“Nói chung đề tương đối dễ, khá dễ ngay cả với TS chỉ thi để xét tốt nghiệp. Đề có khoảng 10 câu cuối dùng để phân loại HS nhưng mức độ phân hóa không đáng kể”
> Công tác chấm thi THPT Quốc gia tại Hòa Bình: Tất cả bài thi tự luận sẽ được chấm hai vòng độc lập
Thí sinh nhận định đề thi Khoa học xã hội khá dễ dàng
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, thí sinh với tâm trạng thoải mái khi cho rằng cả 3 môn trong bài thi khoa học xã hội diễn ra hôm qua đều khá dễ dàng.
Không đánh đố hay làm khó TS
Giống như các môn của 2 ngày thi trước, cả 3 môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đều được các thí sinh (TS) nhận xét là dễ hơn năm 2018, bám sát lớp 12.
Theo đánh giá của các học sinh (HS) tham gia thi tại hội đồng thi Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đề thi ở mức độ trung bình, HS có thể dễ dàng đạt được điểm trung bình dù không phải chuyên ban C.
Môn địa lý đưa bài tập nhiều trong Atlat địa lý, phân tích các vùng kinh tế, biểu đồ… nên dù chưa học bài kỹ nhưng có tài liệu tham khảo, HS vẫn dễ dàng làm được bài. Giáo dục công dân cho nhiều kiến thức cơ bản, lý thuyết về luật đơn giản, kết hợp với kinh nghiệm thực tế đời sống vận dụng vào, không đánh đố hay làm khó TS. Trong 3 môn thi, chỉ riêng môn lịch sử hơi khó, đề bài yêu cầu nhiều về phần ý nghĩa lịch sử của những cuộc cách mạng, đòi hỏi HS phải học kỹ cũng như hiểu rõ vấn đề mới làm được.
Đỗ Lê Anh Thư, HS Trường THPT Gia Định (TP.HCM), cho biết: “Đề địa lý rất “nhân đạo”, cho trong Atlat nhiều nên các bạn dù không làm bài tập cũng làm được. Giáo dục công dân thì đưa ra nhiều câu liên quan đến đời sống nên mọi người có thể lấy từ thực tiễn vào bài thi”.
Hoàng My, HS Trường THPT chuyên Năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (Q.8, TP.HCM), cho biết: "Các câu hỏi đa phần bám sát kiến thức lớp 12 nên dễ dàng hơn cho các HS. Môn địa lý và giáo dục công dân không khó để trên 5 điểm. Môn lịch sử với đặc điểm phải ghi nhớ nhiều mốc thời gian hơn. Tuy nhiên cả 3 môn đều dễ hơn năm 2018".
Nhiều HS cho biết cả 3 môn không có câu nào quá thách đố, đề này sẽ giúp các TS gỡ điểm nhiều.
Đề dễ cả với học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp
Theo thạc sĩ Phạm Trọng Toàn Thịnh, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM), đề thi lịch sử năm nay so với năm trước thì không khó hơn. Tuy nhiên, có thể một số câu TS sẽ hơi bối rối vì cách sử dụng từ ngữ trong đề thi. Ví dụ, thay vì nêu “những tác động” thì đề lại dùng cách diễn đạt khác là “chỉ kết quả đấu tranh quân sự và chính trị” của các cuộc kháng chiến…
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Thịnh, TS đa số sẽ đạt từ 6 - 7 điểm bài thi này vì chỉ cần bám vào sách giáo khoa là làm được, chủ yếu kiến thức nằm trong chương trình lớp 12.
Với đề thi môn địa lý, thạc sĩ Nguyễn Đình Tình, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận các câu hỏi chủ yếu lớp 12 nhưng dàn trải khắp các chương trình học, đòi hỏi HS phải học và nắm bao quát vấn đề.
“Nói chung đề tương đối dễ, khá dễ ngay cả với TS chỉ thi để xét tốt nghiệp. Đề có khoảng 10 câu cuối dùng để phân loại HS nhưng mức độ phân hóa không đáng kể”, thạc sĩ Tình nhấn mạnh.
Theo Thanh niên