Ngành tâm lý học đường được coi là rất mới mẻ ở Việt Nam mà hiện nay nhu cầu xã hội rất lớn. Đây là một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng nhằm thực hiện công tác phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong các lĩnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng; đồng thời tham gia nghiên cứu, xây dựng, phát triển và lượng giá các chương trình này. Ngành học này hiện cơ hội việc làm sau khi ra trường rất rộng mở.
Ngành tâm lý học đào tạo các kiến thức liên quan đến tâm lý học thần kinh, tâm bệnh học, tâm lý học tư vấn, trị liệu tâm lý, tâm lý học dân tộc, tôn giáo, gia đình, tệ nạn xã hội, tâm lý giao tiếp, tâm lý học quản lý...
Chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học trang bị cho cung cấp cho sinh viên các kỹ năng tư vấn tâm lý thuộc các lĩnh vực như tình yêu hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tâm lý học đường, chẩn đoán - tư vấn và trị liệu tâm lý, tâm lý hướng nghiệp, tâm lý trong kinh doanh, tâm lý tội phạm…
Sau khi tốt nghiệp ngành học này, sinh viên có thể làm công tác nghiên cứu về tâm lý, tư vấn tâm lý, trợ lý trị liệu tâm lý, trợ lý lãnh đạo về nhân sự, tổ chức lao động nghiên cứu tâm lý khách hàng cho các tổ chức và công ty... hoặc làm công tác giảng dạy môn tâm lý học. Công tác ở các đài phát thanh, đài truyền hình, tổng đài tư vấn qua điện thoại, các trung tâm tư vấn, các trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán và trị liệu tâm lý tại bệnh viện, tư vấn tâm lý học đường, quản lý nhân sự và tư vấn tâm lý trong doanh nghiệp, giảng dạy tâm lý học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, viện nghiên cứu…
Điểm chuẩn ngành này khoảng từ 17 đến 19 điểm. Những trường có đào tạo ngành là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội; ĐHKHXH&NV TPHCM, ĐH Quy Nhơn, ĐH Huế…
Hình minh hoạ
Điều khiển tàu biển: Lương cao
Điểm chuẩn của ngành này hàng năm chỉ nhích hơn điểm sàn một chút từ 13 - 14,5 điểm. Lý do, để dự thi ngành này, thí sinh dự thi phải đạt các tiêu chuẩn:Tổng thị lực hai mắt từ 18/10 trở lên, không mắc các bệnh khúc xạ; nghe rõ khi nói bình thường trong khoảng 5m, nói thầm cách 0,5m; cân nặng từ 45 kg trở lên. Đặc biệt, phải có chiều cao từ 1,62m trở lên (thi vào ngành khai thác máy tàu biển chiều cao đạt từ 1,58m trở lên).
Học về ngành này, sinh viên có kiến thức về xác suất, thống kê, lý thuyết sai số để đánh giá độ chính xác của đại lượng đo đạc và nghiên cứu các chuyên đề liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển.
Về kiến thức chuyên ngành: Sinh viên được trang bị kiến thức về động lực học tàu thủy, kết cấu tàu thủy, tự động điều khiển, dẫn tàu an toàn, vận chuyển và bảo quản hàng hóa bằng đường biển; kiến thức cơ bản về luật, kiến thức về môi trường, nắm vững các Công ước và quy định của quốc tế, quốc gia có liên quan đến biển và hoạt động hàng hải; kiến thức về thương mại quốc tế thông qua buôn bán đường biển, kiến thức về bảo hiểm hàng hải.
Kỹ năng chuyên môn: Có khả năng vận hành thành thạo các hệ thống, trang thiết bị hàng hải bố trí trên tàu thủy một cách an toàn và tối ưu; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng như một số phương pháp cổ điển, tin cậy để dẫn tàu an toàn và kinh tế; Tính toán ổn định tàu thủy và phương pháp chất xếp, bảo quản, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển…
Sau khi ra trường sinh viên đảm nhận nhiệm vụ: Sĩ quan hàng hải mức vận hành; Làm việc ở các công ty Bảo hiểm, Giám định hàng hải, Cảng vụ, Hoa tiêu, Cục hàng hải, các công ty VTB, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Bảo vệ môi trường biển...
