>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng vừa thông qua đang thu hút sự chú ý của dư luận. Về vấn đề này, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ TCCB Bộ GDĐT, thành viên Ban soạn thảo đề án.

ông Bùi Mạnh Nhị

Ông Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ TCCB Bộ GDĐT, thành viên Ban soạn thảo đề án

Chuyển sang nền giáo dục mở, linh hoạt

- Thưa ông, nội dung “phải chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt đảm bảo liên thông giữa các trình độ và phương thức đào tạo” được đề án nhấn mạnh. Ông có thể lý giải rõ hơn điều này?

- Khái niệm “mở” trong GD ở đây rất rộng, gồm mở về nội dung, về hình thức và phương thức đào tạo. Trong mở về nội dung, Nhà nước sẽ có chương trình khung quốc gia. Đã là chương trình khung quốc gia thì tất cả các cơ sở GD, các bậc học đều phải theo. Nhưng đồng thời chương trình khung đó cũng dành “phần mềm” để mỗi vùng miền, mỗi cơ sở GD có thể dựa vào đặc điểm địa phương, hay lứa tổi, tâm sinh lý học sinh… để cụ thể hóa, phát triển các chương trình đào tạo cho phù hợp.

Tôi lấy ví dụ: Không thể đòi hỏi HS ở các vùng miền núi, vùng khó khăn phải học chương trình giống hệt như HS thành thị.

giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp cũng vậy. Sẽ có một chương trình đào tạo khung, nhưng mỗi cơ sở đào tạo sẽ có chương trình đào tạo đặc thù riêng: Đặc thù về ngành nghề, đặc thù về mối quan hệ với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Có trường kết hợp đào tạo với các DN, vùng KT trọng điểm, ngành nghề mũi nhọn rất tốt; nhưng cũng có nhiều trường chưa làm được điều đó.

Vì vậy phải cho các trường một “biên độ” để có thể đi sâu phát huy thế mạnh, đặc thù của họ. Trên thế giới, ví dụ Colombia, ở một số vùng có chương trình GD “Nhà trường và cà phê”, bởi vì tại các vùng này, việc trồng, chế biến, kinh doanh xuất khẩu cà phê là thế mạnh. Chương trình GD của họ ngay từ bậc trung học cơ sở đã gắn bó rất chặt chẽ với cây cà phê.

đề án giáo dục

Đề án đổi mới thi cử của Bộ Giáo dục

Thứ hai là phải “mở” về hình thức đào tạo. Từ trước tới nay, mỗi trường, mỗi cơ sở đào tạo thường “đóng khung” trong khuôn viên của mình, ít có sự liên thông, phối hợp với gia đình và xã hội. Quan điểm của Đảng mà cụ thể ở trong đề án này là phải đảm bảo 3 nguyên lý giáo dục được kết hợp chặt chẽ: Nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo thống kê của một số nhà khoa học giáo dục trên thế giới, 60% thành tích học tập của HS phụ thuộc vào gia đình. Hiện nay, ở Việt Nam, đa số vẫn cho rằng việc học tập của các em HS phụ thuộc hoàn toàn vào nhà trường. Điều đó là sai lầm. Một gia đình mà bố mẹ không gương mẫu trong cách sống thì không thể tác động tốt đến giáo dục hình thành nhân cách con cái.

Giáo dục mở cũng yêu cầu cho HS tiếp xúc với thực tế cuộc sống xã hội, chứ không thể cứ mãi nhồi nhét lý thuyết suông. Chẳng hạn cho HS đi tham quan di tích cách mạng, tiếp xúc gặp gỡ với nhân chứng lịch sử … sẽ sinh động và tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ truyền thụ kiến thức cho các em qua sách vở, không có thực tiễn.

Hay như việc GD thể chất, hoặc thẩm mỹ cho học sinh: Không thể bắt các em buộc chỉ học một số môn cố định, cứng nhắc mà phải cho HS được quyền lựa chọn những môn mình thích, phù hợp. HS có thể lựa chọn học các môn thể thao trong số các môn như: Chạy, điền kinh, bóng bàn, cầu lông, bóng chyền, bóng rổ, nhảy cao, bóng đá, bơi lội…

Đối với các môn học về mỹ thuật, HS có thể lựa chọn học vẽ, nhạc, ca hát hay múa… Việc tạo lập một môi trường mở trong GD là hết sức cần thiết, để tạo cho các em tiếp cận theo đúng sở thích, tạo nên hiệu quả đào tạo cao hơn, thực chất hơn.

Về liên thông giữa các phương thức đào tạo, lâu nay, chẳng hạn giữa GD phổ thông với dạy nghề, giữa trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề luôn có khoảng cách. Các chương trình không liên thông với nhau. Bây giờ, phải xây dựng các chương trình liên thông với nhau để khi học xong THCS cũng có thể bước sang học nghề, hoặc từ học nghề tiếp tục phấn đấu để học lên bậc ĐH.

