Bạn không nên nói "ngày xưa bằng con, bố mẹ rất vất vả". Việc này phản tác dụng vì trẻ cũng đang đối mặt với những áp lực rất khác trước kia.
Ở độ tuổi thiếu niên, từ 12 tuổi, trẻ sẽ có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên bạn cần cởi mở và gần gũi với trẻ. Trang Parents giới thiệu một số cách giúp việc làm bạn cùng trẻ trở nên dễ dàng hơn.
Học cách lắng nghe
Để bắt đầu, bạn cần tìm hiểu sở thích, cuộc sống xã hội và tại trường học của trẻ. Nếu hoàn toàn không biết gì về những điều này, bạn cần hỏi trẻ. Chìa khóa quan trọng để trẻ cởi mở hơn là tìm ra điểm chung giữa hai người. Điều này không có nghĩa bạn tỏ ra mình cũng đang trải qua điều tương tự, điểm chung có thể là những trải nghiệm tương tự bạn từng có.
Nếu không có điểm chung hay mối liên hệ, bạn cần lắng nghe nhiều hơn và thể hiện mình muốn biết tại sao trẻ cư xử như vậy. Bạn không nên ngắt lời hay phán xét về trẻ hoặc bạn bè. Nếu có gì cảm thấy chưa hợp lý, bạn nên đợi trẻ nói xong, gợi ý cách làm tốt hơn. Việc lắng nghe sẽ giúp bạn rèn tính kiên nhẫn, sự đồng cảm và thấu hiểu với những cảm xúc phức tạp của một đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên.
Ở độ tuổi thiếu niên, trẻ sẽ có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên bạn cần cởi mở và gần gũi với trẻ.
Tôn trọng sự phát triển của trẻ
Trong những năm tháng thiếu niên, trẻ vẫn cần sự nuôi dạy, bảo ban của bố mẹ nhưng bạn cần cân bằng giữa kỷ luật với hướng dẫn và hỗ trợ. Bạn không nên dạy trẻ theo cách "Ngày xưa bằng tuổi con, mẹ phải làm việc vất vả, cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều". Việc này sẽ phản tác dụng, không khiến trẻ cảm thấy may mắn và học hỏi từ bạn, thay vào đó khiến khoảng cách giữa hai người xa hơn.
Bạn cần nhớ cuộc sống mỗi gian đoạn mỗi khác, trẻ có đầy đủ thiết bị công nghệ xung quanh nhưng áp lực cuộc sống, kỳ vọng học tập và môi trường hiện nay tệ hơn rất nhiều so với trước. Do đó bạn nên cho trẻ thấy sự tôn trọng, đồng cảm trước những điều trẻ đang phải đối mặt để trở thành người lớn.
Mỗi đứa trẻ lớn lên sẽ có tính cách riêng, thậm chí không hề giống với chúng khi ở độ tuổi 5-7. Bạn cần chuẩn bị tâm lý và chấp nhận điều này, làm bạn để uốn nắn, định hướng trẻ dần chứ không nên bắt theo cách mình muốn. Bạn nên hiểu việc cần làm là đồng hành, không phải áp đặt, bắt trẻ đi theo con đường vạch sẵn.
Chân thành ủng hộ
Ở bên ủng hộ con là sự kết hợp cả vật chất và tinh thần. Nếu trẻ muốn học vẽ hoặc một loại nhạc cụ, bạn có thể cân nhắc và ủng hộ nếu cảm thấy đề nghị trong khả năng đáp ứng. Ngoài ra, ở khía cạnh tinh thần, bạn cần có mặt trong những sự kiện có ý nghĩa với trẻ, chẳng hạn ngày trẻ biểu diễn trước toàn trường, tham gia cuộc thi có tỷ lệ cạnh tranh cao...
Sự có mặt và hỗ trợ về vật chất, tinh thần thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu của bạn khi biết điều gì là quan trọng, tốt cho trẻ. Sau những sự kiện như vậy, trẻ sẽ mở lòng và cảm thấy tin tưởng bạn hơn vì biết bạn sẽ luôn ở bên khi chúng cảm thấy khó khăn, mất tự tin.
Tận dụng thời gian
Khi trẻ đến độ tuổi thiếu niên, bạn dễ lơ là vì trẻ bắt đầu tự làm được nhiều việc, không cần sự giám sát chặt chẽ của bạn như khi còn nhỏ. Tuy nhiên, việc này lại dễ đẩy bạn và trẻ xa nhau. Do đó, bạn cần tận dụng thời gian để duy trì mối quan hệ gần gũi với trẻ.
Ngoài những lúc bận bịu với công việc, bạn có thể cùng trẻ dã ngoại, tham gia các hoạt động thể thao hoặc học cách xem những bộ phim, góp mặt tại những sự kiện trẻ yêu thích. Bạn không cần lúc nào cũng ở cạnh hoặc kè kè giám sát như trước, nhưng nên duy trì nhịp độ khoảng 1-2 lần mỗi tháng.
Theo Parents, VnExpress dịch