5 điều quan trọng về Giáo dục bậc Đại học tại Anh bạn cần biết khi lựa chọn đi du học Anh
1. 3-4 năm để nhận bằng Cử nhân: Ở nước Anh, Bắc Ailen và xứ Wales, chương trình cử nhân thường kéo dài 3 năm rồi dẫn đến chương trình cấp bằng danh dự (Honours Bachelor’s Degree), chẳng hạn bằng Cử nhân Truyền thông hoặc Cử nhân Kinh doanh.
Trong khi đó, tại Scotland, sinh viên sẽ phải mất 3 năm để hoàn thành chương trình bình thường (Bachelor’s Degree) và 4 năm để lấy bằng danh dự (Honours Bachelor’s Degree). Tùy thuộc vào truyền thống của từng trường, các sinh viên theo học chương trình đại học ở Scotland đôi khi còn cấp bằng thạc sĩ (Thạc sĩ Chuyên ngành xã hội, Thạc sĩ Khoa học hoặc Thạc sĩ Tiếng Anh…)
2. Học chuyên ngành kép ở bậc Đại học: Đa số các các khóa học lấy bằng cử nhân đều có chương trình học từ kết hợp chuyên ngành kép (từ hai chuyên ngành trở lên). Đó có thể nằm trong chương trình danh dự kết hợp hoặc liên kết. Chương trình cấp bằng kết hợp sẽ bao gồm các chuyên ngành khác nhau và không nhất thiết phải “na ná” nhau (chẳng hạn Chương trình Cử nhân Kinh doanh kết hợp với Tiếng Pháp).
Các khóa học đan xen cũng giống như các chương trình cấp bằng khác, nhưng bạn sẽ có thêm một năm học hỏi kinh nghiệm làm việc thực tế. Điều này thường có nghĩa là khóa học kéo dài 4 năm thay vì 3 năm như thông thường.
3. Lựa chọn nào ngoài Đại học?: Chương trình cử nhân là lựa chọn phổ biến nhất để lấy bằng đại học.
Tuy nhiên cũng có những lựa chọn khác như HND/HNC (Chứng chỉ hướng nghiệp cao cấp quốc gia hoặc Bằng hướng nghiệp cao cấp quốc gia), chương trình dự bị đại học và DipHE. Sau khi đã hoàn thành các chương trình học kể trên, bạn có thể chuyển tiếp vào năm cuối chương trình cử nhân.
- HND hoặc HNC
Chứng chỉ HND (Higher National Diploma) là chứng chỉ chính quy học trong 2 năm. Chứng chỉ HNC (Higher National Certificate) là một chứng chỉ tương tự, nhưng thường học theo hình thức ngoài giờ. Hai chứng chỉ này được coi như chứng chỉ học nghề với mục đích tích lũy kinh nghiệm thực hành thay vì học lý thuyết.
HNC và HND có thể giúp bạn vào học năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 một số chương trình đại học. Bạn có thể lấy các bằng và chứng chỉ này tại một trường cao đẳng đào tạo đại học, hoặc tại một trường đại học ở Anh, Bắc Ailen và Wales.
Ở Scotland, HNC là khóa học chính quy 1 năm, tương đương với năm thứ nhất của khóa học cử nhân, còn HND tương đương với năm thứ hai.
- Chương trình dự bị đại học
Chương trình đào tạo dự bị đại học thường có liên quan đến công việc, giúp phát triển nghề nghiệp trong một loạt các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan. Mặc dù bản thân đã là một chương trình được phép cấp bằng sau khi hoàn thành khóa học, nhưng cũng có thể giúp bạn học chuyển tiếp vào năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 trong chương trình cử nhân. Các bạn có thể đối chiếu 2 chương trình A-level và Foundation để xem chương trình nào phù hợp với điều kiện của bạn nhất.
- Chương trình cao đẳng (DipHE)
Đây là chứng chỉ được cấp sau 2 năm học tập tại một cơ sở đào tạo đại học ở Anh. Bằng này có thể giúp sinh viên vào học chương trình cử nhân tại năm thứ 2 hoặc 3 tại một trường đại học ở Anh. Bằng cách này, sinh viên có thể hoàn thành chương trình học và sau đó học chuyển tiếp lên những năm học đầu tiên của chương trình danh dự và chuyển đổi chứng chỉ cao đẳng thành bằng cử nhân.
4. Tiêu chuẩn vào Đại học ở Anh: Tùy vào từng trường sẽ có những yêu cầu đầu vào khác nhau, cách tốt nhất là bạn hãy tìm đến trang web của trường để nắm được yêu cầu cụ thể. Dưới đâ là một số tiêu chuẩn chung để được nhận vào học Đại học ở Vương quốc Anh:
- Chứng chỉ học Phổ thông / Bằng IB
- Khả năng tiếng Anh: 4.0 – 5.0 cho khóa học chuyển tiếp, 5.5 – 6.0 cho khóa học đại học. Một số trường đại học có thể chấp nhận TOEFL thay vì IELTS
5. Quá trình đăng kí qua UCAS: Việc đăng ký vào chương trình đại học đối với các khóa học chính quy chịu sự quản lí của UCAS – cơ quan đầu mối của Anh, nơi nhận đơn dự tuyển vào học đại học. Mỗi năm UCAS xử lý hơn 500.000 hồ sơ tuyển sinh của sinh viên, trong đó có hơn 50.000 sinh viên quốc tế.
- Bạn nên bắt đầu quá trình đăng ký từ 12 đến 18 tháng trước ngày dự định đi học để nghiên cứu các lựa chọn khác nhau về trường và khóa học. Bạn có thể đăng ký tối đa 5 khóa học trong một hồ sơ đăng ký UCAS (đối với ngành y, nha khoa và thú y, bạn chỉ có thể lựa chọn tối đa 4 khóa học).
