Cử tuyển là chế độ tuyển sinh không qua thi tuyển ĐH, CĐ, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn.  Tuy nhiên, đầu năm 2015, tỉnh Quảng Nam tuyên bố tạm ngưng tuyển sinh hệ cử tuyển. Trả lời quyết định này, ông Nguyễn Chín - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết do hình thức đào tạo này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây tốn kém, lãng phí ngân sách địa phương.

Nhiều em không học kịp chương trình

Phóng viên: Thưa ông, vì sao Quảng Nam lại lại đưa ra quyết định tạm dừng đào tạo theo hình thức cử tuyển?

+ ông Nguyễn Chín: Cần khẳng định sự ra đời của Nghị định 134/2006 của Chính phủ  quy định chế độ cử tuyển là rất nhân văn vì con em người dân tộc thiểu số, con em ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với giảng đường ĐH. Qua tám năm thực hiện (từ 2007 đến nay), tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 1.320 con em của địa phương được đi học. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã diễn ra một số vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình.

Cụ thể đó là những vấn đề gì, thưa ông?

+ Thứ nhất, đầu tư cơ sở vật chất cho các cấp học ở miền núi thời gian qua đã được chú trọng, lượng học sinh tốt nghiệp THPT tăng lên, số học sinh phổ thông vào ĐH cũng tăng theo. Chỉ trong bốn năm gần đây có 4.500 con em các huyện miền núi được vào ĐH, trong đó có hơn 1.300 em là hệ cử tuyển. Rồi số lượng các em tốt nghiệp ĐH rất cao, đặt ra vấn đề giải quyết việc làm vô cùng khó. Hiện địa phương vẫn còn 144 em hệ cử tuyển đã tốt nghiệp nhưng chưa thể bố trí được nơi công tác. Ngoài ra còn 750 em nữa đang học hệ cử tuyển tại các trường ĐH, số này cũng cần phải bố trí, sắp xếp công việc trong tương lai.

Quảng Nam tạm ngưng tuyển sinh hệ cử tuyển năm 2015

Trường học ở vùng sâu, vùng xa ngày càng khang trang cùng với số học sinh phổ thông tăng lên làm giảm nguồn cử tuyển. Ảnh: D.HẰNG

Thứ hai, trong quá trình tuyển đầu vào, do các em có sự hạn chế về trình độ nên không thể theo học một số ngành khó, tạo áp lực rất lớn cho chính các em. Thống kê sơ bộ có khoảng 15% số học sinh thôi học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. Một số em tự ý chuyển sang học chuyên ngành khác (không đúng với chuyên ngành đăng ký học của đơn vị) nên khi ra trường gặp khó khăn trong phân công.
Huyện nào cũng muốn con em đi học

Lâu nay, tại nhiều địa phương xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển chọn người đi đào tạo cử tuyển như chạy hộ khẩu từ miền xuôi về miền núi, tuyển “con ông cháu cha”… Ở Quảng Nam có tình trạng này không và tỉnh đã có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng này?

+ Đến nay tỉnh Quảng Nam chưa phát hiện tiêu cực trong quá trình tuyển chọn học sinh đi đào tạo cử tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình xét duyệt hồ sơ từ các địa phương gửi lên có phát hiện một số trường hợp không đúng đối tượng, không đủ điều kiện. Ví dụ như thời gian sinh sống ở vùng sâu, vùng xa chưa đến ba năm theo quy định. Đối với các hồ sơ này chúng tôi loại ngay. Hiện tỉnh có một quy trình tuyển chọn rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các hồ sơ trình lên đều được xét duyệt kỹ lưỡng. Một năm tỉnh chỉ nhận hơn 100 em đi đào tạo cử tuyển nên việc kiểm tra cũng không quá khó. Tất nhiên, huyện nào cũng muốn có nhiều con em của địa phương mình đi học nhưng hồ sơ không đạt chuẩn đều bị trả về.

. Ông có nghĩ rằng việc ngưng này có thể gây “thiệt thòi” cho địa phương?

+ Thực ra chúng tôi chỉ tạm ngưng nhằm điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp, qua đó nâng cao hiệu quả chương trình. Vì khi đào tạo dàn trải, đại trà quá thì cũng gây áp lực cho chính địa phương trong phân công, bố trí công việc. Thực tế diễn ra cho thấy cung đã vượt quá cầu ở một số ngành, một số địa chỉ.

Ông vừa nói sẽ điều chỉnh lại, vậy phương án cụ thể như thế nào?

+ Trước hết là cân đối lại cung cầu việc làm ở các địa phương, sau đó ban chỉ đạo cử tuyển sẽ bàn phương án và động viên các em nên thi vào một số ngành kỹ thuật cao, địa phương cần để ra trường có việc làm ngay. Ví dụ như giáo viên, bác sĩ, y tá... Đồng thời cũng đánh giá lại trách nhiệm của từng địa phương. Huyện nào còn có nhu cầu thì sẽ phải cam kết và chọn lọc đúng các em để đi học. Học xong, huyện cũng phải có trách nhiệm bố trí công tác. Chúng tôi cũng sẽ tạm dừng việc đào tạo cử tuyển đối với các ngành nghề chưa thực sự cần thiết tại địa phương, tránh gây lãng phí, tốn kém.

Bất cập cử tuyển

Ngày 14-11-2006, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2006/NĐ-CP về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Các đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số hoặc học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được vào ĐH, CĐ, trung cấp không phải thi tuyển. Đồng thời được cấp học bổng, miễn giảm học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác.

Cuối năm 2013, sau sáu năm thực hiện, chủ trương này đã bộc lộ một số bất cập như sinh viên ra trường không bố trí được việc làm; nhiều nơi sinh viên tốt nghiệp không về công tác; việc xét tuyển của một số địa phương thiếu chặt chẽ, không đúng đối tượng; một số địa phương cử tuyển toàn người Kinh đi học… Nhằm khắc phục những bất cập trên, tháng 9-2014, Chính phủ ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006 và hiện đang được lấy ý kiến người dân.

Báo Pháp luật Tp.HCM, http://plo.vn/giao-duc/quang-nam-tam-noi-khong-voi-he-cu-tuyen-525160.html