Tổng hợp của Bộ GD-ĐT đến ngày 25.10, có 23/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh học trực tiếp. Một số địa phương kết hợp cả 3 hình thức trực tiếp, trực tuyến và truyền hình.
Theo văn bản của Bộ GD-ĐT (có tham khảo ý kiến của Bộ Y tế) gửi UBND các tỉnh, thành phố ngày 15.10 về việc dạy học trực tiếp thì các trường học ở khu vực thuộc cấp độ 1 và 2 về dịch Covid-19 có thể dạy học trực tiếp hoàn toàn; cấp độ 3 dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến, cấp độ 4 tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình.
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi tỉnh, huyện và phường, xã dựa vào Nghị quyết số 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cả nước có 37 tỉnh, thành ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 26 tỉnh, thành ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới). Không có tỉnh, thành cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã ở cấp độ 3, 2 huyện và 37 xã ở cấp độ 4.
Nếu áp dụng theo đề nghị của Bộ GD-ĐT thì tất cả tỉnh, thành cả nước đã có thể mở cửa trường học được, trừ các xã, huyện đang ở cấp độ 3 và 4.
Tuy nhiên, theo số thống kê mới nhất của của Bộ GD-ĐT như trên thì hiện cả nước chỉ có 25 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đến trường.
Học sinh trường Tiểu học Thạnh An (Cần Giờ) học trực tiếp
Tại Hà Nội, dù tất cả các xã phường đều ở cấp độ 1, 2 nhưng sau một vài lần bàn bạc, đề xuất rồi rút lại, đến hôm nay, 26.10, thành phố này vẫn chưa đưa ra bất cứ phương án chính thức nào về việc cho học sinh trở lại trường. Hà Nội vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các địa phương dạy học trực tuyến hoàn toàn từ đầu năm học đến nay. Trong khi đó, tâm dịch TP.HCM đã bắt đầu cho học sinh ở H.Cần Giờ đến trường (nằm trong số 15 tỉnh, thành có kết hợp các hình thức dạy học khác nhau).
Một số địa phương có ca mắc mới trong cộng đồng hoặc F0, F1 có liên quan đến trường học như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Quảng Ninh… cũng đóng cửa trường học theo phạm vi nhỏ theo cấp xã hoặc huyện, thay vì cho toàn bộ học sinh cả tỉnh ở nhà như trước đây.
Ngày 25.10, chia sẻ trên một số phương tiện truyền thông, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nêu thực tế rất nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa bàn ở nông thôn là “vùng xanh” không có dịch nhưng tại sao vẫn chưa cho học sinh đi học? Chúng ta quy đồng cả một tỉnh, cả một thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn, cần có kế hoạch phân vùng nào gọn vùng đấy. Vùng nào có nguy cơ, vùng nào không? dịch ở mức độ nào giải quyết nguy cơ đó, phạm vi đó.
> Học sinh chuẩn bị làm bài kiểm tra định kỳ, cần làm gì để đảm bảo tính công bằng?
> Môn học tích hợp lớp 6: Nhiều giáo viên vẫn còn bối rối trong việc giảng dạy
Theo Thanh Niên