Sự kiện:

Ngao ngán những bài thi "thảm họa"

Nhiều giáo viên chấm thi vẫn ngao ngán vì một số thí sinh làm bài ngô nghê và lối so sánh… “siêu kinh điển”.

"Trong 2.647 bài thi Sử năm nay của ĐH Quy Nhơn, có 267 bài thi (chiếm 10%) từ điểm 4 trở lên, khoảng 50 bài điểm 0 và khoảng 1.000 bài từ điểm 2 trở xuống. Nhiều em viết kín cả hai mặt giấy nhưng không thể chấm được 0,25 điểm. Đặc biệt, có 10 bài thi chỉ viết được chữ "bài làm" và nộp giấy trắng. Duy nhất có một bài thi đạt điểm 9. Nhìn chung, chưa có năm nào, kết quả thi môn Sử ở đây lại tệ thế này".


Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ đã hoàn thành việc chấm thi và công bố điểm. Mặc dù điểm khối C năm nay cao hơn, ít bài thi viết, vẽ lăng nhăng so với mọi năm, nhưng nhiều giáo viên chấm thi vẫn ngao ngán vì một số thí sinh làm bài ngô nghê và lối so sánh… “siêu kinh điển”.

Nhầm lẫn ngớ ngẩn

Trò chuyện với những thầy cô giáo trong hội đồng chấm thi ĐH, CĐ khối xã hội ở ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì những câu văn ngô nghê, những nhận thức sai lầm đến "chết người" của các sĩ tử. Các giám khảo gặp phải không ít tình huống viết cẩu thả, sai chính tả, câu văn què cụt, diễn đạt vụng về tối nghĩa...

"Hai đứa trẻ của Tô Hoài là tác phẩm lãng mạn tiêu biểu của nền văn học nước nhà" - mặc dù đề thi đã ghi rất rõ ràng tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam mà có sĩ tử vẫn mắc phải lỗi sai ngớ ngẩn đó. Nhận xét về bút pháp lãng mạn của Thạch Lam, có thí sinh đã viết: "Nếu như Vũ Trọng Phụng là bậc thầy trong phóng sự, Xuân Diệu là bậc thầy trong thơ ca, Thạch Lam lại là người xuất sắc nhất Việt Nam về nghệ thuật miêu tả. Từ một phố huyện bình thường như những làng quê khác nhưng Thạch Lam đã tưởng tượng ra một phố huyện chỉ có trong... truyện ngắn của ông".

Khi nói về bài thi môn Sử, TS Mai Thị Phú Phương (Hội đồng chấm thi ĐH Quy Nhơn) đã phải thốt lên: "Thật là kinh khủng". Theo TS Phú Phương, ở câu 3 đề thi ra: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954- 1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ "Đánh cho Mỹ cút" bằng thắng lợi nào?", nếu căn cứ vào đáp án, thí sinh chỉ cần nêu sự kiện kí kết hiệp định Paris (1973) là đã có điểm, nhưng không hiểu sao nhiều em đã liệt kê cả khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn (1789), chiến thắng Uông Bí (năm 1955)... khiến các giám khảo ngao ngán.

Ví von... “siêu kinh điển”

Theo Thạc sĩ D.H (Hội đồng chấm thi Trường ĐHSP Đà Nẵng), mặt bằng điểm thi môn Địa lý ở hội đồng mình chấm thi năm nay cao hơn mọi năm. Chủ yếu học sinh có kiến thức xã hội tốt đều làm được bài. Các bài thi của thí sinh chưa thấy vẽ, làm thơ hoặc "khẩn khoản" viết "mong thầy cô cho em cơ hội" vào bài làm như mọi năm.

Tuy nhiên, ở câu 2 của đề thi Địa lý, phần chung: "Tại sao chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở ven các thành phố lớn (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội)?", theo đáp án đúng phải là: "Do chính sách đa dạng hóa các hoạt động nông nghiệp, do nhu cầu phục vụ cho dân thành phố, thị trường tiêu thụ rộng lớn, có vốn, có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tổ chức chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp..." nhưng có thí sinh lại lấy ví dụ chẳng ăn nhập. Đại loại như, ở các thành phố lớn hiện có nhiều ca sĩ nổi tiếng và thí sinh kể tên một loạt các ca sĩ đang "hot" hiện nay. Sau đó giải thích nguyên nhân việc chăn nuôi bò sữa phát triển là do thành phố có nhiều ca sĩ nổi tiếng như thế... (?)

Có thí sinh ngang nhiên thể hiện cảm xúc cá nhân trong bài thi. Cô T.N (Hội đồng chấm các môn thi xã hội thuộc ĐHSP Hà Nội) vẫn không nhịn được cười kể lại câu chuyện khi chấm thi môn Văn trong kì tuyển sinh vừa qua. "Thí sinh đó chỉ làm được một nửa bài thi và viết: "Em rất muốn vào đại học... huhuhu... mong thầy cô nới tay... em cảm ơn nhiều". Theo cô T.N, thậm chí thí sinh đó còn viết in hoa mấy dòng chữ thể hiện mong muốn của mình.

Cũng theo cô T.N, không chỉ năm nay mà mọi năm cũng đã có nhiều em ví von "siêu kinh điển" khi làm Văn. Chẳng hạn, có thí sinh phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, đã viết: "Nhân phẩm của người con gái trước cái đói thật rẻ rúng, được Tràng mời ăn, Thị cúi gằm, cắm mặt ăn một chặp 4 bát bánh đúc như con chó bị bỏ đói lâu ngày". Cô T.N ngao ngán: "Đọc những câu văn so sánh như thế này, không chỉ các thầy cô "ngã ngửa" vì sự "sáng tạo", so sánh của học trò mà ngay cả các nhà nghiên cứu có thâm niên cũng không dám...".

TS Nguyễn Văn Đấu, Trưởng bộ môn chấm thi Văn (ĐH Quy Nhơn) cho biết, năm nay đề thi Văn hai khối C, D không quá khó. Các em có thể làm hay hoặc không hay chứ ít tình trạng viết lăng nhăng, ngô nghê như mọi năm. Hiện, việc chấm thi môn Văn khối C của trường đã xong và điểm số cao nhất là 9.

 

Điểm thi đại học, điểm sàn đại học, điểm sàn thi cao đẳng, điểm sàn cao đẳng.

Đăng ký nhận thông tin điểm sàn đại học qua email tại ô bên dưới.

Kenhtuyensinh (Nguồn Giadinh.net.vn)