Tuyển sinh > Tuyển sinh 2015 > Quy chế tuyển sinh
Thang điểm 20: Lượng đổi chất không đổi
Các quốc gia ngày nay sử dụng nhiều thang mức và chuẩn mực trong tính toán hay đánh giá sự vật sự việc và thống nhất một quy chuẩn chung quốc tế. Thang điểm dùng đánh giá bài thi từng môn thi, kỳ thi không giống nhau. Vấn đề lớn nhất của thi là đề bài, giám thị và giám khảo, đặc biệt là quan điểm thi, mục đích thi chứ không phải ở thang điểm chi tiết đến bao nhiêu!
Điểm 10 hay điểm 20?
Đánh giá bài thi dựa vào định lượng (thang điểm) và định tính (cảm nhận, cảm quan). Có nước dùng thang điểm 5, hoặc tính theo A, B, C, D, F, Việt Nam chọn thang điểm 10. Thang điểm 5 hay 5 mức và điểm 10 hay chọn thang điểm bao nhiêu cuối cùng vẫn tìm ra bài thi cao nhất và thấp nhất, vẫn đạt mục đích mỗi kỳ thi. Những môn thi khoa học Tự nhiên, chi tiết điểm số từng câu không khó trong khi những môn khoa học Xã hội, chi tiết hóa điểm từng câu không dễ chút nào. Đành rằng chỉ cần nhân đôi hoặc chia đôi, đành rằng điểm lẻ 0,25 hay 0,5, đành rằng chỉ là kỹ thuật chấm...Những chuyên gia chấm thi và thí sinh rồi sẽ chấp nhận thang điểm 20, 40, 100, 1000… (thi học sinh giỏi 12 quốc gia Việt Nam vẫn chấm điểm 20).
Môn khoa học Xã hội, với hướng đề và đáp án mở, chia nhỏ điểm theo ý có thể làm vỡ nội dung ý nghĩa của luận điểm, làm nát chỉnh thể văn bản và hỏng tư duy mở tự do và sáng tạo của thí sinh. Chúng ta, lâu nay, vẫn chỉ chú trọng định lượng đếm ý hay theo bước giải cho điểm, đúng đến đâu cho điểm đấy, cộng lại thành điểm bài và lấy lẻ đến bao nhiêu.
Quan điểm chấm thi theo định lượng đã vô tình bỏ đi định tính, bỏ đi cách trình bày, diễn đạt, cách bày tỏ cảm xúc. Những môn khoa học Tự nhiên, chỉ cần giải đúng, đáp số đúng là có thể đạt điểm tối đa, dù chữ và trình bày không ra làm sao trong khi bài thi môn Xã hội đôi khi lại xét điểm nghiêng về diễn đạt, cảm xúc hơn là nêu được bao nhiêu nội dung.
Với môn Ngữ văn, bài đạt yêu cầu 5/10 điểm- điểm đạt yêu cầu, chỉ cần nêu được ý, diễn đạt dễ hiểu, không mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, viết câu. Như thế, cho điểm bài thi theo thang mức nào cũng không làm thay đổi kết quả bài thi, cũng không quá phức tạp và cũng không sáo trộn gì tâm lý người chấm và thí sinh. Điều quan trọng, sự thay đổi thang mức điểm bài thi đem lại những lợi ích gì, có nên hay không nên? Tham khảo cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn năm 2015
Điều trọng yếu nhất, theo tôi, giám khảo nhất thiết chấm theo định lượng thang điểm và nhất thiết theo cảm tính cảm quan về diễn đạt, trình bày. Có lẽ, chúng ta cũng nên bỏ cách “chấm khoán” số bài để giám khảo có thời giờ cảm nhận cái hay, cái chặt chẽ của từng bài thi. Vấn đề lớn nhất của thi là đề bài, giám thị và giám khảo, đặc biệt là quan điểm thi, mục đích thi chứ không phải ở thang điểm chi tiết đến bao nhiêu!
Tầm nhìn xa trông rộng
Trong cách nhìn mới, đổi mới Giáo dục Việt nam, việc thay đổi thang điểm 20 của Bộ Giáo dục trong Dự thảo Quy chế thi TNPT 2015 thật sự không có nhiều ý nghĩa. Nhà trường phổ thông vẫn chấm thang điểm 10 hoặc quy ra điểm 10 (môn trắc nghiệm). Dùng thang điểm 20 thay thang điểm 10, kéo theo bao nhiêu công thức tính toán, thống kê số liệu thay đổi cũng như gây sự sáo trộn tâm lý người học người thi, sự khó khăn cho người dạy người chấm.
