Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng 2020, nhiều bạn trẻ đã làm thủ tục nhập học và chuẩn bị bước vào môi trường hoàn toàn mới. Từ nay, các bạn sẽ phải tự giác trong mọi thứ, sẽ phải chịu trách nhiệm từ việc học đến cuộc sống ngoài giảng đường.

Cử nhân giấu bằng đại học làm việc phổ thông: Nguyên nhân do đâu?

Rớt nguyện vọng 1, hãy cảm ơn vì đó là cơ hội

Không ít bạn trẻ băn khoăn không biết học đại học khác học phổ thông như thế nào. Sau đây là những điều có thể khiến các bạn ngạc nhiên, nhưng hãy lắng nghe những lời khuyên hữu ích để có thể hòa nhập và thích nghi nhanh với môi trường đại học.

1. Tự giác trong học tập

Một trong những khác biệt lớn nhất và dễ nhận thấy nhất giữa học đại học và học phổ thông là tự học. Tự học là sự tự giác trong học tập, là sự chủ động trong tư duy tìm kiếm kiến thức, kỹ năng học tập không chỉ ở trên lớp mà còn ở ngoài nhà trường.

Nếu như học phổ thông được thầy cô, bố mẹ kèm cặp, nhắc nhở thường xuyên thì học đại học, ý thức của bản thân sẽ là yếu tố quyết định năng lực học tập của bạn. Sự khác biệt này thể hiện ở chỗ, bạn không còn sổ liên lạc và cũng chẳng còn họp phụ huynh.

Học đại học, bạn có thể đến muộn mà chẳng ai quan tâm, bởi lớp học hàng trăm người và trừ phi bạn là “nhân tài” trong lớp thì mới khiến người khác để ý khi không có bạn. Tất nhiên, sẽ có thầy cô nghiêm khắc điểm danh thường xuyên nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể qua mắt được hành động kiểm soát này.

Sự khác biệt giữa học đại học và học phổ thông  - Ảnh 1

Sinh viên có thể "thảnh thơi" khi đi học nhưng vất vả vô cùng khi đi thi

Hay như chỗ ngồi, có thể khi học phổ thông 3 năm bạn chỉ ngồi 1 vị trí nhưng ở đại học thì ngược lại, 1 năm bạn có thể đổi 30 vị trí (tất nhiên có thể ít hoặc nhiều hơn). Bạn cũng có thể ra vào lớp tự do mà không cần phải xin phép, chỉ cần đừng ảnh hưởng đến người khác…

Nếu đã gọi là tự lập thì hãy bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất đó là tự chăm sóc cho bản thân. Đừng để phòng mình luôn trong tình trạng bừa bãi, ăn uống không điều độ hay suốt ngày thức khuya chơi game, xem phim… Những điều này không chỉ ảnh hưởng học tập mà còn đến sức khỏe của bạn. Hãy tạo môi trường sống sạch sẽ, không gian học tập thoải mái, nhớ ăn uống điều độ và có một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Chỉ khi bản thân bạn "ổn" thì việc học hành hay tham gia các hoạt động ngoại khóa mới đạt được hiệu quả.

2. Tự chọn lịch học

Thay vì sáng nào cũng cắp sách đến trường thì bây giờ bạn có thể tự chọn lịch học ưng ý, nhưng trước hết, bạn phải vượt qua "cuộc chiến" mang tên đăng ký học phần. Nhà trường sẽ đưa ra những học phần kèm theo lịch học và giảng viên giảng dạy. Thông thường mỗi môn sẽ có thời gian học khác nhau, bạn có quyền tự chọn thời gian và giảng viên sao cho hợp lí.

Sự khác biệt giữa học đại học và học phổ thông  - Ảnh 2

Sinh viên sẽ phải vượt qua "cuộc chiến" đăng ký học phần

Nhờ lịch học linh động, nhiều bạn sinh viên có thể tranh thủ đi làm thêm hoặc học dồn để rảnh rỗi vào cuối tuần.

Đi làm thêm là lựa chọn được nhiều sinh viên quan tâm bởi ai cũng mong muốn sau này ra trường sẽ kiếm được việc làm tốt với mức lương ổn định. Nhưng trước khi đạt được điều đó bạn phải tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường. Những trải nghiệm, bài học từ việc làm thêm sẽ là những hành trang vô cùng quý giá để bạn sẵn sàng bước vào một môi trường làm việc đầy chuyên nghiệp và năng động.

3. Kiến thức đa dạng, "học đủ thứ"

Kiến thức khi học đại học và học phổ thông không chỉ khác biệt về khối lượng mà còn cả về sự đa dạng. Rõ ràng, sự đa dạng về kiến thức sẽ tỉ lệ thuận với cấp bậc học, học càng cao thì kiến thức càng đa dạng.

Sự khác biệt giữa học đại học và học phổ thông  - Ảnh 3

Kiến thức khi học đại học vô cùng đa dạng

Đầu tiên là các loại tài liệu liên quan đến môn học. Học đại học khác biệt với phổ thông ở chỗ, muốn giỏi thật sự thì người học cần chủ động đọc rất nhiều loại tài liệu khác nhau, đồng thời chủ động tìm kiếm các bài tập thực tế, các phương pháp thực hành để cụ thể hóa lý thuyết thành kỹ năng.

Ví dụ: sinh viên Sư phạm cần chủ động tìm kiếm cơ hội để được đứng lớp (có thể là dạy thêm), sinh viên Kinh tế cần tìm kiếm các trải nghiệm về kinh doanh, buôn bán… Đây là những điều mà học phổ thông không thể có.

