủ. Và để có kết quả tốt trong các kỳ thi, điều quan trọng nhất là học sinh cần học và nắm vững kiến thức cơ bản một cách có hệ thống” - PGS. Văn Như Cương đưa ra lời khuyên.

Rõ ràng, việc thi thử đại học, tốt nghiệp THPT nếu được tổ chức nghiêm túc sẽ là cơ hội tốt cho mỗi thí sinh chuẩn bị về mọi mặt trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, để biết được chính xác lực học của mình đến đâu, các em học sinh chỉ nên tham gia thi thử tại các địa điểm có uy tín đồng thời nên dành phần lớn thời gian để ôn luyện, củng cố kiến thức.

 

Bạn có biết:

Điểm thi tốt nghiệp THPT 2013

Tỉ lệ chọi 2013

 

Kenhtuyensinh

Theo: ANTĐ