Điểm chuẩn ngành điều khiển tàu biển của Đại học Hàng hải năm 2010: 14,5 điểm; Đại học Giao thông Vận tải TPHCM: 13 điểm.
Lãnh đạo ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng cho biết, sinh viên năm thứ tư các ngành Điều khiển tàu biển và các ngành khác như Thiết kế thân tàu thủy, Kinh tế vận tải biển, Máy tàu biển đã được các công ty vận tải biển quốc tế đến tuyển dụng và khi ra trường nhận mức lương rất cao, hơn 1.000 USD/tháng.
Công nghệ hạt nhân: Ngành học của tương lai
Sinh viên học ngành Công nghệ hạt nhântrang bị những kiến thức về công nghệ hạt nhân cơ bản, hiện đại và cập nhật các tiến bộ của công nghệ và vật lí hạt nhân trên thế giới, được tham quan và thực tập thực tế tại các cơ sở hạt nhân trong nước.
Nội dung đào tạo nhằm cung cấp một kỹ năng chọn lọc có định hướng về kỹ thuật và công nghệ hạt nhân; hiểu biết về an toàn phóng xạ; biết cách vận dụng các thiết bị điện tử hạt nhân và phương pháp kiểm tra vật liệu bằng kỹ thuật hạt nhân.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau ở các cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia như Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, Viện Công nghệ Quốc gia, các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty nhà nước hoặc tư nhân theo hướng phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, trong ngành Năng lượng hạt nhân...
Nếu tốt nghiệp loại giỏi có thể được giữ lại trường đại học làm cán bộ giảng dạy ngay sau khi tốt nghiệp hoặc tiếp tục học các bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.
Sinh viên tốt nghiệp đủ năng lực làm việc trên các lĩnh vực khác nhau như ngành năng lượng hạt nhân để phục vụ nhu cầu điện hạt nhân trong tương lai của đất nước, các ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân cơ bản và ứng dụng; các ngành kinh tế thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; y học xạ trị, khảo cổ học, địa chất thuỷ văn. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Hiện nay, cả nước hiện nay mới chỉ có khoảng vài trăm cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân. Trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW tại xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) của tỉnh Ninh Thuận, dự kiến vận hành vào năm 2020.
Những trường đại học đào tạo ngành Công nghệ hạt nhân gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt...
Điểm chuẩn của ngành Công nghệ hạt nhân năm 2010 của ĐH Bách khoa Hà Nội: 17 điểm; ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): 17 điểm; ĐH Điện lực: 16 điểm.
Kinh tế chính trị: Không mới nhưng cơ hội việc làm nhiều
Mục tiêu đào tạo các cử nhân Kinh tế chính trị là có kiến thức cơ bản, tổng hợp và hệ thống về kinh tế chính trị hiện đại, có năng lực làm việc tại các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu, các tổ chức công…
Kinh tế Chính trị có thế mạnh khác với các ngành kinh tế khác một chút là cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, hệ thống và cập nhật những vấn đề Kinh tế Chính trị Việt Nam và thế giới; rèn luyện các kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và thuyết trình về các vấn đề thực tế của các doanh nghiệp và các nền kinh tế trên thế giới..
Vào học, sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản, hệ thống và cập nhật. Từ đó, người học có thể nhận diện được các vấn đề của Kinh tế chính trị của đất nước và thế giới, đồng thời biết vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Với những kiến thức được trang bị, người học bước đầu có được các kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và dự báo về những vấn đề kinh tế cơ bản. Trên cơ sở đó, người học có thể tự nghiên cứu, bổ túc thêm để giải quyết những vấn đề kinh tế chuyên sâu hơn.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân Kinh tế chính trị có thể làm việc trong các cơ quan nghiên cứu kinh tế; các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam hoặc nước ngoài; làm giảng viên trong các trường đại học và cao đẳng hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Theo Dân trí