Đó là một trong rất nhiều nội dung câu hỏi mà độc giả gửi tới Ban tư vấn tuyển sinh.
 
Bạn đọc ở địa chỉ  [email protected] hỏi: Em muốn biết thông tin thêm về ngành Khoa học quản lý của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Em chưa hiểu rõ lắm hướng tới đào tạo chuyên về gì và cơ hội nghề nghiệp?

Nghề quản lí hay Nhà quản lí đều có nhiều thách thức, đòi hỏi tính sáng tạo, tính năng động cao nhất. Là nghề tổ chức, sắp xếp các các công việc để nó diễn ra theo đúng mục đích với chi phí về thời gian, tài chính, vật chất và nhân lực ít nhất. Quản lí là quá trình điều hành, phối hợp sắp xếp và bố trí nhân lực thực hiện các nhiệm vụ đã cho trước. Là hoạt động phối hợp và sử dụng tối ưu các nguồn lực (con người, tài chính) trong tổ chức.

Nhà quản lí là người năng động, có bản lĩnh, dám đương đầu với thách thức; Tự tin, có phong cách chuyên nghiệp và quyết đoán; Xây dựng mục tiêu, kế hoạch hành động và đưa ra các giải pháp xử lí tối ưu cho mọi tình huống (Một người lo bằng một kho người làm).

Nếu bạn thấy mình có các yếu tố sau đây, chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn nghề quản lí: Luôn mong muốn trở thành nhà quản trị chuyên nghiệp (doanh nhân, chuyên gia tư vấn, cán bộ quản lí ở các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế – xã hội). Thích công việc quản lí và làm việc với con người. Có bản lĩnh, tính quyết đoán và đổi mới không ngừng năng động, sáng tạo, tự tin và có phong cách chuyên nghiệp. Mong muốn có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc. Thành đạt và thu nhập cao.

 

Thí sinh tự do làm hồ sơ đăng ký dự thi như thế nào? - Ảnh 1

Hình minh hoạ


Cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó yếu tố quan trọng là năng lực và các kỹ năng giao tiếp của bạn.

Ban tư vấn tuyển sinh đã nhận được nhiều thư của thí sinh hỏi về thí sinh tự do mua hồ sơ ĐKDT, giấy tờ cần thiết và thủ tục làm hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do năm nay như thế nào? Thời gian nộp hồ sơ và đơn vị nhận hồ sơ tuyển sinh, cách thức nhận giấy báo dự thi ĐH đối với thí sinh tự do?

Thí sinh mua hồ sơ ở các đơn vị giáo dục như phòng giáo dục, Sở GD-ĐT.

Mỗi bộ hồ sơ ĐKDT sẽ gồm một túi đựng hồ sơ và hai phiếu ĐKDT. Trên mặt trước của túi đựng hồ sơ có mục yêu cầu xác nhận của cơ quan đang công tác hoặc của chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Thí sinh phải xin dấu xác nhận vào phần này.

Thí sinh tự do nộp hồ sơ tại  phòng giáo dục hay Sở GD-ĐT ở bất kỳ điểm thu hồ sơ nào trên toàn quốc. Nộp hồ sơ tại đâu, thí sinh sẽ nhận giấy báo dự thi, chứng nhận kết quả thi, giấy báo trúng tuyển tại đó hoặc theo địa chỉ đã ghi trong phong bì nộp kèm với hồ sơ đăng ký dự thi.

Bộ GD-ĐT quy định thời gian nộp hồ sơ  ĐKDT từ ngày 14/3 - 14/4/2011.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại tỉnh, thành phố mình có hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị đăng ký theo quy định của Sở GD-ĐT sở tại. Còn thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở nơi mình không có hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị đăng ký theo diện vãng lai được quy định cho các tỉnh, thành phố và nộp trực tiếp tại các điểm thu của Sở GD-ĐT nơi đó.

Sau khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại tỉnh, thành phố, thí sinh nộp tại trường thì ghi mã đăng ký dự thi là 99 từ ngày 15/4 - 21/4/2011. Tuy nhiên, để tránh sửa chữa, sai sót nhiều trong hồ sơ, thí sinh có thể đến các điểm thu nhận hồ sơ để được hướng dẫn cụ thể.

