ĐH công lập tiếp tục chiêu sinh đào tạo ngoài ngân sách

Đến thời điểm này các trường đã xong hết phương án tuyển sinh 2011 và bắt đầu triển khai chiến lược tuyên truyền tới thí sinh.

Mặc dù đã có bề dày kinh nghiệm và uy tín lớn, hàng năm đông thí sinh đăng ký dự thi nhưng ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) liên tục có những kế hoạch mới để thu hút thí sinh. Thế mạnh mà ĐHQGHN “hút” được thí sinh giỏi là nhà trường thông báo trong cuốn “Những điều cần biết” là sau năm học thứ nhất trở đi, nếu có nguyện vọng, SV được đăng kí học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng đại học chính quy.


Ráo riết cạnh tranh hút thí sinh - Ảnh 1
Hình minh hoạ

Ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban đào tạo ĐHQGHN, năm 2011, trường tiếp tục thực hiện hình thức đào tạo này. Cụ thể, SV ngành Khí tượng học, Thủy văn học, Hải dương học có cơ hội học thêm ngành thứ hai Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ. SV các ngành Vật lí, Khoa học Vật liệu, Công nghệ Hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai Công nghệ Điện tử - Viễn thông của Trường ĐH Công nghệ. SV ngành Quản lí tài nguyên thiên nhiên có cơ hội học thêm ngành thứ hai Kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế. SV trường Đại học Ngoại ngữ có cơ hội học thêm ngành thứ hai Kinh tế đối ngoại, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế, Du lịch học của Trường ĐH KHXH-NV và Luật học của Khoa Luật…

Thậm chí, năm vừa qua trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế thuộc ĐHQGHN còn thông báo sẽ thưởng cho thí sinh đạt 30/30 điểm 30 triệu đồng; thí sinh đạt 29,5/30 điểm 10 triệu đồng và 29/30 điểm 5 triệu đồng. Năm nay, trường tiếp tục thực hiện thông báo thưởng này.

Ráo riết cạnh tranh hút thí sinh - Ảnh 2
Hình minh hoạ - Nguồn internet


Không có lợi thế đào tạo như ĐHQGHN, nhiều trường ĐH công lập thuộc “tốp đầu” khác kiên quyết không để thí sinh giỏi “lọt” khỏi trường, nhiều năm qua đã xây dựng điểm trúng tuyển kết hợp với điểm sàn. Cụ thể như Học viện Tài chính, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Ngoại thương… quy định thí sinh đủ điểm sàn vào Học viện nhưng không đủ điêm tuyển vào ngành đã đăng ký thì được đăng ký vào ngành còn chỉ tiêu. Thậm chí, trường ĐH Hà Nội nhiều năm qua không xét tuyển NV2, năm nay đã thực hiện phương án xét tuyển này đối với thí sinh có NV vào trường.

Bên cạnh đó, các trường còn mở ra hệ đào tạo ngoài ngân sách hay còn gọi là hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội. Năm 2011, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ xét tuyển khoảng 300 chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, Học viện Tài chính tuyển 200 - 300 chỉ tiêu. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đào tạo theo địa chỉ 200 chỉ tiêu, trong đó 150 chỉ tiêu đại học và 50 cao đẳng. Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến sẽ tuyển khoảng 150 chỉ tiêu ngoài ngân sách. Trường ĐH Y - Dược TPHCM dự kiến có tới 500 chỉ tiêu, trường ĐH Y - Dược Cần Thơ cũng sẽ có 450 chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách...

Khoa Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm 3 điểm cho thí sinh thi vào ngành. PGS-TS Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa cho biết: "Thực hiện chủ trương khuyến khích đào tạo theo nhu nhu cầu xã hội của Bộ GD-ĐT, điểm mới nhất trong kế hoạch tuyển sinh của khoa trong năm nay là ưu tiên cho các thí sinh nộp đơn đăng ký thi vào chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, khi đăng ký nguyện vọng 1 thí sinh sẽ được giảm 3 điểm so với điểm sàn, chưa kể các thí sinh thuộc các diện ưu tiên khác theo quy định chung của Bộ GD- ĐT. Cụ thể nếu điểm sàn trúng tuyển của trường là 22 điểm thì thí sinh chỉ cần đạt 19 điểm đã đủ tiêu chuẩn trúng tuyển, chưa cộng các chế độ ưu tiên khác, như khu vực, con thương binh, liệt sỹ… Ngoài ra điểm đặc biệt mới nữa là khi đã đỗ vào Khoa Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bắt đầu từ năm học thứ hai, các em sinh viên có thể nộp hồ sơ học song song bất cứ chuyên ngành nào của trường ĐH Kinh tế Quốc dân có cùng khối thi".

Mặc dù năm 2010, các trường dân lập đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT việc các trường công đào tạo hệ ngoài ngân sách đã “hút” hết thí sinh giỏi của các trường dân lập, khiến họ không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng Bộ GD-ĐT không có ý kiến gì.


Ráo riết cạnh tranh hút thí sinh - Ảnh 3
Hình minh hoạ - Nguồn Internet

Trường ĐH Dân lập, ĐH vùng cùng đua tranh

Không chỉ cạnh tranh với các trường công lập, các trường dân lập cũng mở ra nhiều “chiêu” để cạnh tranh với nhau vì rút kinh nghiệm mùa tuyển sinh 2010 nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm 2011, Trường ĐHDL Hải Phòng đã thông báo về việc miễn học phí cho thí sinh đạt điểm cao trong mùa tuyển sinh năm 2011.Trường ĐH FPT bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi trong quá trình học, năm nay trường sẽ trao 400 học bổng Nguyễn Văn Đạo cho 400 học sinh xuất sắc nhất ở 100 trường THPT hàng đầu cả nước.

Mặc dù biến động giá cả hiện nay, Trường ĐH Dân lập Phương Đông đã công bố mức học phí năm 2011 chỉ nhỉnh hơn năm 2010 một chút. Năm thứ nhất đại học, cao đẳng từ 6.650.000đ đến 8.150.000đ (tùy theo từng ngành học), các năm sau sẽ tăng khoảng 10% so với năm trước. Thậm chí, trường đã dành gần 3 tỷ đồng cho Quỹ học bổng khuyến học, trong đó riêng khóa tuyển sinh năm 2011, trường có các học bổng trị giá 8.000.000đ và 18.000.000đ/1 sinh viên/1 năm học.

Các ĐH vùng năm vừa qua cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, năm nay đã tới tận các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền về kế hoạch tuyển sinh của trường như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã chi gần tỷ đồng để tổ chức hoạt động tư vấn tuyển sinh. Trường đã đài thọ chi phí cho khoảng 100 giáo viên chuyên trách hướng nghiệp đến từ 80 trường THPT các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam để tuyên truyền.

Trường ĐH Nông lâm TPHCM đã đón gần 20 đoàn học sinh các trường THPT ở TPHCM và các tỉnh lân cận đến tham quan. Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM còn chủ động mời gọi, hỗ trợ chi phí đi lại, ăn uống để các trường THPT ở TPHCM và các tỉnh lân cận đưa học sinh đến tham quan trường.

(Theo Dân trí)