Cân nhắc diễn biến của dịch COVID-19, nhiều trường Đại Học sẽ tổ chức cho sinh viên học tập trung tại trường, với nhiều phương pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch.
1. Nhiều phương án để đón sinh viên trở lại trường
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM dự kiến cho SV học tập trung bắt đầu từ ngày 7.2. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường này, TP.HCM hiện đã trở thành vùng xanh (cấp độ 1, nguy cơ thấp về dịch). Bên cạnh đó, theo khảo sát của trường, hầu hết người học đã được tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cao nhất, trường sẽ vẫn có nhiều phương án đồng thời trong việc đón SV trở lại trường.
Cụ thể, theo tiến sĩ Hạ, trường bố trí người học đến trường theo các mốc thời gian khác nhau nhằm giảm lưu lượng người tập trung tại trường trong cùng thời điểm. SV năm nhất sẽ học tập trung tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh từ ngày 7.2 và kéo dài trong 4 tuần, trước khi tới trường học các môn văn hóa. Cùng thời gian này, SV năm cuối sẽ đến trường học tập trung, 2 tuần sau đó là SV năm 3, 4. “Trường sẽ kiểm soát SV vào trường thông qua hệ thống quét thân nhiệt và khử khuẩn tự động. SV vẫn được khuyến cáo thực hiện nghiêm 5K để đảm bảo an toàn cao nhất”, tiến sĩ Hạ chia sẻ.
Từ đầu năm 2022, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã bắt đầu giảng dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trong quá trình thí điểm, người học có thể linh hoạt chuyển đổi giữa 2 hình thức học. Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng, trường này ứng dụng công nghệ trong việc kiểm soát người ra vào trường để phòng chống dịch Covid-19. Người học cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh để khai báo thông tin, cập nhật thẻ xanh khi ra vào cổng trường.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đang triển khai kiểm soát tự động người ra vào cổng trường thông qua hệ thống IoT check-in nhằm chuẩn bị cho việc triển khai giảng dạy trực tiếp tại trường thời gian tới. Hệ thống này sẽ nhận diện khuôn mặt, kiểm tra mã vạch qua thẻ hoặc mã QR. Đặc biệt, các dữ liệu này được lưu trữ và truyền về máy chủ trung tâm, giúp nhân viên y tế dễ dàng truy vết các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Nhiều trường Đại Học cho sinh viên học trực tiếp sau Tết Nhâm Dần 2022 (Ảnh: ZING News)
2. Hướng xử lý khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong trường
Khi SV đến trường trong điều kiện bình thường mới, các trường ĐH còn xây dựng phương án sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất khi xuất hiện F0.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, trong tình huống giả định xuất hiện F0, sau khi thực hiện các bước theo quy định của cơ quan y tế, lớp học có F0 sẽ được chuyển sang học trực tuyến. Thời gian chuyển hình thức này có thể chỉ trong 10 ngày theo quy định cách ly mới của TP hiện nay. Các lớp học khác vẫn diễn ra bình thường.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có kịch bản chi tiết cho từng tình huống xuất hiện F0. Khi xuất hiện 1 ca bệnh, lớp học có F0 này sẽ tạm ngừng học để vệ sinh khử khuẩn. Giảng viên và F1 lớp này được xét nghiệm nhanh, trong đó F1 được xác định là người tiếp xúc gần F0 ở khoảng cách dưới 1 m trong thời gian ít nhất 15 phút. Những F1 đã tiêm vắc xin đủ liều hoặc khỏi bệnh thì đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ nguyên tắc 5K, được xét nghiệm lại sau 3, 7, 14 ngày tiếp theo. F1 chưa tiêm đầy đủ nhưng có bệnh nền thực hiện cách ly tại nhà, khai báo sức khỏe mỗi ngày. Trường này cũng chuẩn bị kịch bản có từ 2 F0 trở lên xuất hiện ở 2 lớp khác nhau trong trường, tùy theo các lớp học cùng tầng hay khối nhà để thực hiện xét nghiệm toàn bộ SV và giảng viên liên quan. Riêng trường hợp F0, sau khi được cách ly tạm thời để đánh giá tình hình sức khỏe sẽ được chuyển đến cơ sở điều trị hoặc tư vấn, cấp thuốc, hướng dẫn cách ly tại nhà và báo y tế địa phương.
Tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết trường có kế hoạch dự kiến đón SV đến trường học trực tiếp từ ngày 14.2. Ở học kỳ này, trường dự kiến có gần 15.000 SV được bố trí trong khoảng 2.200 lớp học phần. Ngoài yêu cầu thực hiện nguyên tắc 5K, trường còn có những yêu cầu riêng với SV khi tới trường. Cụ thể, người học thực hiện di chuyển vào phòng học theo phân luồng của nhà trường, tuân thủ thời gian tan học ra về theo phân luồng.
Cùng phương án xử lý trên trong tình huống xuất hiện F0, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chủ động phương án để các hoạt động được diễn ra bình thường. Theo đó, trường chỉ tạm ngưng tiết học nơi xuất hiện F0 để vệ sinh khử khuẩn và xét nghiệm kiểm tra toàn bộ SV, giảng viên có mặt trong lớp. Các lớp học khác sẽ hoạt động bình thường.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng thông tin ngay sau Tết âm lịch, SV sẽ về trường học tập trung. Trong đó, các học phần thực hành và thí nghiệm học 100% trực tiếp theo các nhóm nhỏ từ 15 - 25 người. Học phần lý thuyết sẽ được triển khai trực tiếp và trực tuyến.
> Bộ GD&ĐT: Những quy định về sử dụng giáo trình giáo dục đại học
> Cập nhật lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2022 của các trường Đại Học
Theo Thanh Niên