Các giáo viên môn Địa nhận định rằng: đề thi Địa lý THPT quốc gia 2019 khá đơn giản và học sinh có thể đạt được mức độ từ 6-7 điểm, để đạt được điểm 8 trở lên cần học sinh phải thực sự đầu tư cho môn Địa lý.

Công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019 dự kiến ngày 12/7

> Các mốc thời gian quan trọng sau thi THPT quốc gia 2019

Phổ điểm môn Địa thi THPT 2019 được dự đoán từ 6 - 8 điểm - Ảnh 1

Học sinh trao đổi sau khi hoàn thành bài thi

Đề hay, vừa sức với học sinh

Cô giáo Vũ Thị Thanh, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội)

Đề thi môn Địa năm nay bám sát chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT, cấu trúc rõ ràng, sát với đề tham khảo với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Nội dung của đề phù hợp với năng lực của học sinh, không quá khó, không đánh đố, song cũng đòi hỏi học sinh phải học nghiêm túc và có sự say mê bộ môn mới làm tốt được bài thi. Với học sinh trung bình, các em có thể hoàn thành tốt phần kiến thức trong Atlat, kiến thức kỹ năng và các câu hỏi dễ.

Một số câu hỏi có mức độ phân hóa đòi hỏi học sinh phải có tư duy kỹ càng, đọc kỹ đề để tránh nhầm lẫn khi lựa chọn các phương án trả lời.

Về nội dung trong Atlat, học sinh chỉ cần thành thạo các kỹ năng đọc Atlat, quan sát kỹ và so sánh các đối tượng địa lý được thể hiện trong Atlat là hoàn thành tốt được phần nội dung này.

Về kỹ năng xử lý số liệu cũng không quá khó, học sinh chỉ cần nắm chắc được cách tính là các em sẽ trả lời các câu hỏi.

Về phần lý thuyết, kiến thức bắt đầu có sự phân hóa, với những học sinh trung bình khá, các em có thể hoàn thành được 80% câu hỏi. Các câu hỏi khó trong đề tập trung chủ yếu vào vấn đề địa lý các ngành kinh tế và các vùng kinh tế, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản và có khả năng vận dụng, liên hệ thức tế mới giải quyết được.

Một số câu hỏi trong đề đã đề cập sâu tới những vấn đề thực tiễn ở một số vùng kinh tế, như câu 65, 73, 74, 79… (mã đề 301). Cụ thể là các vấn đề về khó khăn trong tự nhiên ở vùng Trung bộ, những giải pháp để phát huy thế mạnh của Đồng bằng Sông Cửu Long, vấn đề phát triển công nghiệp dầu khí ở Đông Nam bộ, phát triển cây công nghiệp ở trung du miền núi Bắc Bộ…

Đánh giá chung của tôi là đề thi hay và vừa sức với học sinh. Với đề thi này, học sinh có thể đạt được mức độ từ 6-7 điểm, để đạt được điểm 8 trở lên cần học sinh phải thực sự đầu tư cho môn Địa lý.

Mức độ câu hỏi kiến thức cơ bản chiếm tới 70%

Cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội): 

Đề thi môn Địa lý THPTQG năm 2019 không quá khó. Các câu hỏi ở mức độ cơ bản chiếm khoảng 60 -70%. Có 4 câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 11, trong đó có 2 câu hỏi về kỹ năng xử lý số liệu và nhận dạng biểu đồ, 2 câu còn lại tập trung vào phần lý thuyết của khu vực Đông Nam Á, các câu hỏi này không làm khó học sinh.

Số câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam có 11 câu, đây là những câu hỏi giúp học sinh lấy điểm rất dễ dàng vì đó đều là dạng nhận biết cơ bản. Đa số các câu hỏi tập trung vào phần Địa lý các ngành kinh tế và Địa lí các Vùng kinh tế.

Đây cũng là nội dung kiến thức học sinh được học tập và ôn luyện nhiều nhất. Các câu hỏi vận dụng cao có tính phân hóa rõ rệt, đòi hỏi học sinh cần tư duy, các câu hỏi này đều tập trung vào việc yêu cầu học sinh chọn giải pháp chủ yếu nhất, nghĩa là cả 4 đáp án đều có ý đúng nhưng học sinh phải suy nghĩ kỹ để lựa chọn được đáp án nào đúng nhất như: các câu 72, 74, 75, 79, hay các câu đòi hỏi học sinh phải hiểu bản chất của vấn đề như 61, 63, 67… (mã đề 301).

Cô Linh chia sẻ: "Nhìn chung, đề thi của môn Địa lý không quá gây áp lực cho thí sinh do có khá nhiều các câu hỏi kỹ năng giúp học sinh dễ dàng đạt điểm tối đa nội dung đó."

Trong thời gia chờ đáp án chính thức từ Bộ GD ĐT, các bạn học sinh có thể tham khảo đáp án gợi ý các môn thi THPT 2019 hoặc điểm chuẩn đại học các năm trước trên Kênh Tuyển Sinh.

Theo Dân Trí.