Lộ trình thực hiện liên thông phải rõ để HS không phải học lại những gì đã học ở bậc dưới; và biết muốn học tiếp lên bậc cao hơn thì phải làm gì, phải đảm bảo cần trang bị những gì?

Nói tóm lại, liên thông là tạo một “sợi dây” hay đường dẫn để đi từ bậc học này đến bậc học kia, từ phương thức đào tạo này sang phương thức đào tạo khác… nhưng đích cuối cùng phải đạt tới là thực học và thực nghiệm. Đó là điểm nhấn rất quan trọng của đề án đổi mới GD lần này.

Để DN không quay lưng với sinh viên ngoài công lập

- Vai trò của giáo dục ngoài công lập (NCL) đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nay đa số các trường NCL lại đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học (CĐ,ĐH). Vậy định hướng phát triển giáo dục NCL và giải quyết khó khăn cho khối GD này ra sao, thưa ông?

Về giáo dục NCL, Trung ương xác định phải bình đẳng với GD công lập. Đây là tư tưởng định hướng rất lớn. Nguồn lực quốc gia cho giáo dục cần tập trung cho cho các trường trọng điểm, trường sư phạm, cho những ngành nghề mà Nhà nước đặc biệt cần, cho các đối tượng chính sách, vùng miền khó khăn. Trong khi Nhà nước chưa đủ điều kiện (và ngay cả khi đủ điều kiện) cũng đều phải chú ý đến XHH giáo dục.

Ngoài GD phổ thông, đề án đặc biệt nhấn mạnh đến GD nghề nghiệp và GD đại học. Định hướng mà đề án hướng tới là giáo dục NCL chất lượng cao. Có một thực tế, trong khối giáo dục ĐH và TH chuyên nghiệp, phần lớn các trường NCL chưa có chất lượng cao, thậm chí nhiều trường NCL chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập, nhất là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy. Điều đó đã dẫn đến thực tế: Cơ quan, DN, tổ chức từ chối tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp các trường NCL. Đó là điều mà bản thân công tác quản lý GD cũng như cơ sở GD NCL phải nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm để chấn chỉnh.

Trong đề án đổi mới GD, Nhà nước có một số định hướng rất cụ thể cho GD NCL. Ví dụ, giáo viên NCL cũng sẽ được hưởng các chính sách như GV công lập; sinh viên NCL cũng được hưởng các chế độ chính sách ưu tiên, ưu đãi (học bổng, con em gia đình chính sách, người có công…) như đối với các trường công lập. Muốn phát triển được thì cơ sở GD NCL phải hết sức chú ý nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là khối GD chuyên nghiệp và CĐ, ĐH.

Tại sao trong khi khối GD phổ thông NCL thu hút rất lớn HS thì khối CĐ, ĐH lại không? Tại sao ở Hà Nội và TP HCM, HS đăng ký học ở trường NCL chất lượng cao rất khó (trường Đoàn Thị Điểm ở HN…; trường Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký ở TP HCM…)? Chính vì các trường NCL đó đã hết sức chú trọng đến chất lượng đào tạo.

Có tháo gỡ khó khăn cho trường NCL?

- Trong tình cảnh phải “vơ bèo gạt tép” cho tuyển sinh đầu vào, khó khăn đối với các trường CĐ, ĐH ngoài công lập đang rất lớn. Nếu yêu cầu phải tăng chất lượng đào tạo, đáp ứng đủ một số tiêu chí mới cho tồn tại thì khác nào đẩy họ tới chỗ càng khó khăn hơn? Ý kiến ông như thế nào?

Tôi xin đặt lại câu hỏi: Tại sao có trường NCL tiêu chuẩn tuyển sinh rất cao (trường ĐH dân lập Thăng Long- HN; trường ĐH Hoa Sen- TP.HCM) phải gạt bớt số người đăng ký học đi, trong khi các trường khác thì HS đăng ký tuyển rất ít? Lâm vào khó khăn, bản thân các trường NCL phải tự nhìn lại mình. Uy tín, chất lượng đào tạo của các trường đã tạo được niềm tin cho XH chưa?==>Vì sao sinh viên chê trường đại học ngoài công lập?

Đối chiếu lại các tiêu chí mà các trường khi thành lập đã cam kết; đối chiếu thực lực với quy mô tuyển sinh, các trường đã thực hiện đúng chưa? Thị trường LĐ luôn biến động, nhưng bản thân các trường NCL lại chỉ chú trọng đến đào tạo một số nghề “hót” như: Kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…

Đến khi thị trường thay đổi, dư thừa LĐ các ngành này thì các trường trở tay không kịp. Không có chiến lược phát triển dài hơi và đầu tư đúng hướng thì lâm vào tình cảnh này là điều tất yếu.

Tất nhiên, Bộ GDĐT sắp tới sẽ chú ý hơn trong khâu xác định các chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc thay đổi phương thức tuyển sinh cho phù hợp.

