Sau đợt xét tuyển đại học đầu tiên, các trường đang thông báo đợt xét tuyển bổ sung của mình. Thí sinh chưa trúng tuyển đợt một hoặc đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học, có thể đăng ký xét tuyển bổ sung.
> Danh sách các trường xét tuyển bổ sung
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học sau xét tuyển đợt một, Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung.
Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt một.
Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường công bố trên trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển.
Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của trường.
Chia sẻ về đợt xét tuyển bổ sung, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thủy Lợi, Hà Nội, cho hay nhà trường có tuyển nguyện vọng bổ sung.
Thí sinh lưu ý để trúng tuyển trọng đợt xét nguyện vọng này cần xem kỹ thông báo của nhà trường, ví dụ các trường có hạn định cụ thể thời gian nộp hồ sơ, số lượng chỉ tiêu, ngành nghề để cân nhắc cho phù hợp… Trong đợt xét tuyển này, mỗi trường sẽ có chỉ tiêu, tiêu chí, cách thức tuyển sinh khác nhau.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên nhiều năm luyện thi tuyển sinh tại Hà Nội - hiện nay, có khá nhiều học sinh đang hiểu sai về đợt xét tuyển bổ sung nên đặt hy vọng nhầm chỗ. Thầy Ngọc khẳng định theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn của đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt một. Tuy nhiên, nhiều em vẫn lầm tưởng “điểm chuẩn có thể giảm" nên ngóng chờ.
Giáo viên này khẳng định với cơ chế xét tuyển như hiện nay, mỗi bạn chắc chắn chỉ đỗ một trường duy nhất. Do đó, thí sinh ảo hầu như không có. Các trường thiếu thí sinh chỉ xảy ra khi đã báo đỗ mà sĩ tử không nhập học.
Thầy Ngọc lấy ví dụ một thí sinh được 20 điểm, nếu muốn xét tuyển đợt 2 thì bạn cũng chỉ xét tuyển được vào những ngành mà đợt một lấy thấp hơn hoặc bằng 20 điểm. Thứ hai, ít trường tuyển bổ sung để thí sinh chọn lựa.
Vì vậy, thầy Ngọc khuyên các thí sinh đã đỗ nguyện vọng thuộc đợt xét tuyển trước cần cân nhắc khi từ chối để sử dụng xét tuyển đợt 2.
Trước đó, ông Trần Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho hay sau khi tuyển sinh đợt 1, căn cứ chỉ tiêu ngành nghề, nếu còn thiếu, các trường sẽ công bố xét tuyển đợt 2.
Thí sinh trúng tuyển đợt một nếu có nhu cầu thay đổi nguyện vọng có quyền từ chối xác nhận nhập học. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn khuyến cáo thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Thông thường các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đợt một, chỉ một số ngành mới hoặc khó tuyển xét bổ sung đợt 2. Với số lượng chỉ tiêu ít, khả năng đỗ khó nên các em cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng”, ông Tuấn nói.
Theo Zing news
> Nhiều thí sinh bối rối trước đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm 2018