Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

 

Ngay tại nội thành TPHCM có những trường học xuống cấp nghiêm trọng

Tại quận 1, cơ sở 2 của Trường Tiểu học Kết Đoàn đúng kiểu “hộp diêm” với căn lầu 2 tầng, không cổng, không sân chơi. Còn tại cơ sở 1, vẻ ngoài khang trang  nhưng ít ai biết bên trong đó vẫn có một căn gác gỗ yếu ớt chứa đến 12 lớp học.

Luân phiên để tạo công bằng

Bà Huỳnh Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kết Đoàn, cho biết căn gác ở cơ sở 1 đã có hơn 50 năm, gỗ và nền đều đang mục. Muốn xây mới phải mất hơn một năm. Với áp lực sĩ số như hiện nay, số học sinh của 12 lớp học phải di dời đi đâu là cả một vấn đề. Bà nói: “Chỉ còn một cách là giảm lớp 2 buổi/ngày, tăng lớp 1 buổi mới mong vừa đủ chỗ học vừa di dời học sinh khỏi căn gác gỗ.

truong_xuong_cap_tram_trong

Học sinh Trường Tiểu học Âu Cơ chen chúc nhau khi lên xuống cầu thang nhỏ hẹp


Nhưng chủ trương của TP là 100% trẻ phải được học bán trú nên càng khó khăn hơn”. Cũng chính vì những khó khăn đó mà bấy lâu nay, hết nhiệm kỳ hiệu trưởng này đến hiệu trưởng khác vẫn không sao giải quyết được vấn đề.

 

Chúng tôi đi một vòng quanh căn gác gỗ, tầng trệt nhìn khá cũ kỹ và nhỏ, tầng gác thì ai nhìn thấy cũng phải ái ngại. Ở hành lang hẹp phía trước chỉ có 2 học sinh đi đầu hành lang thì cuối hành lang đã rung lên; hành lang phía sau tối om với không khí nóng bức ngột ngạt rất khó chịu; nền gác gỗ bong tróc thấy rõ; bức tường loang lổ được giấu phía sau những tấm giấy dán đủ màu sắc.

 

Bà Hà tâm sự: “Để phục vụ học sinh học bán trú: vừa học, ăn, ngủ tại chỗ, nhà trường phải bỏ chi phí lắp máy lạnh ở tất cả các phòng trên gác gỗ đồng thời gia cố vào dịp hè hằng năm để  bảo đảm an toàn”. Do trong cùng một trường mà có học sinh được học ở dãy nhà kiên cố, có học sinh phải học ở căn gác xập xệ này nên thường xảy ra tình trạng phụ huynh khiếu nại. Có năm phụ huynh khiếu nại dữ quá, trường phải dùng biện pháp luân phiên học sinh để tạo công bằng.

Trường học như mê cung

Cùng tình cảnh với Trường Tiểu học Kết Đoàn là Trường Tiểu học Âu Cơ (quận 11), được xây từ năm 1964. Cấu trúc của trường này hết sức đặc biệt. Bốn bề bít bùng. Các phòng học tối om và có nhiều lối đi thông nhau, cầu thang ngoằn ngoèo lên xuống như mê cung. Lúc mưa thì nước ở trên thấm xuống, nước ở dưới dâng lên khiến chúng tôi liên tưởng đến một căn hầm nằm dưới lòng đất. Hiện trường có 26 phòng học thì chỉ sử dụng 13 phòng; nhiều phòng do xuống cấp, thiếu an toàn nên không thể sử dụng.

truong_khong_ra_truong

Hành lang hẹp ở mặt trước của gác gỗ của Trường Tiểu học Kết Đoàn

Giáo viên  Phù Thị Hồng Đức, dạy ở đây đã hơn 20 năm, cho biết: “Học sinh ở đây toàn con nhà nghèo nên giáo viên càng thương và chú tâm dạy dỗ từng em. Tôi sắp về hưu nên rất mong sớm có ngôi trường khang trang cho các em”.

Giờ giải lao không dám đi

Những giáo viên ở Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) thường nói đùa trường này là ngôi trường cao nhất nước với 7 tầng lầu. Trường gồm hai tòa nhà nối lại mà thành. Khu bên trái là căng tin và chỗ để xe, bên phải là khu dành cho học sinh bán trú. Hai căn nhà này được xây dựng từ trước năm 1975, được sử dụng làm trường học từ năm 1983.

 

Nhìn ngôi trường từ bên ngoài không khác một chung cư già nua. Do cấu tạo theo khối nên phòng học bên trong cũng tối om, nhỏ hẹp, chỉ khoảng 20 m2. Phòng lớn nhất cũng chỉ khoảng 40 m2 dùng cho học sinh sinh hoạt. Mỗi lần cúp điện, nhà trường phải thông báo cho học sinh nghỉ học vì phòng học nóng và ngột ngạt. Tòa nhà 7 tầng lầu với hơn 600 học sinh nhưng cầu thang quá hẹp và cũ kỹ. Để tránh nguy hiểm, giờ ra chơi học sinh thường ngồi tại hành lang hoặc trong lớp chứ không dám chạy nhảy ra ngoài.

Sĩ số ngày càng giảm

Ông Trương Thành Diễn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Cơ, cho biết mỗi năm trường đều được cấp kinh phí để tu bổ nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, do trường quá cũ nên tu bổ không xuể. Như tường mới sơn năm 2010 nay đã tróc, cầu thang bị mẻ, cửa phòng học bằng gỗ đã mục nát gần hết, nhiều cây cột bị nứt và thấm nước... Cũng vì vậy mà sĩ số học sinh ngày càng giảm, từ hơn 1.000 học sinh mấy năm trước giờ chỉ còn chưa đầy 400. “Lớp nào cũng đạt chuẩn về sĩ số với khoảng 30 em/lớp, có lớp chỉ 25 em” – ông ngậm ngùi.

Biết khó nhưng chưa thể xây mới

Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng Phòng GD – ĐT quận 11, cho biết Trường Tiểu học Âu Cơ là nỗi lo lớn nhất của quận hiện nay. Trường đã xuống cấp, mỗi năm phải cấp kinh phí lớn cho việc nâng cấp, sửa chữa. Dự án xây mới cũng đã có nhưng do vướng giải tỏa đền bù nên thầy và trò vẫn phải chờ. Để bù lại thiệt thòi về cơ sở vật chất, học sinh ở đây được quan tâm nhiều về chuyên môn và được ưu tiên phân tuyến lên trường THCS tốt trong quận.

 

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD – ĐT quận 5, thừa nhận Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt là nơi gặp nhiều khó khăn nhất của quận. Đây là trường nằm trong dự án xây mới giai đoạn từ năm 2009 – 2015 với ngân sách do TP duyệt hơn 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc giải tỏa đền bù nên chưa thể khởi công. Bà Thu cũng cho biết trước mắt đang cố gắng giảm dần sĩ số của trường bằng cách chuyển bớt học sinh qua trường lân cận để hạn chế học sinh học trên tầng cao.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (laodong)


Bài: Những ngôi trường có nhiều nguy cơ