Đổi mới  SGK, thi tốt nghiệp THPT sau năm 2015

Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới chương trình SGK, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Ông có thể cho biết sự thay đổi các nội dung này trong đề án?

Việc đổi mới chương trình SGK, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thì sau năm 2015 chúng ta mới thực hiện. Đề án xác định chương trình phải tinh giản, cơ bản, hiện đại, có sự tích hợp cao ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên, đặc biệt là phân hóa mạnh ở 3 năm học THPT. Số môn học trong chương trình phổ thông sẽ bớt đi, không thể có quá nhiều môn học như hiện nay. Sự tích hợp để gắn kết sẽ được chú trọng. Trước đây có ngành khoa học nào thì trong nhà trường có môn học đó. Nhu cầu đầu ra của bậc học phổ thông có cần HS phải có kiến thức chuyên sâu như vậy không?

**Những khác biệt sách giáo khoa sau năm 2015

GD phổ thông hiện rải ra quá nhiều môn nhưng đến khi cần phân loại, “phân luồng” HS lại quá khó để thực hiện. Một mặt của GD là quá nặng và thừa, mặt khác lại thiếu. Điều đó sẽ được chấn chỉnh. Nhiều nước trên TG đã làm rồi.

Về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, Bộ GDĐT đang tiến hành nghiên cứu rất cụ thể, căn cơ. Nhưng về chủ trương thì dứt khoát phải đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, tăng cường vận dụng kiến thức vào giải quyết tình huống, sự việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trong thi cử sẽ hết sức tránh việc kiểm tra trí nhớ, kiểm tra sự “trả bài” thuần túy; tăng cường khả năng vận dụng, hiểu kiến thức của HS. Sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ cho tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Có bỏ kỳ thi đại học hay không?

- Thưa ông, còn việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường, nhất là trong đào tạo, thi cử?

Đề án xác định quyền tự chủ của các trường, cơ sở GD về: Bộ máy, biên chế, tự chủ về chương trình đào tạo, tự chủ về tài chính… Nhưng giải bài toán thực hiện quyền tự chủ này không phải dễ dàng. Tôi đồng tình với ý kiến của một số lãnh đạo các trường ĐH rằng “tự chủ thì rất mừng nhưng cũng rất lo”. Có một thực tế, nhiều người cho rằng tự chủ là làm gì cũng được. Có trường lại không biết tự chủ thì mình phải làm những gì, không biết phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện dân chủ… Cho nên tự chủ biến thái thành ý chí của một vài người!

Tự chủ của các cơ sở GD thực ra là ràng buộc rất lớn về trách nhiệm đối với xã hội, đối với cơ quan quản lý. Không biết tự chủ, tự chủ sai qui định đã từng xảy ra, dẫn đến tình trạng đáng buồn ở một số cơ sở GD.

- Dư luận đặt câu hỏi: Nếu giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh, bỏ kỳ thi ĐH thì sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, tạo “cơ hội” cho người có tiền, trong khi khép lại cánh cổng ĐH với rất nhiều HS nghèo? Ông lý giải điều này ra sao?

Đề án khẳng định sẽ đổi mới phương thức tuyển sinh đại học theo hướng kết hợp kết quả học tập phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Đề án không nói bỏ thi đại học.

Còn đổi mới cụ thể như thế nào, các bước thực hiện ra sao thì Bộ GDĐT sẽ có nghiên cứu phương án, xin ý kiến rộng rãi của người dân; đồng thời phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế và căn cứ trên thực tiễn VN. Đổi mới thi cử phải theo hướng thiết thực, hiệu quả, có thể sử dụng kết quả học tập THPT để làm một trong những căn cứ cho các cơ sở GD đại học tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển theo ngành nghề đào tạo. Bài toán tổng thể đổi mới thi cử, tuyển sinh ĐH sẽ được đặt ra một cách căn cơ, kỹ lưỡng trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, chương trình và SGK hiện hành buộc học sinh trong cùng một thời điểm (trong một học kỳ) phải học quá nhiều môn học và các hoạt động.

Chương trình học đi kèm SGK mới sau năm 2015 chủ trương giảm mạnh các đầu môn học để mỗi học kỳ HS học cùng một lúc không quá 8 môn học. Cụ thể ở bậc tiểu học từ 11 môn học và 3 hoạt động hiện nay giảm xuống còn từ 3-6 môn học và 4 hoạt động sau năm 2015.

Bậc THCS từ 13 môn học và 3 hoạt động giảm xuống còn 8 môn học và 4 hoạt động. Bậc THPT từ 13 môn học và 5 hoạt động giảm xuống còn từ 3 môn học bắt buộc, 3 môn học tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và lớp 12).

(Đề xuất của Bộ GDĐT trong đề án đổi mới giáo dục).

 

Báo Lao động, tin gốc