>> Đáp án đề thi đại học môn Toán khối A năm 2013

>> Đáp án đề thi đại học môn Lý khối A năm 2013

>> Đáp án đề thi đại học môn Hoá khối A năm 2013

>> Đáp án đề thi đại học môn Tiếng Anh khối A1 năm 2013

Trong bức tranh toàn cảnh về ngày thi đầu tiên, có nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, ngời sáng nghị lực, lẽ sống…

Xử lý nghiêm cả thí sinh và cán bộ vi phạm

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT chiều 4-7, ngày thi đầu tiên 650.420 thí sinh dự thi, tăng hơn 20.000 em so với số đến làm thủ tục, đạt tỷ lệ 77,09 %, cao hơn so với năm 2012 gần 1%. Các vi phạm quy chế thi đã được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Trong ngày thi đầu tiên, có 89 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách: 12; cảnh cáo: 4; đình chỉ: 73 thí sinh. Cán bộ tham gia tuyển sinh cũng có 5 người bị xử lý khiển trách.

Tại TP Hồ Chí Minh, có 11 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi, có một trường hợp nghi vấn là thi hộ được lực lượng công an xác minh kịp thời và tiếp tục dự thi.

Tại Đà Nẵng, có 13 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ, trong đó có 12 trường hợp vi phạm lỗi mang điện thoại di động vào phòng thi, 1 thí sinh mang tài liệu. Còn tại cụm thi Cần Thơ, có 5 thí sinh vi phạm quy chế thi.

Tại Hà Nội, ở Trường Đại học Điện lực, 2 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi đều ở cùng một phòng thi và cùng đổ chuông nên giám thị đã lập tức lập biên bản đình chỉ thi. Đặc biệt, 1 thí sinh thi vào Trường Đại học Công nghiệp chép đầy công thức Toán vào người đã bị giám thị phát hiện, đình chỉ thi kịp thời.

Những con số trên phần nào cho thấy quyết tâm của ngành giáo dục hướng tới mục tiêu học thực chất, thi thực chất, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dư luận đánh giá cao việc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, dù đang tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vẫn cung cấp đường dây nóng qua số điện thoại và email: [email protected], với mong muốn nhanh chóng tiếp nhận những thông tin liên quan để chỉ đạo kịp thời. Tại kỳ thi này, qua đường dây nóng nêu trên, Bộ trưởng cũng mong muốn được tiếp nhận các thông tin góp phần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng công bố đường dây nóng trực thi trong suốt kỳ thi năm nay qua các số điện thoại: 0438682136, 0989538415.

Thấm đượm tình người

Giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, kỳ thi đại học luôn là một trong những sự kiện xã hội quan trọng nhất được quan tâm đặc biệt. Với sự chung sức của cả cộng đồng, có rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho thí sinh. Trong toàn quốc ngày thi đầu tiên gần như không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, cũng không có sự cố mất điện, nước.

Tây Nguyên là địa bàn xa xôi, nhiều khó khăn nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trường ĐH Tây Nguyên trong ngày thi đầu tiên chỉ có 3 trong tổng số 6.751 thí sinh đăng ký dự thi vắng mặt. Tỉnh đoàn Đắc Lắc đã huy động 550 tình nguyện viên giúp thí sinh làm thủ tục dự thi, tìm nhà trọ giá rẻ; lập các đội xe ôm tình nguyện đưa đón thí sinh miễn phí, tổ chức bếp ăn miễn phí và phục vụ cơm hộp miễn phí tại các điểm thi lẻ với gần 2000 phần ăn miễn phí.

