Mấy năm trở lại đây, các sĩ tử dường như “nguội lạnh” với các ngành xã hội nhân văn, thể hiện rõ nhất ở lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào những ngành này thường rất thấp. Tuy nhiên, hiện có không ít chuyên ngành về xã hội nhân văn mà xã hội thực sự đang rất cần.
Ví như ngành Tâm lý giáo dục, một ngành có lẽ không nhiều thí sinh lựa chọn trước khi làm hồ sơ thi ĐH nhưng lại là ngành mà khi tốt nghiệp cơ hội việc làm khá rộng mở. Ông Phạm Tấn Hạ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV cho biết, những người học tâm lý giáo dục sẽ rất rộng đường tìm việc làm qua công việc tư vấn những vấn đề về học đường, tâm sinh lý học sinh. Ngoài ra, người học ngành này còn đáp ứng được các yêu cầu kiến thức cơ bản về quản lý nhân sự, tài chính, kinh tế học giáo dục, thanh tra, marketing giáo dục, nghiên cứu, tư vấn giáo dục…
Ngành tâm lý học đường mặc dù còn rất mới ở Việt Nam nhưng đã mở ra không ít triển vọng. Đây là một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng nhằm thực hiện công tác phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong các lĩnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng; đồng thời tham gia nghiên cứu, xây dựng, phát triển và lượng giá các chương trình này. Khi giáo dục kỹ năng sống đang ngày càng được ngành Giáo dục và xã hội quan tâm, coi trọng thì sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể dễ dàng kiếm được việc làm. Đơn vị đặt nền móng cho ngành là Khoa Tâm lý-Giáo dục của trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Bắt đầu từ năm 2010, Trường ĐH Điện lực đã chính thức tuyển sinh chuyên ngành điện hạt nhân. Đây cũng là trường ĐH đầu tiên tuyển sinh chuyên ngành này nhằm đón đầu sự ra đời của các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai không xa. Mặc dù cơ hội việc làm “nhãn tiền” cộng với nhiều ưu đãi như ưu đãi về kinh phí đào tạo của Nhà nước (theo quy định của Chính phủ đối với ngành năng lượng nguyên tử) và của Tập đoàn Điện lực VN, được đào tạo hai năm cuối ở các trường ĐH tên tuổi của Nga, Czech, Pháp...nhưng thí sinh vẫn thờ ơ với ngành học này. Theo thông tin từ trường ĐH Điện lực, trong khóa đầu tiên, trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu nhưng xét tuyển đến nguyện vọng 2 cũng chưa đủ.
Ông Trần Văn Thạnh, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD ĐH An Giang cho biết, thật khó lý giải khi những ngành mà vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cần nhân lực như chăn nuôi, trồng trọt thì trường không thể tuyển sinh nổi. Dù có quảng bá, về tận trường phổ thông hướng nghiệp nhưng thí sinh vẫn không vào. Trường học hiện nay rất cần giáo viên dạy học Tin học, vậy mà ngành này trường tuyển sinh cũng vô cùng chật vật. Rõ rằng là nhu cầu xã hội cần, nhưng sao thí sinh vẫn thờ ơ?
Hình minh hoạ
Những ngành “khát” nhân lực
Không ít bộ ngành mới đây đã lên tiếng về tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có khối ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước mới có 13 trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh. Riêng lao động nông nghiệp, có đến gần 21 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn. Dù được nhận định là, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc lựa chọn ngành nghề và hướng nghiệp cho giới trẻ, thế nhưng, việc thu hút học sinh thi vào các khối ngành nông, lâm nghiệp vẫn luôn là bài toán nan giải.
45.000 người là con số mà ngành tài nguyên và môi trường cần bổ sung trong giai đoạn 2011 – 2015. Trong đề phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của Bộ Tài nguyên - môi trường, nhiều chuyên ngành đang thiếu rất nhiều nhân lực hoặc có ít chuyên ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên...
Du lịch cũng ngành đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực nhất là đội ngũ hướng dẫn viên các tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản...Theo Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, sẽ cần đến 505 ngàn người trong ngành này vào năm 2015 và 870 ngàn lao động trực tiếp đến năm 2020. Thế nhưng, nguồn thí sinh cho các ngành này vẫn rất hạn chế.
Theo báo cáo xu hướng việc làm của Bộ LĐ-TB&XH, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm đến năm 2015 gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…Tuy nhiên, vào năm 2020, nhu cầu việc làm những ngành này lại giảm mạnh.
Hiếu Nguyễn - GDTD