Hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia cũng là lúc kết thúc khoảng thời gian 12 năm đèn sách miệt mài, các cô cậu học trò cũng không mong gì hơn là thời gian được nghỉ ngơi, xõa “bù” cho những ngày tối mắt tối mũi đó. Quãng thời gian chờ đợi điểm số "dài như cả thế kỷ", nếu các bạn không biết làm gì ngay sau kỳ thi, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây!
> Điểm chuẩn đại học 2020 dự báo sẽ tăng mạnh, vì sao?
> Khi nào Bộ GD-ĐT công bố đáp án chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2020?
1. Dò đáp án để ước lượng được số điểm của mình
Sau khi thi xong hầu hết trên mạng đều có đáp án tham khảo. Bạn có thể tự dò đáp án để ước lượng được trước số điểm của mình trước khi có đáp án chính thức từ Bộ. Việc ước lượng số điểm là điều vô cùng quan trọng, giúp bạn có những định hướng chọn trường ngay từ bây giờ, để không phải bỡ ngỡ trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng. Bên cạnh đó, việc dò đáp án, áng chừng số điểm cũng là căn cứ để chuẩn bị tinh thần phúc khảo nếu như kết quả thi chênh lệch quá nhiều so với lúc bạn tự chấm.
2. Chú ý các mốc thời gian quan trọng
Sau khi thi xong, có một số mốc thời gian thí sinh cần lưu ý:
- Thời gian công bố kết quả thi: Ngày 27/8/2020
- Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ: Hoàn thành chậm nhất ngày 1/9/2020
- Phúc khảo bài thi: Từ ngày 27/8 đến hết ngày 5/9/2020
- Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe: Trước ngày 7/9/2020
- Các trường ĐH, CĐSP, TCSP điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển: Trước ngày 8/9/2020
- Điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT theo phương thức trực tuyến: Từ ngày 9/9 đến 17 giờ ngày 16/9/2020
- Điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng Phiếu ĐKXT: Từ ngày 9/9 đến 17 giờ ngày 18/9/2020
- Thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu): Trước 17 giờ ngày 20/9/2020
- Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1: Trước 17 giờ ngày 27/9/2020
- Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1: Trước 17 giờ ngày 3/10/2020
3. Chuẩn bị sẵn tâm lý chọn ngành, chọn trường
Việc chọn ngành, chọn trường là hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới tương lai của bạn. Vì thế, bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý để chọn trường sao cho phù hợp với điểm thi. Sau khi áng chừng được số điểm của mình, bạn cần phải đối chiếu điểm của mình với điểm chuẩn của ngành học trường đó các năm trước để biết mình có khả năng đỗ hay không.
Trước khi chọn trường Đại học, sĩ tử cần quan tâm đến sở thích, đam mê, điều kiện vật chất, học phí, cơ sở của trường, chương trình đào tạo, địa điểm... của trường. Bạn có thể tham khảo ý kiến phụ huynh hoặc các anh chị đi trước. Việc chuẩn bị sẵn tâm lý giúp bạn không bị động khi bước vào đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới.
4. Học thêm Ngoại ngữ
Đây cũng là thời điểm rất thích hợp để bạn cấp tốc bồi dưỡng tiếng Anh của mình. Nhưng thay vì ôm quyển sách học rất khổ nhọc, bạn vừa có thể vui chơi giải trí bằng cách: tham gia câu lạc bộ, nghe nhạc, xem các kênh truyền hình phụ đề, hoặc học một lớp chuyên đào tạo giao tiếp,… Học ngoại ngữ không bao giờ thừa cả, sau này khi trở thành sinh viên rồi, khả năng ngoại ngữ sẽ giúp bạn trở nên rất nổi bật trong lớp đấy. Chưa kể đến hiện nay các trường Đại học cũng xét đầu vào Tiếng Anh của một số ngành đấy.
Nếu không muốn học Tiếng Anh, bạn có thể học bất cứ ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn... nào mình yêu thích. Khả năng ngoại ngữ sẽ giúp bạn có cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai đấy.
5. Rèn luyện kỹ năng mềm
Bây giờ chúng ta đều biết đến tầm quan trọng của việc thành thạo kỹ năng mềm. Nếu như trường cấp 3 không dạy chúng ta những kĩ năng đó thì bạn cần chủ động trau dồi cho mình. Bởi khi vào Đại học, bạn không chỉ bó hẹp các mối quan hệ trong lớp mà còn trong trường, trong các tổ chức cơ quan Đoàn thể,… Việc bạn có kỹ năng mềm tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, tránh sự bỡ ngỡ rụt rè có thể làm mất đi của bạn kha khá cơ hội tỏa sáng nơi giảng đường đó.