- Để đối chiếu các yêu cầu tuyển sinh về khóa học, bạn có thể tham khảo tại trang web của UCAS. Tuy nhiên, việc hoàn thành những yêu cầu tuyển sinh tối thiểu này không đảm bảo bạn sẽ được nhận vào học.
- Hệ thống Nộp đơn Tuyển sinh UCAS cho phép bạn nộp đơn trực tiếp thông qua trang web của UCAS. Những tiện ích của hệ thống này bao gồm: kiểm tra tự động; chỉnh sửa và cập nhật đơn tuyển sinh trước khi gửi đi; cũng như theo dõi tiến độ trực tuyến sau khi đăng ký. Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp bằng cấp hiện có (hoặc bạn sẽ có), tờ khai cá nhân, thư giới thiệu và bất kỳ hồ sơ về quá trình công tác.
- Bạn có thể nộp đơn tuyển sinh UCAS từ tháng 9 của năm trước khi bạn bạn muốn học tập, nhưng bạn cần phải hoàn thành trước ngày 15/1. Tuy nhiên, các khóa học y, nha khoa và thú y, và đơn tuyển sinh vào Đại học Cambridge và Đại học Oxford cần phải được hoàn thành trước tháng 10.
- UCAS sẽ chuyển đơn tuyển sinh của bạn đến các cơ sở tương ứng, các cơ sở này sẽ liên lạc cá nhân với bạn để thông báo liệu đơn tuyển sinh của bạn có được duyệt hay không.
Du học Anh: Xếp hạng bằng cấp ở Anh như thế nào?
Ở Anh, các bằng cử nhân được xếp hạng dựa trên kết quả học tập hoặc độ dài khoá học. Trong đó, bằng cấp được chia làm hai hạng là “ordinary” (bình thường) hoặc “honours” (danh dự).
1. Các thứ hạng của bằng cử nhân
Những chương trình cử nhân thường kéo dài trong khoảng ba đến bốn năm để hoàn thành, tên gọi tùy thuộc vào lĩnh vực theo đuổi: Cử nhân Nghệ thuật (BA), Cử nhân Khoa học (BSc), Cử nhân Giáo dục (BEd) và Cử nhân Kỹ thuật (BEng).
Nếu những bằng cử nhân “bình thường” hoặc “không được xếp loại” dành cho các bạn đã hoàn thành một khóa học đại học nhưng thành tích lại không đạt để được xếp hạng honours hạng ba (bậc xếp hạng thấp nhất trong hệ thống đánh giá bằng cấp đại học), thì bằng cử nhân “danh dự” lại để phân biệt các xếp hạng trong học tập, lần lượt như sau:
- First class honours (a first – chỉ khoảng 10% sinh viên toàn quốc được xếp hạng này)
- Upper second class honours (a 2:1)
- Lower second class honours (a 2:2)
- Third class honours (a third – tại một số trường Đại học thì đây là thứ hạng thấp nhất)
- Pass (Ordinary degree – dưới mức này không được nhận bằng tốt nghiệp)
Ngoài ra còn có một dạng bằng được gọi là “Aegrotat degree” dành cho những sinh viên không thể làm bài kiểm tra vì lí do sức khoẻ. Đây là bằng danh dự nhưng không có xếp hạng.Tuy nhiên cũng phải lưu ý một điều là không phải trường Đại học nào cũng đồng quan điểm với nhau về việc “gắn” chữ danh dự. Ở Scotland, việc phân biệt “ordinary” hay “honours” đơn giản là để phân biệt độ dài khoá học. Nếu “ordinary” nhằm để chỉ các khóa cử nhân toàn thời gian kéo dài ba năm thì “honours” là khóa cử nhân toàn thời gian bốn năm.
2. Ảnh hưởng của xếp hạng tới các khóa học sau đại học
Để có thể theo học một khoá Thạc sĩ, ứng viên thường được yêu cầu phải đạt ít nhất hạng 2:2 trở lên. Một số trường Đại học thậm chí cũng cho rằng sinh viên hạng 2:1 mới tương xứng với trình độ vào học Thạc sĩ. Tuy nhiên, những sinh viên đạt bằng ordinary vẫn có thể được nhận vào học – với điều kiện họ đảm bảo được kinh nghiệm làm việc tương ứng.
Còn các ứng viên dự tuyển vào chương trình Tiến sĩ nhưng không sở hữu bằng Thạc sĩ thường được yêu cầu sở hữu bằng cử nhân hạng First hay 2:1.
Như vậy, có thể thấy kết quả xếp hạng của bằng cử nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc học lên cao hơn của bạn trong tương lai. Và cách tốt nhất để sở hữu một tấm bằng đại học danh dự là đầu tư, nỗ lực ngay từ bây giờ!
3. Một số đối chiếu với hệ thống xếp loại tại Việt Nam (mang tính tham khảo)
Xếp loai học lực
- A (8,5 – 10) Giỏi – Excellent
- B (7,0 – 8,4) Khá – Good
- C (5,5 – 6,9) Trung bình – Average
- D (4,0 – 5,4) Trung bình yếu – Below Average
- F (dưới 4,0) Poor/ Weak
Xếp loại bằng tốt nghiệp đại học
- Xuất sắc – High Distinction
- Giỏi – Distinction
- Khá – Credit
- Trung bình khá – Strong Pass
- Trung bình – Pass
Xếp loại bằng tốt nghiệp cao đẳng
- Xuất sắc – Excellent
- Giỏi – Very good
- Khá – Good
- Trung bình khá – Average good
- Trung bình – Ordinary
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, visa du học Anh, việc làm thêm khi chọn du học Anh có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.