Trong suốt quá trình dạy học, những người lái đò thầm lặng này luôn tâm niệm rằng: Không có học sinh cá biệt, chỉ là làm cách nào để chạm tới trái tim học trò.

Lớp học "0 đồng" của người thầy 25 tuổi giữa lòng Sài Gòn

Lớp học '0 đồng' của người thầy 25 tuổi giữa lòng Sài Gòn

Một xóm trọ nghèo, buồn hiu dưới chân cầu Rạch Ông nằm giữa lòng Sài Gòn xa hoa và nhộn nhịp. Có những đứa trẻ chỉ quanh quẩn cả ngày trong xóm nhỏ, không được...

Làm gì khi học trò gian dối?

Nhiều năm đi dạy, thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên trường Tiểu học - THCS - THPT Tân Phú (quận Tân Phú, TP.HCM), kể lại câu chuyện từng phát hiện học trò của mình gian dối. Nếu trong tình huống đó, thầy la mắng, trách phạt, thì chắc chắn sẽ không có lá thư xin lỗi của em HS sau đó.

Thầy Thanh nhớ lại trong quá trình dạy môn Hóa học, phát hiện hai HS chép bài kiểm tra 15 phút của nhau. Nhưng thầy im lặng và không trách mắng ngay khi biết sự thật.

Ở tiết học sau, bài "Glucozơ - Fructozơ", thầy Thanh cho các em tổ chức một hoạt động nhỏ: "Hóa học và đạo đức". Câu hỏi được thầy đặt ra: "Tại sao bọt bia thường nhỏ và mịn, bền khi rót vào cốc nước đá còn bọt Coca Cola thì to, nhưng không bền và mong manh, dễ vỡ?".

Câu trả lời của mỗi em là "do bọt bia sinh ra trong quá trình lên men rượu, bọt khí CO2 có cấu trúc ổn định vì nó là tự nhiên. Trái lại, bọt Coca Cola là bọt CO2 nhân tạo, nén vào bình nước ngọt ở áp suất cao nên không bền, mong manh, dễ vỡ".

Tiếp theo, thầy giáo cho các em tự viết bài cảm nhận 4 phút về hình ảnh liên tưởng trên. Bất ngờ nhất là HS chép bài kiểm tra 15 phút của bạn ở tiết trước đã viết "lời xin lỗi" vào bài cảm nhận và hứa rằng "em sẽ cố gắng học tập để thực chất với kiến thức của mình như bọt bia", chứ không "vay mượn kiến thức của bạn" vì nó dễ vỡ và mong manh như "bọt Coca Cola".

Thầy Thanh chia sẻ trong quá trình dạy học, tôi tâm niệm, cần thường xuyên khen HS thay vì chê trách; nhắc nhở, động viên nhiều hơn trách phạt và kỷ luật.

"Nguyên tắc của tôi với mọi học sinh là "Khen công khai - góp ý kín đáo - tôn trọng và yêu thương trên tinh thần những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim", thầy Thanh nói.

Những người thầy là

Thầy Thanh (ngồi giữa) cùng học sinh của mình. Ảnh: Người Lao Động

Học sinh cá biệt nhất của lớp cá biệt

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), nhớ lại: "Trước đây, tôi từng chủ nhiệm một lớp ở Trung tâm GDTX quận. Một HS cá biệt nhất của lớp cá biệt. Em tên H. Ấn tượng ban đầu mái tóc nhuộm đủ màu; tay xăm trổ ăn nói thô lỗ và rất hay vi phạm nội quy của nhà trường.

Những tháng ngày đầu tiên đó, tôi đã sốc trước thái độ bất cần và không tôn trọng mọi người, trong đó có cả tôi, giáo viên chủ nhiệm. Tôi tìm đến sơ yếu lý lịch của HS và gọi cho mẹ em. Mẹ dường như đã biết cũng nói hết cách với em rồi. Nhờ cô gọi nói chuyện với ba.

Tôi gọi cho ba H. Ba em hỏi tôi: 'Con tôi học lớp nào, trường nào vậy cô? Mẹ nó đâu? Sao cô gọi tôi? Cả năm nay, tôi không gặp nó, biết nó đâu mà dạy dỗ gì? Thôi chào cô. Tôi bận rồi'. Tôi nhận ra đây là một gia đình đã đổ vỡ. Sự bất cần của H. cũng từ đây mà ra...".

Cô Hiền không còn gọi cho phụ huynh em H. nữa. Cô quan sát H., hẹn gặp riêng em nói chuyện. Ban đầu, em không đồng ý. Em nói cô muốn cam kết hay đuổi học gì thì tuỳ. Lần thứ hai, em vẫn vi phạm nội quy và thêm hành vi đánh nhau, lúc này cần gặp ban giám hiệu.

