Sự kiện: Giáo dụcdu họctư vấn du họchọc bổngdu học Anh

1. Cách chọn môn học ở bậc A - Level

Khi bắt tay vào học A – level, có lẽ học sinh Việt Nam sẽ thấy rất nhàn vì số môn phải học rất ít. Các trường Đại học ở Anh thường chỉ yêu cầu học sinh học 3 môn học trong suốt bậc học này, tuy nhiên phần lớn học sinh Việt Nam vẫn chọn học 4 môn. Một số bạn chọn học 4 môn trong năm đầu tiên của A- level (hay còn được gọi tắt là AS) và học 3 môn trong năm thứ 2 (gọi là A2). Khi chọn môn để học trong bậc học này, các bạn nên chú ý đến ngành học mà mình muốn theo đuổi tại Đại học vì rất nhiều trường Đại học ở Anh yêu cầu học sinh học các môn có liên quan đến khóa học bạn muốn học tại bậc Đại học, hoặc ít nhất có thể bổ trợ cho bạn các kỹ năng cần thiết khi bắt đầu học Đại học.

Ví dụ: Nếu bạn muốn học ngành Kinh tế học tại Đại học (Economics) thì bạn nên chọn các môn như Toán, Toán cao cấp, Kinh tế và thêm một môn thuộc nhóm xã hội hoặc khoa học khác. Nếu bạn muốn học Luật (Law) tại Đại học, thì bạn được khuyến khích chọn các môn như Văn học Anh, Lịch sử, Chính trị, tuyệt đối không nên học Luật tại bậc học A-level.

Để có thể chọn môn học một cách chắc chắn, các bạn có thể hỏi các thầy cô tại trường của mình (cụ thể là trường tớ có một thầy chuyên phụ trách việc học chung và hai thầy cô phụ trách bậc học A - level – người có thể cho tớ những lời khuyên khá hữu ích) hoặc các bạn có thể trực tiếp lên các website của những trường Đại học mình muốn nộp đơn xin học để kiểm tra yêu cầu của trường về ngành mà mình muốn học. Các bạn nên chú ý khâu chọn môn học vì đây là những bước cơ bản nhưng vô cùng quan trọng để giúp các bạn thành công trong bậc học này.

Tại trường của tớ, có khá nhiều môn học được đưa vào giảng dạy tại A-level. Trường có các môn thuộc nhóm Xã hội học như Văn học, Chính trị, Kinh tế học,  Xã hội học, Tâm lý học, Luật, Lịch sử,.. Các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Một số ngôn ngữ như Tây Ban Nha, Đức cũng được đưa vào giảng dạy. Cá nhân tớ đang học 4 môn: Toán, Toán cao cấp, Kinh tế học và Xã hội học bởi ngành học mà tớ muốn theo đuổi tại Đại học là ngành Kinh tế học và tớ tin rằng sự kết hợp các môn học mà tớ đang học sẽ giúp tớ học tốt tại Đại học. Tại Brooke House, học sinh được khuyến khích học tối đa là 4 môn, các bạn có quyền chỉ học 3 môn tại năm A2 trong bậc học này.

Kinh nghiệm học A - Level tại Anh

Nụ cười hạnh phúc của một nữ học sinh khi nhận được kết quả từ kỳ thi A - Level

2. Khác biệt giữa chương trình học A - Level tại Anh và chương trình học của Việt Nam

Chương trình học ở đây có nhiều điểm rất khác chương trình học ở Việt Nam. Nếu như ở Việt Nam có duy nhất một bộ sách giáo khoa chung cho các lớp học thì ở Anh, sách giáo khoa thay đổi tùy vào cục khảo thí (exam board) mà trường chọn cho các bạn. Tại bậc học A-level có một số cục khảo thí lớn như Edexcel, AQA, OCR, CIE và trường tớ đăng ký với  phần lớn các cục khảo thí này, tất nhiên cũng tùy theo môn học.

Ví dụ môn Kinh tế học, tớ học theo chương trình của Edexcel, môn Xã hội học, tớ học theo chương trình của OCR. Tất cả các cục khảo thí này đều được đánh giá chất lượng ngang nhau trên toàn Vương Quốc Anh bởi vậy không có trường hợp thiệt thòi nào xảy ra khi các bạn học sinh học theo các chương trình khác nhau.

Ở bậc học A-level, chúng tớ phải vượt qua hai kỳ thi chính thức trong năm: một kỳ vào tháng 1 và 1 kỳ vào tháng 6. Tất cả kiến thức chúng tớ được học trong năm sẽ đều có trong bài kiểm tra và đề kiểm tra là đề chung cho cả Vương Quốc Anh. Bởi vậy là kỳ thi nào cũng như thi Đại học ở Việt Nam hết. Và để “sống sót” được trong những kỳ thi trên, các bạn phải hệ thống kiến thức thật chắc, tránh trường hợp học tủ như ở Việt Nam mỗi lần kiểm tra học kỳ. Ở trường tớ, học sinh học hết năm AS sẽ thường thi A - Level vào tháng 6. Kỳ thi vào tháng 1 thường dành cho các bạn học sinh năm A2 thi lại nếu kết quả chưa được như mong muốn. Các bạn đừng hiểu nhầm từ “thi lại” ở đây theo nghĩa mà chúng ta hay dùng ở Việt Nam nhé! “Thi lại” ở đây thường là để cho các bạn nâng cao điểm của mình lên chứ tuyệt đối không phải thi trượt nên thi lại đâu!