Tiếp đến là các nhiệm vụ trong học tập. Nếu học phổ thông hoạt động chủ yếu là ở trên lớp thì học đại học còn có nhiều thử thách mang tên: kiến tập, thực tập… Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho sinh viên và chỉ có ở sinh viên. Sự đa dạng về kiến thức khiến sinh viên cần biết cách khai thác cũng như tiếp cận một cách khôn ngoan và khoa học để có thể có kết quả học tập tốt nhất.

4. Lớp học đông, quan hệ bạn bè mở rộng

Nếu như ở phổ thông sĩ số lớp khoảng 40 đến 50 người thì ở đại học, một lớp có thể gồm 80 đến 100 người.

Sự khác biệt giữa học đại học và học phổ thông  - Ảnh 4

Tại một số trường, bạn sẽ có 2 lớp, một lớp được gọi là "Lớp sinh hoạt" – là lớp chính thức theo bạn trong suốt quá trình ở trường, theo dõi, đánh giá quá trình học tập cũng như rèn luyện, lớp thứ 2 là "Lớp học phần" – là lớp bạn đăng kí các môn học theo chương trình đào tạo, mỗi môn như vậy sẽ có những lớp học phần khác nhau. Cũng chính vì lí do đó mà bạn bè không còn "học chung" như thời phổ thông nữa. Bạn sẽ chọn cho mình lịch học riêng, giảng viên riêng, môn học cũng có quyền học trước hoặc học sau tùy theo điều kiện và quy định của từng trường. Thường thì sẽ có những nhóm nhỏ đăng kí chung lịch học cùng nhau, còn lớp sinh hoạt là nơi để bạn tham gia các hoạt động phong trào cũng như đánh giá điểm rèn luyện ở trong nhà trường.

5. Tham gia các câu lạc bộ

Học cấp ba, đặc biệt là lớp 12, lịch học dày đặc từ sáng đến tối khiến học sinh không có thời gian cho những sở thích hay hoạt động ngoài giờ. Nhưng khi lên đại học, bạn sẽ linh động hơn về thời gian và có thể tham gia vào các lạc bộ tại trường.

Những hoạt động tập thể sẽ giúp bạn hòa nhập ngay vào cộng đồng sinh viên trong trường và giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Các bạn cũng sẽ được rèn luyện những kĩ năng làm việc nhóm, nâng cao tính đoàn kết và bổ sung kinh nghiệm sống. Mỗi câu lạc bộ lại có những vai trò khác nhau giúp bạn học hỏi nhanh và áp dụng những kĩ năng quý báu trong học tập, ứng xử, rèn luyện thân thể và văn hóa.

Hiện nay, hoạt động của các câu lạc bộ tại các trường đại học ngày càng nổi trội. Một số trường đại học sở hữu số lượng câu lạc bộ "khủng" có thể kể đến như: Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành...

Sự khác biệt giữa học đại học và học phổ thông  - Ảnh 5

Tham gia câu lạc bộ giúp bạn cải thiện kĩ năng và mở rộng mối quan hệ

Ngoài những câu lạc bộ trong trường, bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ bên ngoài với lĩnh vực đa dạng hơn, không bị giới hạn và có cơ hội gặp gỡ, làm quen với nhiều bạn bè đến từ nhiều trường khác nhau.

6. Cần quan tâm đến điểm rèn luyện

Điểm rèn luyện được xem như là xếp loại hạnh kiểm như thời phổ thông, tuy nhiên nó được đánh giá một cách khách quan và khoa học hơn. Việc quy ra thang điểm nhằm đảm bảo tính công bằng cũng như việc đánh giá chính xác hơn quá trình rèn luyện của bạn. Dựa vào số điểm mà bạn tích lũy được để xếp loại rèn luyện, những đóng góp hay việc chấp hành quy định sẽ được tính điểm, những vi phạm cũng sẽ bị trừ điểm giống như ở phổ thông.

Sự khác biệt giữa học đại học và học phổ thông  - Ảnh 6

Điểm rèn luyện đánh giá sự chuyên cần và ý thức tham gia các hoạt động của sinh viên

Ngoài việc làm căn cứ để xét tốt nghiệp khi ra trường, điểm rèn luyện của bạn sẽ được sử dụng để xét duyệt học bổng, xét khen thưởng - kỷ luật, xét miễn giảm chi phí... Bên cạnh kết quả học tập, nhiều trường đại học còn dựa vào điểm rèn luyện để xếp loại học bổng cho sinh viên. Ví dụ: nếu cả hai bạn sinh viên đều đạt điểm trung bình bằng nhau nhưng bạn A có điểm rèn luyện loại giỏi sẽ được nhận được giá trị học bổng cao hơn bạn B chỉ đạt loại khá.

Một số trường có các chương trình học bổng hấp dẫn dành cho sinh viên như: Đại học FPT - học bổng được cấp thẳng khi trúng tuyển, học bổng 100% học phí toàn khóa trong kỳ thi giành học bổng tại trường; Đại học RMIT - học bổng toàn phần, học bổng dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc, học bổng riêng của từng ngành; Đại học Quốc tế Sài Gòn lần đầu tiên áp dụng học bổng "Tài năng công nghệ thông tin" trong mùa tuyển sinh 2020-2021...

Vẫn còn rất nhiều sự khác biệt ở phía trước, hy vọng đây sẽ là những trải nghiệm thú vị dành cho cuộc sống sinh viên của bạn.

Xem thêm: Học giỏi, yêu thích Ngữ văn và Ngoại ngữ nên làm nghề gì?

Kênh Tuyển Sinh tổng hợp