Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã khép lại bình yên và an toàn. Đặc biệt, đề thi năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là có độ phân hóa cao hơn năm trước. Điều này có thể khiến phổ điểm biến động?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Đề phân hóa tốt, điểm sẽ biến động? - Ảnh 1

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã khép lại 

"Năm nay, đề thi môn giáo dục công dân chắc chắn sẽ có mưa điểm 10 vì các câu hỏi khá quen thuộc, các tình huống tuy có gắn liền với cuộc sống thực tế nhưng cũng dễ dàng giải quyết. Đề thi môn vật lý và môn tiếng Anh cũng được xem là nhẹ nhàng, vừa sức, thí sinh dễ lấy được 8-9 điểm. 

Còn lại hầu hết đề thi các môn đều có sự phân hóa khá rõ rệt nhằm mục tiêu tuyển sinh vào đại học" - hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM nhận định.

Toán, văn: ít điểm 9 - 10

Theo phân tích của nhóm giáo viên toán của hệ thống Hocmai, đề toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có tới 38/50 câu ở mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh học chắc kiến thức cơ bản đều có thể cầm chắc số điểm tối đa ở quãng câu hỏi này. 

Trong số 12 câu hỏi thuộc nhóm phân hóa, chỉ có 5 câu ở mức vận dụng cao thuộc chương trình lớp 12, ở các chuyên đề quen thuộc. Tuy nhiên, nhóm giáo viên cũng cho rằng độ phân hóa của đề thi năm nay tốt hơn năm trước. Đỉnh của phổ điểm có thể sẽ ở quãng 7-8 điểm.

Thầy Lê Văn Cường, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhận định đỉnh của phổ điểm môn toán sẽ ở quãng điểm 7,5-8, điểm 9-10 sẽ ít và có thể ít hơn rõ rệt so với các năm.

Bài thi ngữ văn là bài thi duy nhất theo hình thức tự luận và được giám thị chấm (các bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy). Điểm thi có thể chịu tác động bởi các yếu tố: hướng dẫn chấm, sự đều tay hay không đều tay của người chấm. 

Mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT khá chặt chẽ trong việc các hội đồng phải chấm chung để thống nhất hướng dẫn chấm, chấm 2 vòng độc lập và đối thoại giữa giáo viên chấm 2 vòng nếu có sự chênh lệch lớn.

"Không khó lấy điểm 5 đối với đề thi ngữ văn năm nay, nhưng sẽ không dễ lấy điểm 7. Điểm giỏi thì càng ít hơn" - một giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) nhận xét về đề văn. Đỉnh phổ điểm ở môn văn, qua đánh giá của nhiều giáo viên, sẽ chỉ ở quãng 5,5 - 6,5 và sẽ thoải ở bên trái và dốc ở bên phải.

Môn sinh, sử: có thể có điểm trung bình thấp

Nhận xét chung về các môn thuộc hai bài thi tổ hợp, các nhóm giáo viên có kinh nghiệm nhận định đề đều cho rằng độ phân hóa của đề thi cao hơn năm trước. Nhưng tỉ lệ câu hỏi phân hóa/tổng bài thi vẫn chỉ ở mức 15 - 20%. 

Phần nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu chiếm 75 - 80% trong tổng bài thi và ở phần này nội dung tương đối căn bản, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp.

So với năm 2021, nội dung đề thi các môn cũng có sự điều chỉnh, rơi vào phần nội dung học kỳ 2 lớp 12 nhiều hơn là học kỳ 1. 

Các câu hỏi rơi vào nội dung lớp 11 chỉ chiếm không quá 10%. Đây là hướng ra đề có cân nhắc đến thực tế dạy học bị tác động bởi dịch COVID-19, vì nhiều tỉnh thành phải đến học kỳ 2 năm học vừa qua mới có thể cho học sinh trở lại trường.

Tuy nhiên, do tăng độ khó ở nhóm câu hỏi phân hóa nên dự đoán điểm giỏi ở các môn thuộc hai bài thi tổ hợp cũng sẽ giảm so với năm trước. Ở bài thi tổ hợp khoa học xã hội, các môn địa lý và giáo dục công dân dự đoán vẫn có điểm trung bình ở mức khả quan, đỉnh phổ điểm hai môn này đều được dự đoán ở quãng 7-8 điểm.

Ở bài thi khoa học tự nhiên, môn vật lý và hóa học đều có khoảng 70 - 75% số câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu. 

Nhóm câu hỏi vận dụng, vận dụng cao được đánh giá có độ phân hóa hơn năm trước. Nhóm giáo viên của hệ thống Hocmai cho rằng đề hóa có 10% số câu hỏi vận dụng cao thuộc diện "cực khó".

Môn vật lý vẫn được dự đoán có điểm trung bình cao nhất trong số môn thuộc bài tổ hợp khoa học tự nhiên, kế tiếp là môn hóa. Nhưng điểm giỏi ở môn hóa sẽ thấp hơn so với môn vật lý.

Môn lịch sử của bài khoa học xã hội và môn sinh của bài thi khoa học tự nhiên vẫn được dự đoán có điểm trung bình thấp nhất trong nhóm môn này. Môn lịch sử được đánh giá có 80% câu hỏi nhận biết và thông hiểu, trong đó đã xuất hiện các câu hỏi liên hệ thực tế.

Tuy nhiên, những câu hỏi phải ghi nhớ: phong trào cách mạng, khái niệm lịch sử... dù không khó nhưng vẫn là nội dung khiến học sinh sợ. Trong khi đó ở nhóm câu hỏi vận dụng, vận dụng cao thì khó hơn so với đề năm trước. 

Các câu hỏi ở nhóm này đều đòi hỏi thí sinh có kỹ năng tổng hợp kiến thức ở các giai đoạn lịch sử, kết hợp kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới để so sánh. Đây là những kỹ năng mà nhiều học sinh còn yếu và do việc đổi mới dạy học lịch sử chưa mạnh mẽ.

Với những phân tích trên, nhiều giáo viên dự đoán điểm môn lịch sử sẽ chưa có cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tương tự ở môn sinh, phân tích của nhiều giáo viên đều cho rằng có độ phân hóa tốt hơn. 

Điểm cộng cho đề sinh là tỉ lệ câu hỏi thể hiện bản chất sinh học nhiều hơn là câu hỏi lồng ghép toán như trước. Tuy nhiên, đỉnh của phổ điểm môn sinh vẫn được dự đoán chỉ ở mức 5,5 - 6,5 điểm.

Cần trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vị trí

Nam sinh phát hiện nghi vấn "lọt đề thi" tốt nghiệp THPT nói gì?

Theo Tuổi trẻ