Sự kiên: Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Ép con thi Đại học

Mới đây, tại hội thảo “Phân luồng học sinh sau trung học” do Hội Dạy nghề TPHCM tổ chức, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM chia sẻ, hiện vẫn còn rất nhiều người giữ quan điểm khi không thể học Đại học - Cao đẳng thì mới nghĩ đến trường nghề. Rào cản lớn nhất khiến việc tuyển sinh của các trường nghề gặp nhiều khó khăn là do thói quen chuộng bằng cấp hơn năng lực làm việc thật sự, bằng ĐH có lương cao hơn bằng trường nghề.

Chung ý kiến, ông Lưu Đức Tiến - Phó trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp & ĐH - Sở GDĐT TPHCM chỉ ra một thực tế, trong khi nhiều em năng lực chỉ phù hợp với trường nghề nhưng vẫn buộc phải thi ĐH theo yêu cầu của gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM cho rằng, công tác phân luồng, hướng nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm, không hướng học sinh quan tâm đến vấn đề xã hội đang cần. Các trường nghề đang tự “phản tác dụng” khi chỉ lo “quảng cáo” về trường mình, nói xấu trường bạn khiến cả phụ huynh và học sinh không tin tưởng và kỳ vọng nhiều ở các trường nghề.

Theo nhiều cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, có khá nhiều học sinh thiếu hiểu biết về ngành nghề mình chọn để thi ĐH nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và việc làm của các em sau này. Cụ thể, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ 5% có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề chọn học.
Hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh: Mạnh ai nấy làm
Nghề đầu bếp đang là một trong những nghề thu hút được nhiều học sinh - sinh viên theo học.

Nhầm lẫn giữa “hướng nghiệp” và “hướng trường”

Những năm gần đây, các trường TCCN thường phối hợp với trường phổ thông để hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, chuyên viên tư vấn tuyển sinh ở nhiều trường vẫn đang nhầm lẫn giữa hướng nghiệp với hướng trường, từ đó thi nhau giới thiệu về cơ sở vật chất hay thế mạnh của trường... mà “quên” đề cập đến năng lực, sở thích của học sinh phù hợp với ngành nghề nào. Do đó hiệu quả hướng nghiệp vẫn chưa cao.

Theo ông Tuấn, hoạt động hướng nghiệp còn nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, thiếu lực lượng hướng nghiệp viên chuyên nghiệp, thiếu tài liệu... Vấn đề trọng tâm học sinh cần được hướng nghiệp thì lại ít được các trường TCCN chú trọng giới thiệu như:

PGS.TS Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường trung cấp Cửu Long cho rằng: “Phân luồng là phải định hướng được nghề nghiệp, có những biện pháp, chính sách hợp lý cho người học nghề. Bộ GDĐT phải hiến kế cho nhà nước cụ thể như khu vực nào hướng học sinh học nghề, khu vực nào thì chuyên sâu về khoa học - kỹ thuật và khu vực nào chuyên về văn hóa - xã hội - kinh tế...”.

Theo ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TP, ước mong của phụ huynh là làm sao cho con em mình có nghề, có việc làm, thu nhập nuôi sống bản thân. Như vậy xã hội không quay lưng với chủ trương phân luồng nhưng khi xem xét, tính toán từ thực tế thì còn nhiều vấn đề chưa rõ, thiếu tin tưởng.

Hiện nay, hệ thống trường nghề, trường trung cấp vẫn chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn; các trường nghề chưa thực sự liên kết với các trường THCS, THPT để giới thiệu về chương trình đào tạo cũng như cơ hội tham gia thị trường lao động.

Như vậy, ngoài việc tăng cường thông tin định hướng để học sinh chọn nghề theo năng lực, các trường nghề còn phải xây dựng các ngành nghề hợp với xu thế và nhu cầu thực tế của thị trường lao động và xã hội.

Kênh tuyển sinh (Theo PYO)