"Sau cuộc gặp, tôi ngồi lại nói chuyện với em. Tôi không hỏi nhiều, chỉ kể em nghe một câu chuyện về sự tử tế. Câu chuyện khá dài và ý nghĩa sau cùng của nó là nếu bạn cho đi lòng tốt, sự lương thiện và tử tế, dù một hành động nhỏ thôi, bạn sẽ nhận lại được vô vàn sự ấm áp từ nụ cười; câu nói thậm chí cả nước mắt.

Tôi nói với em rằng ai trong đời cũng sẽ có sai lầm. Cô cũng có khi sai và phải nói lời xin lỗi, dù nó rất khó nói. Nếu vì cái tôi quá lớn không thể nói được, hãy thay đó bằng những việc làm cụ thể hơn. H. có thể coi cô như người bạn, người chị. Có những chuyện nếu nói ra được sẽ thấy nhẹ lòng hơn", nữ giáo viên nhớ lại.

Câu chuyện dừng lại ở đó. Không bản kiểm điểm, không la mắng, cũng chẳng gặp phụ huynh. Một điều bất ngờ đã xảy ra ngay tối hôm đó, 23h, H. nhắn tin cho cô giáo nói xin lỗi vì đã làm cô phiền lòng quá nhiều. Em hứa sẽ thay đổi từ hôm nay. Rồi em kể về gia đình, ba mẹ li hôn, cuộc sống rất ngột ngạt khi về nhà thấy mẹ và người khác ở chung nhà.

"Lâu dần, chúng tôi như bạn bè; cởi mở hơn. Tôi cũng nhờ các giáo viên bộ môn phụ đạo cho em. Em đã tiến bộ hẳn. Em đậu một trường đại học và sau khi tốt nghiệp đã trở về quê sống cùng bà ngoại, lập gia đình", cô giáo kể lại.

Nữ giáo viên cho biết đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện về HS cá biệt mà cô đã gặp. Điểm chung là các em đều bộc lộ cái tôi của mình rất lớn. Giáo viên có thể rất sốc và tức giận. Đối với những em này, thầy, cô cần tạo sự tin cậy để em chia sẻ câu chuyện của mình.

"Vì có vô số nguyên nhân khiến em trở nên cá biệt: Gia đình, bạn bè hay bản thân em không muốn học, giáo viên cần lắng nghe, hiểu và chia sẻ. Nếu ta cứ nhìn bằng ánh mắt ác cảm, các em sẽ không có cơ hội được nói ra mong muốn của bản thân cho bất kỳ ai. Hãy cho các em cơ hội được sửa sai, một cái nhìn khách quan có thể mở ra cho các em thêm hi vọng, để em biết vẫn có người tin tưởng mình có thể thay đổi", cô Hiền nói.

Kiên trì, rèn giũa từng bước

22 năm gắn bó với nghề giáo, từng gần gũi, cảm hóa rất nhiều học sinh cá biệt, thầy Nguyễn Thái Hoàng (Tổ phó Tổ Vật lý trường THPT Nguyễn Công Trứ) nhìn nhận để dạy dỗ HS cá biệt, sự dìu dắt, quan tâm của thầy cô giáo chắc chắn phải có sự kiên trì, chịu đựng, rèn giũa các em từng bước.

Thầy Hoàng nhớ lại thời điểm còn làm giám thị, thầy cô giáo bộ môn cũng như giáo viên chủ nhiệm không hài lòng về một học sinh cá biệt lớp 11.

Khi dành nhiều thời gian để gần gũi, thầy phát hiện ở em có nhiều tố chất, thậm chí có thể trở thành một HS giỏi nếu được phát huy. Qua quá trình tìm hiểu, biết hoàn cảnh gia đình em rất đặc biệt, có đến 8 anh em. Ngày em xin tiền đóng học phí, người cha đã quăng cặp của con, kèm câu "Tiền đâu mà đi học". Từ lúc đó, em buồn chán, nản lòng và tỏ thái độ bất cần.

"Khi làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chọn em này làm lớp phó trước sự phản ứng của nhiều người. Tuy nhiên, em có cơ hội để phát huy và chẳng lâu sau đã trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp.

Ngày thi ĐH, em đề nghị tôi chọn trường cho mình. Bỗng dưng được học sinh đề nghị như vậy, tôi cũng lo nhưng vui vì em đã thật sự tin tưởng mình. Học sinh cá biệt của tôi nay đã là phó giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM", thầy Hoàng tự hào.

Theo ZING News