Trong những điểm mới của Dự thảo Quy chế thi TNPT quốc gia 2015, thang điểm 20 không tạo nên diện mạo mới của kỳ thi chung quốc gia. Hơn 40 năm qua, chúng ta dùng thang điểm 10 và vẫn đạt nhiều mục tiêu của Giáo dục. Chất lượng giáo dục và đào tạo, phân hóa thí sinh và đảm bảo công bằng. Dựa vào thang điểm, theo tôi, chỉ là tiêu chí cơ học, bên ngoài. Bản chất của thi và xét tốt nghiệp khác với thi tuyển sinh, một bên đỗ càng cao hơn năm trước càng tốt, một bên chỉ quan tâm chất lượng đầu vào. Cách coi và chấm thi cũng hoàn toàn khác, một anh “gạn đục khơi trong” vớt điểm, một anh khá chặt tay “chọn quặng vàng”.
Chúng ta, từ trường THPT đến đại học, luôn mồm kêu than “điểm đầu vào thấp, chất lượng không đảm bảo…” nhưng trường nào cũng hơn 50 % học lực khá giỏi, cũng tràn trề thành tích! Điểm bài thi đầu vào không thể tạo nên chất lượng học sinh và thương hiệu nhà trường! Điểm thi phụ thuộc vào đề bài, coi và chấm. Ví như, khi thi thử TNPT môn tiếng Anh, Bộ ra đề thi và tổ chức thi khảo sát (cách đây chục năm) kết quả đạt 5/10 điểm chỉ hơn 10%, khi thi thật, trên 80% điểm khá giỏi!
Đánh giá chất lượng học sinh dựa vào nhiều tiêu chí và không thể chỉ dựa vào con điểm kiểm tra! Bảo rằng điểm số càng lớn thì chất lượng tốt hơn điểm nhỏ ư? Bảo rằng điểm càng lớn, càng chi tiết thì phân hóa trình độ thí sinh càng chuẩn và công bằng ư? Nước ngoài, họ chọn thang điểm 5 hay A, B, C, D, F thì có phân hóa trình độ và công bằng đánh giá? Vấn đề chất lượng và công bằng không nằm trong thang điểm khi chấm bài thi!
Thực tế lâu nay, tuyển sinh trường nào cũng xét lấy từ điểm cao xuống đến đủ kế hoạch chỉ tiêu, chênh 0,10 – thang 10 hay 0,20 thang 20, đỗ hay trượt vẫn không thay đổi. Chi tiết hóa điểm 20 cũng không đem lại lợi ích gì cho người thi. Học sinh hiểu đề, có tri thức sẽ làm được bài, điểm sẽ cao và ngược lại. Việc chi li điểm 20 giúp phân loại thí sinh chính xác đến 0,10, công bằng đến 0,10 nhưng em đỗ hay trượt vẫn không đổi, chất lượng thí sinh cũng không đổi. Chúng ta đều nhìn thấy quy luật thi ở nước ta: đề thi dễ- điểm cao, coi thi lỏng- nhiều điểm cao, chấm thi lỏng – nhiều điểm bằng nhau.
Vấn đề phân hóa trình độ thí sinh, đảm bảo công bằng tuyển sinh, đáng giá chất lượng học sinh rõ ràng không phụ thuộc vào thang điểm 10, 20 hay bao nhiêu. Lựa chọn mức thang điểm tùy thuộc mục đích mỗi kỳ thi và mỗi quốc gia. Chất lượng đào tạo và thương hiệu nhà trường không chỉ liên quan chính đến điểm đầu vào cao hay thấp.
Đã đến lúc, các nhà quản lý giáo dục nên nhìn xa hơn, rộng hơn để thay đổi kế hoạch, nội dung chương trình, phương pháp và các chế định, chính sách quan trọng khác làm biến đổi chất và lượng giáo dục, khẳng định thương hiệu uy tín nhà trường. Điểm thi của thí sinh là một cơ sở và chỉ là một dữ liệu cơ sở ban đầu để nhà trường hoạch định mục tiêu, kế hoạch và chương trình hành động để thành công.
Cái mới bao giờ cũng không dễ thuận buồm thuận gió. Mở rộng thang điểm 20 trong Dự thảo Quy chế thi TNPT quốc gia 2015 làm thay đổi rất nhiều thứ nhưng lợi ích và tiện ích không nhiều. Thay đổi thang điểm 20 chỉ là thay đổi công thức tính điểm bài thi. Chúng ta chờ đợi và hi vọng có sự đổi thay, chuyển biến từ bên trong, từ bản chất các cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Bài viết là quan điểm của thầy giáo Nguyễn Văn Lự, gửi về Tòa soạn từ Vĩnh Phúc.
Nguồn: Báo giáo dục Việt Nam
Video được xem nhiều: Tiếng anh cho người mất căn bản:
Học tiếng anh Online > Tiếng anh cho người mất căn bản