Câu hỏi của bạn đọc ở địa chỉ [email protected] hỏi: Em gái mình hiện tại đang là sinh viên năm thứ nhất, giờ em mình muốn bảo lưu để năm nay thi trường khác, nhưng khi đến phòng Quản lý HS - SV của trường thì được thông báo là: Nếu bảo lưu thì phải làm bản cam đoan không thi ĐH và nếu phát hiện thi ĐH thì trường gửi yêu cầu lên Bộ GD-ĐT hủy kết quả thi ĐH. Mình thấy quy định này hơi vô lý. Vậy cho mình hỏi quy định trên có phải là quy định của Bộ GD-ĐT hay không? Nếu không thì đây là quy định riêng của trường vậy thì quy định trên có sai phạm gì không? Có vượt quá giới hạn cho phép của trường không?

Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều bạn đọc gửi tới Ban Tư vấn tuyển sinh.

Theo quy định của Bộ, sinh viên các trường ĐH, CĐ muốn được dự thi lại phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Nếu bạn xác định ngành học không phù hợp với mình thì có thể làm thủ tục thôi học trước khi dự thi.

Còn nếu chưa được sự đồng ý của nhà trường mà bạn dự thi thì nhà trường hoàn toàn có thể can thiệp để em không được phép nhập học ở trường mới và sẽ xử lý em theo quy chế. Trong trường hợp muốn rút hồ sơ gốc tại trường học trước đó thì các bạn sẽ phải bồi thường một khoản kinh phí đào tạo. Được biết, mức phí đào tạo nhà nước chi để đào tạo cho một sinh viên hiện nay là 5,9 triệu/năm.
 
Tuy nhiên, về giải quyết vấn đề này, mỗi trường có hình thức áp dụng khác nhau để ràng buộc sinh viên. Trong trường hợp này, trường không vượt quá giới hạn cho phép của trường.

Bạn đọc ở địa chỉ [email protected] hỏi: Tôi có hộ khẩu thường trú ngoài Bắc vậy có thể thi các trường quân sự trong Nam không? nếu muốn thi thì hộ khẩu thường trú phải ít nhất bao nhiêu tháng? Các trường quân sự và công an bắt đầu tuyển sinh khi nào?

Thí sinh dự thi vào các trường quân đội để đào tạo cán bộ phân đội bậc Đại học, Cao đẳng, cần liên hệ trực tiếp với ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú để tìm hiểu mọi chi tiết về điều kiện, thủ tục đăng kí dự thi và dự thi.

Các trường công an và quân đội tuyển sinh theo đúng lịch thi và chương trình tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Về tuyển sinh khối công an, bạn đọc Hoàng Minh ở địa chỉ [email protected]hỏi: Cho em hỏi thi vào các trường công an, các ngành học và việc phân ngành của các trường công an, bao giờ mới bán hồ sơ sơ tuyển để đi thi vào?

Tất cả thí sinh dự thi vào học viện, trường đại học Công an đều phải qua sơ tuyển tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thí sinh đăng kí hộ khẩu thường trú (Hồ sơ ĐKDT mua tại nơi sơ tuyển). Bộ Công an chỉ tuyển vào đại học và trung cấp Công an đối với những thí sinh đạt yêu cầu sơ tuyển và dự thi vào một trong các học viện, trường đại học Công an. Thí sinh không trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng sẽ được xét tuyển vào trung cấp. Việc xét tuyển vào trung cấp theo nguyên tắc lấy điểm liền kề từ cao trở xuống theo chỉ tiêu Bộ công an qui định cho từng trường và từng khu vực (phía bắc, phía Nam).

Thí sinh nộp hồ sơ đăng kí dự thi trực tiếp cho Công an quận, huyện, thị xã để chuyển về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không qua Sở GD-ĐT). Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm nộp hồ sơ đăng kí dự thi về các Học viện, trường đại học theo đường nội bộ và báo cáo với các Sở GD-ĐT về số lượng thí sinh đăng kí dự thi vào từng trường Công an.

Những thí sinh không trúng tuyển vào các học viện, trường đại học Công an được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khối dân sự theo quy định chung.




Nguồn Ban Tư vấn tuyển sinh - Dantri