Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Nhiều trường đại học bị kiến nghị đóng cửa, hủy chứng nhận chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế, vụ việc tiêu cực tại trường THPT Quang Trung... là những sự kiện nổi cộm của ngành giáo dục.

Đóng cửa nhiều trường đại học

Năm 2013, Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị lên Bộ GD&ĐT dừng hoạt động của Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị và ĐH Quốc tế Bắc Hà. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Hà Nội thanh kiểm tra tại 20 cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo ĐH, CĐ, TCCN (gồm 4 trường công lập, 3 trường ngoài công lập, 5 trường ĐH, 4 trường CĐ, 2 trường TC không có trụ sở chính trên địa bàn HN) đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại những cơ sở này.

Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị thành lập từ năm 2007 nhưng chưa có cơ sở vật chất ổn định, di chuyển nhiều địa điểm trong 6 năm qua; bộ máy quản lý chỉ có một phó hiệu trưởng; đội ngũ giảng viên, nhân viên rất ít, không tương xứng với yêu cầu của một trường ĐH.

5 sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2013

5 sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2013

Còn trường ĐH Quốc tế Bắc Hà được thành lập và đăng ký trụ sở chính tại tỉnh Bắc Ninh, hiện đang tuyển sinh và đào tạo tại địa chỉ số 54 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội nhưng chưa được sự đồng ý của UBND TP và Bộ GD-ĐT trong nhiều năm. Một số văn phòng đại diện của các trường đã dừng hoạt động nhưng không thông báo với các cơ quan có liên quan như văn phòng đại diện của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cơ sở chính tại TP HCM.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học “khan” sinh viên, có nguy cơ đóng cửa. Có những trường đầu tư cơ sở vật chất tốt, đội ngũ khá mạnh và chỉ tiêu không nhiều nhưng vẫn tuyển không được. PGS Trần Xuân Nhĩ - phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng nhiều trường không tuyển nổi sinh viên, đang đứng trước nguy cơ “tự chết” nếu không được Bộ GD-ĐT tiếp sức.

Sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2013: Hủy quy định chức danh PGS ông Hoàng Xuân Quế

Năm 2013, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vừa có quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế - trường ĐH Kinh tế quốc dân - sau khi Bộ GD-ĐT đã thu hồi bằng tiến sĩ do ông Quế “đạo luận án tiến sĩ với tỉ lệ sao chép lên đến 30%”.

Trong quyết định do Phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước Bùi Văn Ga ký, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã hủy bỏ công nhận chức danh PGS đối với ông Hoàng Xuân Quế và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đã trao cho ông Quế năm 2009. Lý do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước ra văn bản huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS của ông Hoàng Xuân Quế là do ông Quế đã không còn bằng tiến sĩ (vì Bộ GD-ĐT đã thu hồi) nên không đủ tiêu chuẩn PGS.

>> Thu bằng tiến sĩ đạo văn trường Đại học Kinh tế quốc dân

Không ép các trường thi “3 chung”

Theo như Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2014 các trường ĐH - CĐ có thể chọn một trong ba cách thức tuyển sinh là tự tổ chức thi, xét tuyển 2 lần trong năm; thỏa thuận với những trường cùng ngành đào tạo để tuyển sinh; hoặc tham gia kỳ thi 3 chung do Bộ tổ chức.

Tùy mục tiêu đào tạo mà các trường có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài ra, các trường có thể bổ sung thêm hình thức phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu..

Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học

Bộ GD&ĐT ban thành Thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/8/2013.

**Cộng 2 điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi ĐH

Nội dung chính trong Thông tư là bổ sung các đối tượng: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 sẽ được cộng điểm ưu tiên vào ĐH, CĐ. Điều đặc biệt là những đối tượng trên sẽ được cộng 2 điểm nếu họ thi ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư 24 được ban hành, đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trong dư luận xã hội. Đa số phản đối mạnh mẽ về tính thiếu thực tiễn của Thông tư này. Bởi vì nhiều người cho rằng, hiện nay những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã khoảng 80, 90 tuổi nên khó có thể là thí sinh dự thi ĐH, CĐ nên Thông tư 24 sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong đời sống hiện nay, chỉ là sự ban hành máy móc, thiếu tính thực tiễn. Và ngay sau vài hôm phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Thông tư này đã được Bộ GD&ĐT hủy bỏ.

Tiêu cực xảy ra ở trường THPT Quang Trung

Năm 2013, vụ việc tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tại Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông) khiến nhiều người lo lắng về tính nghiêm túc, công bằng của việc thi cử. Hai giám thị phòng thi số 35 đã ra ngoài nói chuyện trong thời gian cuối của giờ thi môn Toán và môn tiếng Anh. Trong phòng thi, các thí sinh thoải mái trao đổi, xem bài nhau, thậm chí còn làm hộ bài cho bạn. Clip đã được quay từ ngoài vào cho thấy cảnh hỗn loạn trong phòng thi diễn ra ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Tham gia coi thi tại hội đồng này gồm giáo viên của các trường THPT: Nguyễn Huệ (quận Hà Đông), Chúc Động (huyện Chương Mỹ), Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất và một số giáo viên THCS do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông điều động. Thí sinh dự thi là học sinh của các trường THPT: Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, Quang Trung (quận Hà Đông).

Qua kiểm tra, xác minh, Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỷ luật các cán bộ vi phạm quy chế cảnh cáo các giám thị trông thi trong phòng thi số 35; khiển trách Chủ tịch Hội đồng thi, Thanh tra viên được phân công phụ trách khu vực phòng thi số 35 và các giám thị ở ngoài phòng thi số 35; phê bình các Phó chủ tịch và Thư ký Hội đồng thi, các thành viên còn lại của tổ thanh tra…

Theo nhận định của nhiều người, mức xử lý cán bộ coi thi vi phạm quy chế của Sở Giáo dục và Đào tạo là quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, làm gương cho các giám thị, thí sinh khác. Tình trạng thí sinh sử dụng tài liệu, giám thị trông thi thiếu sát sao không phải mới xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT ở trường Quang Trung.

Theo Infornet