Học tiếng Nhật có khó không là trăn trở của bao bạn học. Người Việt khi học có thể sẽ gặp khó khăn như nhiều bộ chữ, số lượng từ lớn, cấu trúc ngữ pháp khá ngược.
> Học Tiếng Trung: Những điều cần biết trước khi bắt đầu
> Bật mí phương pháp tự học Tiếng Nhật ngay tại nhà
1. 3 bộ chữ: Hiragana, Katakana và Kanji
Điển hình về bảng chữ Hiragana
Tiếng Nhật có tới 3 bộ chữ: Hiragana, Katakana và Kanji. Hiragana là bộ chữ mềm được cho là cơ bản nhất của tiếng Nhật mà bất cứ ai học đều phải nắm vững. Katakana là bộ chữ cứng phần lớn được dùng để viết những từ mượn từ nước ngoài. Và cuối cùng là bộ chữ Kanji bắt nguồn từ chữ Hán.
Giai đoạn vất vả bắt đầu khi bạn học tới chữ Kanji. Đến nay, Kanji có tổng cộng khoảng 3.000 chữ, trong đó 1.500-1.900 chữ thông dụng. Mỗi chữ gần như được viết theo một cách khác nhau vì vậy việc nhớ được lượng lớn chữ Kanji là thách thức rất lớn.
Chính vì tiếng Nhật có đến 3 bộ chữ nên rất nhiều người khi mới học rất dễ nản, đặc biệt khi tất cả là dạng chữ tượng hình, khác hẳn với bộ chữ cái Latin mà chúng ta vẫn hay dùng trong tiếng Anh hay tiếng Việt.
2. Cách phát âm
Bạn có thể kết bạn với một số người bạn Nhật Bản để rèn luyện khả năng phát âm
Mặc dù bộ chữ của tiếng Nhật, đặc biệt là Kanji, khá nhiều và khó nhớ, cách phát âm các từ và chữ tiếng Nhật thật ra lại rất đơn giản. Trong tiếng Nhật luôn chỉ có 5 nguyên âm: a - i - u - e - o, lần lượt đọc là a - i - ư - ê - ô. Các phụ âm còn lại được phát âm bằng cách ghép thêm các phụ âm như k - n - m - s -... vào trước các nguyên âm và đọc tương tự. Ví dụ ka - ki - kư - kê - kô/ sa - shi - sư - sê - sô). Khi đọc một từ, giả dụ từ sekai (thế giới), từ này được ghép từ 3 chữ se - ka - i và chúng ta chỉ cần đọc ghép các chữ lại và ta có (se - kai).
Việc phát âm từ tiếng Nhật khá dễ dàng (viết sao nói vậy), chỉ cần nhớ mặt chữ và ý nghĩa của nó là đủ. Nếu nói rằng phát âm tiếng Nhật khó thì hoàn toàn sai lầm vì vấn đề mấu chốt nằm ở cách nói của người Nhật thường khá là nhanh và nhiều khi không bắt được những gì họ nói. Phải chú ý đến âm điệu, có một số từ viết giống nhau nhưng chỉ hơi thay đổi ngữ điệu là thành từ khác.
3. Cấu trúc ngữ pháp
Cấu trúc ngữ pháp của Tiếng Nhật khá ngược so với tiếng Việt
Khi mới chập chững học ngữ pháp tiếng Nhật, người học sẽ thấy có một điểm khác biệt rất lớn so với ngữ pháp tiếng Anh. Nếu như trong ngữ pháp tiếng Anh họ theo quy tắc chủ ngữ - động từ - vị ngữ (Subject - Verb - Object) thì trong ngữ pháp tiếng Nhật lại theo quy tắc chủ ngữ - vị ngữ - động từ (Subject - Object - Verb).
Lấy ví dụ một câu tiếng Anh “I eat rice” thì sang tiếng Nhật chúng ta sẽ có “I rice eat” và chuyển sang tiếng Nhật sẽ là “watashiwa gohan wo tabemasu” (わたしはごはんをたべます, chuyển sang kanji sẽ là 私はご飯を食べます).
Điều này về thực chất không hề gây khó khăn cho người mới học tiếng Nhật, có chăng chỉ là do người học quen theo ngữ pháp tiếng Việt. Tuy nhiên, đó là mẫu ngữ pháp cơ bản, ngoài ra trong tiếng Nhật có rất nhiều loại mẫu ngữ pháp và nếu không thường xuyên ôn lại hay sử dụng thì sẽ mau quên hoặc dễ nhầm lẫn.
Ngoài những khó khăn trong việc học tiếng Nhật như: nhiều bộ chữ, số lượng từ lớn, cấu trúc ngữ pháp hơi ngược thì người Việt Nam có lợi thế học tiếng Nhật vì trong tiếng Nhật có Kanji là chữ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và trong tiếng Việt cũng có nhiều từ tiếng Hán nên có nhiều từ phát âm giống tiếng Nhật và vì thế việc học tiếng Nhật trở nên thú vị.
Theo VnExpress