Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep


Từ căn phòng nằm áp mái tầng 4 chưa đầy 3m2 được chủ nhà trọ ra giá 1,6 triệu đồng cho một đợt thi (4 ngày) hoặc một chiếc giường nhỏ kê trong căn phòng bếp cũng có giá tương tự, đến những ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát mà giá chỉ… 0 đồng. Đó là một phần của bức tranh phòng trọ cho sĩ tử trong mùa tuyển sinh mà phóng viên vừa tìm hiểu được tại một số khu vực ở Hà Nội.

Đắt ngang khách sạn…

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, khi mà sĩ tử chưa kịp “nóng” cùng không khí trường thi đã phải “chóng mặt” với giá nhà trọ có nguy cơ tăng giá từng ngày nếu không nhanh chân đến đặt cọc thuê sớm.

Những phòng trọ chủ yếu là các căn phòng thường ngày được chủ nhà dùng trong sinh hoạt hằng ngày hoặc những phòng trọ bỏ trống do sinh viên về quê nghỉ hè, nay tận dụng làm chỗ trọ cho thí sinh trong vài ngày vậy mà giá thuê cũng tương đương như nhiều khách sạn tiện nghi ở Hà Nội.

Chị Yến, chủ nhà trọ 49B ngõ Núi Trúc, Hà Nội cho biết: Khu nhà này chị đã cho thuê hết, vì thí sinh lên thi đông, lại có nhu cầu ở gần điểm thi nên tranh thủ dùng tạm phòng của con gái cho thuê trong mấy ngày thi. Phòng tuy chỉ khoảng 3m2 nhưng có điều hòa, thí sinh cũng chỉ cần có chỗ nghỉ yên tĩnh, sạch sẽ nên mọi năm cận ngày thi vẫn có nhiều người đến hỏi thuê. Năm nay, để giải quyết nhu cầu của sĩ tử, gia đình chị tận dụng nốt căn bếp gần 8m2 ở tầng 1 và giá thuê cũng là 1,6 triệu đồng cho một đợt thi.

si tu nong voi gia nha tro

Đi sâu vào ngõ Núi Trúc mới thấy khá nhiều dãy nhà trọ nhưng đều trả lời đã hết phòng, nếu muốn thuê thì gần đến ngày thi quay lại, thời điểm đó sinh viên trả phòng về quê. Đang loay hoay tìm phòng trọ, tôi được một thanh niên giới thiệu có phòng cho thí sinh nhưng không có phòng riêng, phải ở ghép. Phòng hơn 15m2, sẽ ở ghép 10 người, tính đổ đồng 100.000 đồng/người/ngày. Nếu thuê thì phải đặt cọc ngay bởi gần ngày thi rất nhiều người đến thuê do khu vực này có nhiều điểm thi.

Chủ nhà trọ ở 59 ngõ Núi Trúc cho biết năm nay giá cả các mặt hàng đều tăng nhưng gia đình vẫn giữ nguyên giá cho thuê phòng như năm ngoái là 1,3 triệu đồng cho 3 ngày thi, nếu ở 4 ngày sẽ là 1,5 triệu đồng. Căn phòng 6m2 thường ngày dùng cho sinh hoạt gia đình, chỉ cho thuê vào mùa tuyển sinh.

Trong khu nhà ở ngõ 129 Giảng Võ, chủ nhà cho biết còn 2 phòng để cho thuê nhưng phải gần đến ngày thi mới nhận. Tận dụng 2 phòng trống (mỗi phòng hơn 10m2) do sinh viên trả phòng về quê, thí sinh có thể tự nấu ăn và có khu vệ sinh riêng nhưng mỗi phòng phải ở tối thiểu 3 người và tính giá bằng năm ngoái là 150.000 đồng/người/ngày. Và chủ nhà cũng không quên dặn lại rằng nếu có nhu cầu thì phải đặt cọc sớm, bởi năm nào cũng “cháy” phòng vào thời điểm cận ngày thi.

