>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Đó là đề xuất của Hiệp hội Các trường ngoài công lập (VIPUA) đối với Bộ GD-ĐT sau khi Bộ GD-ĐT công bố sẽ bỏ điểm sàn từ năm 2014.

Đề xuất tiêu chí tối ưu thay thế điểm sàn đại học, cao đẳng 2014

VIPUA đề xuất việc tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ cần dựa vào “điều kiện cần” và “điều kiện đủ”, trong đó “điều kiện cần” thuộc về bộ và “điều kiện đủ” là do quyền tự chủ của các trường. Cụ thể VIPUA cho rằng về mặt vĩ mô, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ nên quy định “điều kiện cần” để được vào học các trường đại học, cao đẳng.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - phó chủ tịch hiệp hội, kinh nghiệm các nước (kể cả những nước có các trường đại học, cao đẳng đang lấy nguồn tuyển tại Việt Nam) thì “điều kiện cần” chính là người học phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương. Còn “điều kiện đủ”, tức là điều kiện để người học được xét tuyển vào từng ngành đào tạo ở mỗi trường đại học, cao đẳng, phải do từng trường quyết định tùy theo tính chất ngành nghề và thương hiệu của mỗi trường.

Đề xuất tiêu chí tối ưu thay thế điểm sàn đại học, cao đẳng 2014

Đề xuất tiêu chí tối ưu thay thế điểm sàn đại học, cao đẳng 2014

Để thực hiện hiệu quả phương án thay thế này, VIPUA đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương triển khai một số việc.

Thứ nhất, phải bảo đảm thật tốt chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngay từ năm học này về cả hai mặt: chất lượng đề thi và kỷ cương thi cử. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ Giáo dục và đào tạo. Có làm được hai yêu cầu đó thì kỳ thi này mới thực sự mang tính chất quốc gia, mới thực sự “làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” như Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ rõ.

Để đảm bảo chất lượng đề thi của từng môn thi bộ phải ra đề phù hợp với chương trình phổ thông hiện nay; điểm “đạt“ của thang điểm phải phù hợp với chuẩn đầu ra (chuẩn tối thiểu) của chương trình giáo dục phổ thông mà bộ đã ban hành từ nhiều năm nay, như cách tính điểm của EU.

Thứ hai, VIPUA đề nghị bộ quy định chỉ tiêu đào tạo của các trường (tốt nhất là theo từng ngành đào tạo) dựa trên các tiêu chí: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, suất đầu tư/sinh viên, nhu cầu nhân lực, tổ chức bộ máy, tính minh bạch của tài chính... và có các chế tài với những trường vi phạm các quy định đó.

Thứ ba, bộ cần yêu cầu các trường phải công khai minh bạch bộ tiêu chí quy định “điều kiện đủ” trong tuyển sinh của mình và có chế tài với các trường vi phạm bộ tiêu chí này. Đồng thời bộ cũng khuyến khích giới báo chí, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp dựa vào các bộ tiêu chí tuyển sinh mà các trường đã công bố để xếp hạng chất lượng nguồn tuyển giúp các thí sinh và xã hội biết khi đăng ký vào học.

Được biết, công văn đề xuất này đã được VIPUA gửi Bộ GD-ĐT, đồng thời gửi đến Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo trung ương

Theo tác giả Ngọc Hà, báo Tuổi trẻ