Mô hình giáo dục biển đảo trở thành nơi học tập lý thú của học sinh.
Hiệu quả từ mô hình giáo dục biển đảo
Nội dung giáo dục tình yêu biển đảo cho HS đã được các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện trong nhiều năm học qua. Tuy nhiên, làm thế nào để mỗi giờ học về biển đảo thực sự có chất lượng, mang lại ý nghĩa thiết thực và thu hút, lôi cuốn HS là điều mà trường học nào hết sức trăn trở.
Chính vì vậy, khi thầy Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu (TT. Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đề xuất ý tưởng xây dựng một mô hình giáo dục biển đảo ngay trong khuôn viên trường học thì được chính quyền địa phương, phụ huynh HS và tập thể cán bộ, giáo viên hết sức đồng tình, ủng hộ. Từ nguồn vốn ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, nhà trường đã nhanh chóng triển khai xây dựng được mô hình giáo dục biển đảo hết sức ấn tượng. Toàn bộ công trình mô hình giáo dục biển đảo có diện tích rộng gần 100m2. Mô hình không chỉ thể hiện trọn vẹn vùng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước, mà còn thể hiện các quốc gia giáp giới với Việt Nam.
"Đáp lại công sức cũng như chi phí bỏ ra đầu tư xây dựng mô hình, hoạt động giáo dục HS về chủ quyền, tình yêu biển đảo thật sự mang lại những kết quả hết sức tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong ngành GD-ĐT địa phương. Công trình không chỉ cụ thể hóa niềm tự hào về tình yêu biển đảo của cán bộ, giáo viên, HS nhà trường, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục sôi động, hấp dẫn của giáo viên, HS trên địa bàn mỗi khi đến tham quan học tập", thầy Thưởng tự hào chia sẻ.
Cũng như mô hình giáo dục biển đảo tại Trường TH Nguyễn Đức Thiệu, các mô hình cột mốc Trường Sa khẳng định chủ quyền Tổ quốc được xây dựng giữa sân Trường THCS Mỹ Hòa (xã Đại Hòa, H. Đại Lộc) và Trường THCS Nguyễn Du (xã Đại Quang, H. Đại Lộc) tượng trưng cho lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo của HS, giáo viên nhà trường. Đồng thời, thể hiện tâm nguyện của lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho con em địa phương.
Thầy Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa cho biết: "Để xây dựng được công trình mô hình cột mốc chủ quyền bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài được ốp đá và có ghi rõ vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa là công sức, tâm huyết của cả hệ thống chính trị. Qua đó khẳng định rằng, việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, HS là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên của các cơ sở giáo dục, trong đó có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Cùng thi đua
Có dịp đến Trường THCS Mỹ Hòa, chúng tôi được hòa chung không khí trang trọng diễn ra đầy xúc động của buổi chào cờ đầu tuần. Cứ sau mỗi giờ chào cờ, toàn thể thầy trò Trường THCS Mỹ Hòa cùng uy nghiêm hướng về mô hình cột mốc Trường Sa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày ngày, từng nhóm HS ngồi dưới chân mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa cùng đọc sách, ôn bài làm cho khung cảnh trường càng thêm tươi đẹp.
Theo thầy Huỳnh Văn Bình, việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa không chỉ góp phần tạo thuận lợi cho GV, HS tổ chức các hoạt động giáo dục về chủ đề biển đảo, truyền thống lịch sử cách mạng hết sức sinh động và hiệu quả tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, không chỉ thu hút GV, HS trong trường, mà còn có cả đội ngũ cựu chiến binh, đoàn thanh niên huyện đoàn tham gia, biến không khí những cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo thành những ngày hội hết sức ý nghĩa.
Từ kinh nghiệm giảng dạy đúc rút trong quá trình tổ chức dạy học và đảm nhiệm vai trò cán bộ tập huấn cho đội ngũ GV các trường về chuyên đề giáo dục biển đảo, cô giáo Nguyễn Thị Kim Đính - Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 5 Trường TH Nguyễn Đức Thiệu, chia sẻ: Dạy học về chuyên đề giáo dục biển đảo là một nội dung đã được nhà trường triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, làm thế nào để bài học luôn luôn là tâm điểm thu hút, lôi cuốn HS là một điều không phải giáo viên nào cũng thực hiện được.
Chính vì vậy, mô hình giáo dục biển đảo đã thực sự mang lại động lực cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, từ việc tổ chức bài giảng tích hợp, lồng ghép kiến thức giáo dục biển đảo trong chương trình các môn học, đến xây dựng thành các chuyên đề, chủ đề riêng về giáo dục biển đảo để giảng dạy cho HS. Chính điều đó đã làm cho những giờ học về biển đảo càng trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn. Các em HS hứng thú khi được học bài theo phương pháp trực quan sinh động, lấy mô hình biển đảo làm công cụ giáo dục để khám phá, chiếm lĩnh kiến thức".
Theo Công an Đà Nẵng, nguồn: http://cadn.com.vn/news/137_138508_ho-c-sinh-hu-ng-thu-vo-i-mo-hi-nh-gia-o-du-c-bie-n.aspx