Với những cách tính này của các nhà trọ thì trung bình mỗi căn phòng vài mét vuông không có tiện nghi, chỉ có quạt điện sẽ có giá tương đương với một phòng một khách sạn tiêu chuẩn 2 sao ở Hà Nội với tiện nghi đầy đủ giá từ 340.000 đến 380.000 đồng/ngày…

Và phòng trọ 0 đồng

Cận ngày thi, nhiều chủ nhà trọ đều tranh thủ kiếm thêm. Việc tìm được chỗ trọ giá cả phải chăng đã là điều khó, vậy mà giữa cái khó khăn ấy vẫn

xuất hiện nhiều gia đình tự nguyện nhường phòng cho sĩ tử theo đúng tinh thần “tiếp sức mùa thi”. Họ không chỉ miễn phí chỗ ở mà hỗ trợ cả điện, nước sinh hoạt cũng như những đồ dùng thiết yếu khác để thí sinh và người nhà yên tâm tập trung vào thi cử.

Hơn 10 năm nay, cứ đến mùa thi thì vợ chồng chị Thúy-anh Bình và cậu con trai ở 32 C tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội lại thu dọn đồ đạc để chuẩn bị đón những vị khách “đặc biệt”. Nhà có 4 phòng, anh chị quyết định nhường 3 phòng cho thí sinh và người nhà ở miễn phí.

Với quan niệm “của cải vật chất không phải là thước đo của sự giàu có”, anh chị Thúy-Bình tuy chỉ làm ăn kinh doanh nhỏ lẻ ở khu vực ngõ chợ Nguyễn Công Trứ nhưng năm nào cũng rất sẵn lòng “nhường cơm, sẻ áo”, giúp các thí sinh bớt đi phần nào nỗi lo trước mùa thi. Không chỉ cho mượn nhà, chị Thúy còn cùng nhóm phật tử của mình góp tiền mua gối, mượn quạt, xoong nồi về phục vụ thí sinh trong mấy ngày thi cử.

Chị Thúy cho biết: Thường thì thí sinh dự thi các Trường Đại học Xây dựng, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân sẽ tìm đến xin ở nhờ nhưng nếu có bất cứ thí sinh nào khó khăn về chỗ ở, gia đình chị đều rất sẵn lòng giúp đỡ. Để tận dụng tối đa diện tích 30m3, chị dọn gọn gàng đồ đạc, những đồ cồng kềnh thì mang đi gửi sao cho ở được 25 người. Nhà của chị đến thời điểm này vẫn còn chỗ để nhận người nhưng ngôi nhà 3 tầng, mỗi tầng 21m2 của bố chồng chị ở 21 ngách 2 ngõ Huế đã kín người đăng ký ở miễn phí.

Gia đình chị Thúy coi đây là công việc thiện nguyện, một việc làm hết sức bình thường trong cuộc sống mà anh chị muốn đóng góp cho xã hội. Chị Thúy chia sẻ: Cuộc sống tuy có đôi chút xáo trộn nhưng bù lại niềm vui lớn nhất là tình cảm mọi người dành cho nhau, là sự chia sẻ vui buồn của thí sinh sau mỗi buổi thi. Có những em khi biết kết quả đỗ đại học đã gọi điện thông báo cùng gia đình và chúng tôi cũng như vui lây với niềm vui của họ. Đến nay, nhiều sinh viên ra trường đi làm vẫn thường xuyên liên lạc như những người thân trong gia đình.

Hiện nay, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã triển khai 100 đội tình nguyện viên hoạt động tại các bến xe, nhà ga, các điểm trung chuyển xe buýt trên địa bàn thành phố. Họ không chỉ giúp đỡ thí sinh mà còn tìm kiếm và cung cấp địa chỉ 8.000 nhà trọ miễn phí, 60.000 nhà trọ giá rẻ.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là kỳ thi bắt đầu, để tìm được một nhà trọ tốt với giá hợp lý đối với những người lần đầu tiên “chân ướt, chân ráo” đến Hà Nội, các sĩ tử nên tìm đến sự trợ giúp của đội tình nguyện viên tiếp sức mùa thi bởi thực tế không phải nhà trọ nào giá cũng “trên trời” mà có khá nhiều nhà trọ giá cả hợp lý, thậm chí được miễn phí, có thể giúp thí sinh và người nhà tiết kiệm kinh phí và yên tâm tập trung cho kỳ thi.

 

Kenhtuyensinh: QĐND

Thông tin cần biết:

Danh sách các trường đã công bố tỉ lệ chọi 2013

Tra cứu kết quả thi đại học