Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Đến 5/11 các trường ĐH, CĐ sẽ nộp báo cáo kết quả tuyển sinh để Bộ GD&ĐT xem xét phương án cho khoảng 20 trường ĐH Ngoài công lập (NCL) chưa tuyển đủ người học. Đó là kỳ vọng của các trường NCL. Phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề tuyển sinh năm 2014.
Bộ GD&ĐT đang gấp rút sửa đổi quy chế tuyến sinh
Được biết, khoảng 20 trường ĐH NCL đã trình phương án tuyển sinh riêng và đòi quyền tự chủ. Xin Thứ trưởng cho biết kết quả?
Từ 3 năm qua, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích tất cả các trường ĐH CL và NCL đề xuất phương án tuyển sinh riêng và sau mùa tuyển sinh 2013, Bộ đã nhận được 17 đề xuất. Điều đặc biệt là không có trường CL nào đề xuất mà tất cả đều là trường NCL. Bộ GD&ĐT đã góp ý kiến, đưa ra tham khảo nhưng không được xã hội đồng tình nên đã yêu cầu các trường điều chỉnh phương án cho thích hợp.
Nghĩa là phương án thêm một kỳ thi tuyển sinh-kỳ thi mùa xuân không thành hiện thực?
Theo quy chế hiện hành chỉ có 1 kỳ thi trong 1 năm nên nếu muốn có 2 hay nhiều kỳ thi thì phải sửa đổi quy chế. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang gấp rút sửa đổi quy chế để có thể xem xét đề xuất của các trường.
>>Có thêm kỳ tuyển sinh mùa xuân 2014
Vậy Quy chế tuyển sinh sẽ được thay đổi theo hướng nào, thưa ông?
Bộ GD&ĐT phải sửa đổi Quy chế tuyển sinh phù hợp với luật GD ĐH để các trường có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả 2 hình thức theo quy chế. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu 2014 sẽ ban hành để các trường kịp thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Bộ GD&ĐT phải sửa đổi Quy chế tuyển sinh phù hợp với luật GD ĐH để các trường có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả 2 hình thức theo quy chế. Dự kiến sẽ đưa vào quy chế những điều kiện thỏa mãn phương án tuyển sinh riêng. Các phương án tuyển sinh riêng phải thỏa mãn các điều kiện mới được phép triển khai nhằm công khai, minh bạch các điều kiện tuyển sinh. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu 2014 sẽ ban hành để các trường kịp thực hiện. Nhưng, các trường, dù thực hiện phương án nào cũng phải đảm bảo công bằng, không gây phức tạp cho xã hội, không tái diễn những bất cập trong quá khứ: Luyện thi tràn lan, thầy luyện thi tham gia ra đề thi, sự bất công bằng cho học sinh nông thôn và thành thị...
Các tiêu chí sẽ được đưa vào quy chế và trước khi ban hành sẽ được tham khảo ý kiến các nhà giáo, các thành phần trong xã hội.
Một thay đổi lớn nữa là sửa đổi ưu tiên khu vực. Sau nhiều năm thực hiện chính sách ưu tiên khu vực, có một số tỉnh thành phố đã phát triển tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người cao hơn và điều kiện xã hội phát triển tốt hơn. Nếu các thí sinh ở những vùng này tiếp tục được ưu tiên cộng điểm khu vực thì sẽ bất hợp lý và không công bằng cho những thí sinh ở vùng khác. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại và điều chỉnh để đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh ở các vùng miền khó khăn.
Xin ông lý giải vì sao chỉ có các trường NCL đề xuất phương án tuyển sinh riêng và điều này có cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của một số trường không?
Năm nay nguồn tuyển sinh đã lớn hơn chỉ tiêu 100.000 lượt thí sinh và có nhiều trường CL dù điểm tuyển cao cũng dành chỉ tiêu để gọi thí sinh nguyện vọng 2 nhằm nâng cao chất lượng. Những trường khó khăn về tuyển sinh có thể là do vị trí địa lý xa trung tâm hay do là trường mới, chưa có uy tín. Các trường này muốn có một cơ chế tuyển sinh riêng để tuyển thí sinh địa phương vào học cũng là một cách thu hút.
Tuyển sinh riêng có cứu vãn được không là một câu hỏi khó trả lời, vì chưa thực hiện. Tuyển sinh ở địa phương là một hướng nên làm nhưng các trường cũng phải đối mặt với hiện thực là có nhiều thí sinh trên điểm sàn không mặn mà với kỳ thi tuyển sinh riêng, nên về lâu dài, các trường cần phấn đấu có được uy tín mới thu hút được người học.
Như vậy có thể hiểu là năm 2014 vẫn thi tuyển sinh ba chung?
Trong nghị quyết T.Ư 8 vừa thông qua về việc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT có nói rõ về việc đổi mới tuyển sinh và giao cho các trường. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra lại các chỉ đạo của Đảng cũng như các điều khoản của Luật GD ĐH để chuẩn bị phương án tuyển sinh cho phù hợp. Bộ đã khởi động yêu cầu một số trường ĐH trọng điểm, trường ĐH lớn đưa ra phương án tuyển sinh riêng, nhưng rất tiếc chưa có trường nào đề nghị nên Bộ phải bắt tay vào làm.
Với những trường đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng, khi Quy chế tuyển sinh được điều chỉnh, bổ sung thì phương án nào thích hợp sẽ được thực hiện từ năm 2014.
>>>Đổi mới thi cử không có nghĩa là bỏ thi đại học
Những trường không có phương án tuyển sinh riêng thì sẽ thi kỳ thi chung của Bộ cho đến 2015. Sau năm 2015, cùng với việc thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục và đổi mới cách đánh giá phổ thông, sẽ có thể có những đổi mới mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là: mọi việc phải được chuẩn bị một cách thấu đáo và các học sinh phải được chuẩn bị để thay đổi cách học, cách làm bài tốt, không hẫng hụt...
Cảm ơn ông.
Theo tác giả Hồ Thu, Tiền phong