3. Cách học tốt A - Level

Còn việc học khóa học này ở trường tớ ư? Có lẽ tớ phải nói rằng, tự giác học tập chăm chỉ là chìa khóa của sự thành công tại bậc học này. Các thầy cô giáo dạy các bộ môn ở trường tớ rất giàu kinh nghiệm và đáng kính, tuy nhiên, các thầy cô cũng chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn chúng tớ những điều cơ bản nhất, việc thể hiện kiến thức học được đó qua bài thi đòi hỏi sự nỗ lực của cá nhân rất lớn. Một ngày bạn có thể chỉ phải học tối đa 6 tiếng trên lớp thôi, nhưng khối lượng kiến thức khá nặng nếu như bạn muốn đạt được điểm tối đa trong kỳ thi cuối năm.

Với các bạn học sinh Việt Nam, việc học các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa có thể sẽ rất nhàn, tuy nhiên cách học các môn học khoa học ở Anh đòi hỏi sự phân tích các hiện tượng khoa học và làm thí nghiệm một cách khá sâu. Bởi vậy mà các bạn không nên chủ quan khi học các môn tự nhiên tại A-level.

Về các môn xã hội, vốn Tiếng Anh tốt là một điều thiết yếu để các bạn có thể tự tin phát biểu ý kiến xây dựng bài và trình bày bài làm một cách mạch lạc, logic. Một điểm khác biệt tớ thấy khá lớn khi học các môn xã hội ở đây là khả năng phản biện của các bạn khi được tiếp nhận một vấn đề. Chúng tớ được tranh luận với nhau về một vấn đề theo nhiều chiều hướng và góc cạnh để đưa ra những lời đánh giá công bằng nhất, trái với hiện tượng học khá thụ động tại Việt Nam. Điều này là điều tớ thấy tâm đắc nhất khi học các môn xã hội ở đây và hi vọng các bạn học sinh Việt Nam cũng sớm học tập được cách tư duy này.


Kinh nghiệm học A - Level tại Anh

Tỷ lệ đậu A - Level những năm gần đây tăng đến 97,6%

Một ngày học của tớ rất thú vị bởi mỗi một môn tớ chọn học đều là những môn tớ yêu thích. Các thầy dạy Toán của tớ rất vui tính và ai cũng có những cá tính riêng rất đáng yêu. Các thầy tầm tuổi ông của tớ nhưng có thể tính nhẩm trong đầu với tốc độ cực nhanh và rất minh mẫn. Tớ còn nhớ buổi học Toán cao cấp về Ma trận, các con số vô cùng rắc rối khiến tớ hoa mắt chóng mặt. Tớ đã tâm sự với thầy: “Thầy ơi, con hoa mắt, chóng mặt lắm thầy ạ!”. Và kết quả là tớ nhận được một lời an ủi rất dễ thương từ thầy: "Ồ, con không biết đấy thôi, đây là dấu hiệu nhận biết của học sinh khi học Ma trận. Con thấy dấu hiệu này, chắc chắn con sẽ học tốt!”. Vậy là tớ lại tự tin hơn và có động lực học tốt hơn môn Toán cao cấp “khó nuốt” này.

Còn các tiết học về Kinh tế, có lẽ sẽ là những tiết học thú vị mà tớ không thể quên được. Cô giáo dạy Kinh tế vĩ mô của tớ rất quan tâm đến học sinh và vô cùng tận tình. Thầy giáo dạy Kinh tế vi mô thì hiền và hết sức chu đáo. Thầy đến từ Ấn Độ, không phải là người bản xứ nên rất thông cảm với chúng tớ về những khó khăn mà chúng tớ gặp phải. Tớ nhớ có lần tớ hỏi chuyện thầy về ngành học của thầy ở bậc Thạc sỹ (Econometrics), và tâm sự rằng tớ cũng đang đọc thêm sách về môn này. Thế là ngày hôm sau, thầy mang cho tớ một cuốn sách thầy tâm đắc nhất về Econometrics và cho tớ mượn để đọc thêm. Thầy cô ở trường tớ luôn tuyệt vời như thế đấy!

Mỗi ngày đến lớp với tớ là một ngày vui, là một ngày để khám phá những tri thức mới của nhân loại. Các thầy cô giảng bài dễ hiểu, sĩ số lớp lại nhỏ (khoảng 5 đến 10 học sinh) nên các thầy cô luôn nắm rõ lực học của từng học sinh một. Vì vậy, đừng mong có thể trốn được việc làm bài tập về nhà hay lười phát biểu bài trên lớp nhé!

Kênh tuyển sinh (Theo IY)