Ở TP Hồ Chí Minh, hơn 90 chùa đã tiếp nhận, hỗ trợ gần 8000 chỗ ăn nghỉ cho các thí sinh và phụ huynh. Hơn 500 phần cơm đã được chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) phát miễn phí cho các tình nguyện viên tham gia tiếp sức mùa thi và các thí sinh cùng phụ huynh. Điểm thi của Trường Đại học Kinh tế cũng có hơn 200 suất cơm của chùa Giác Nguyên và quán cơm chay Hòa Hảo phát cho thí sinh. Hội từ thiện chùa Giác Nguyên còn phối hợp cùng một số nhà hảo tâm, doanh nghiệp đưa đón và sắp xếp chỗ trọ miễn phí cho hơn 400 thí sinh. Trường Đại học Sài Gòn hỗ trợ 3.500 chỗ ở giá rẻ, miễn phí và 9000 suất cơm miễn phí. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ 2000 suất ăn, 700 chỗ trọ miễn phí. Năm nay, lần đầu tiên, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) đã thành lập đội hình hỗ trợ giao thông và đội xe chở thí sinh trong những ngày cao điểm.

Tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế), trong số tình nguyện viên tiếp sức mùa thi còn có cả một sinh viên nước ngoài là chị Alice (sinh viên ngành Xã hội học, Trường Đại học Bordeaux Victor Segalen II, Pháp) qua lời giới thiệu của bạn bè, đã tham gia phát cơm chay miễn phí cho thí sinh.

Thú vị hơn phải kể đến chuyện một nhóm bạn trẻ đến từ Câu lạc bộ xe máy Exciter Thanh Hóa đã tình nguyện dùng chính những chiếc xe vốn được coi là dành cho dân “sành điệu” đội nắng chở thí sinh và người nhà miễn phí.

Có mặt tại phố Chùa Láng (Hà Nội) sáng 4-7, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã chứng kiến cảnh 200 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Ngoại thương tay trong tay tạo thành “hàng rào” phân luồng giao thông hiệu quả, giúp ngăn được tình trạng tắc đường không còn xảy như nhiều mùa thi trước. Theo PGS TS Nguyễn Văn Hồng, Phó hiệu trưởng nhà trường, có rất nhiều sinh viên đăng ký tham gia “Tiếp sức mùa thi” thể hiện trách nhiệm với cộng đồng nhưng nhà trường chỉ tuyển chọn 200 em.

Dấu ấn chiến tranh trên thân thể thí sinh

Có nhiều hình ảnh, câu chuyện xúc động về các thí sinh dự thi. Tại Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), thí sinh K’Hoàng (23 tuổi), dân tộc K’Ho, sống tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (BìnhThuận) bị dị tật không thể đi lại đã được các giám thị cõng từ tầng trệt lên phòng thi ở tầng 3 để dự thi vào Khoa Công nghệ thông tin. Nhà nghèo, nhiều năm nay, K’Hoàng đã một mình đi xe lăn, ở trọ trên thị trấn cố gắng tự túc mọi sinh hoạt để theo học.

Thí sinh Nay Đroeng ở buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai dù bị dị tật bẩm sinh, không có bàn chân và bàn tay nhưng vẫn nỗ lực cùng người cha nghèo trong gia đình đông con vượt hàng trăm cây số về Quy Nhơn thi đại học.

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hình ảnh thí sinh Hoàng Thị Anh (1995) ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc bị tai nạn giao thông được người chị nhỏ bé thoăn thoắt cõng leo cầu thang vào phòng thi khiến nhiều người xúc động.

Tại Hội đồng thi Học viện Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), nhiều người rơi lệ khi chứng kiến ông Vũ Văn Phiên ở xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cựu chiến binh từng tham gia kháng chống Mỹ cõng con gái Vũ Thị Hoài, bị liệt do nhiễm chất độc da cam tới trường thi. Suốt 12 năm, cha con ông đều miệt mài đến trường mỗi ngày như vậy, vượt lên khó khăn. Ông Phiên cho biết, ông bị nhiễm chất độc da cam nhưng do thất lạc giấy tờ nên chưa được hưởng chế độ chính sách. Nhìn người cha già áo đẫm mồ hôi, các sinh viên tình nguyện đã thay ông đưa Hoài đến phòng thi. Biết tin, Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương cùng với Bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn VNPT và Học viện Bưu chính Viễn thông đã đến thăm, tặng quà và động viên cha con người cựu chiến binh giàu nghị lực.

 

Kenhtuyensinh: QĐND

 

Thông tin cần biết:

Lịch thi đại học - cao đẳng

Clip Tâm lý trong phòng thi - thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu