IQ của một đứa trẻ được di truyền phần lớn từ cha mẹ, nhưng không vì vậy mà bạn bỏ qua các yếu tố khác như học tập và cách nuôi dưỡng của gia đình. Dưới đây là những điều mà cha mẹ không nên làm nếu không muốn chỉ số IQ của con trẻ bị ảnh hưởng xấu.
Cha mẹ thường nghĩ trí thông minh của trẻ không thể thay đổi, nhưng sự thật không phải vậy
Đại học Harvard, Mỹ từng công bố kết quả nghiên cứu - khảo sát xã hội về quỹ đạo tăng trưởng của trẻ em, trình độ học vấn và so sánh trí thông minh thời thơ ấu. Kết quả cho thấy trí thông minh có sự thay đổi theo môi trường gia đình. Sau khi phân tích tổng hợp, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những hành vi ảnh hưởng xấu đến IQ của trẻ như:
Bắt ép con trẻ học quá nhiều
Nhiều cha mẹ mong muốn con chiến thắng từ vạch xuất phát đã ép trẻ học "vượt cấp". Họ cho rằng như thế giúp giảm bớt áp lực học tập trong tương lai và chống lại sự tự mãn. Tuy nhiên, trình độ nhận thức có giới hạn, tạo áp lực quá lớn sẽ khiến trẻ lạc lối, thậm chí chán học, không tiếp thu được kiến thức.
Cho trẻ thức khuya
Sau khi trẻ kết thúc bài tập vào tối muộn, nhiều bố mẹ thưởng cho con sử dụng thiết bị điện tử để loại bỏ áp lực học tập mà quên rằng trẻ thức khuya kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể chất. Ngoài ra, các vấn đề như nội tiết mất cân bằng, chuyển hóa chất bị rối loạn, béo phì... cũng xuất hiện.
Khi trẻ ngủ muộn, cơ quan bên trong cơ thể không đủ thời gian hồi phục và sửa chữa các tổn thương, ảnh hưởng đến sức đề kháng ở trẻ. Nếu đi ngủ sớm hơn, cơ thể trẻ sẽ tiết ra protein cytokine giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và bệnh tật.
Không công nhận nỗ lực của con
Nhiều người dùng lời lẽ đanh thép, quát mắng con cái do thiếu kiên nhẫn khi nuôi dạy. Có một kiểu tấn công khác là thấy hành vi không tốt của con, thay vì dạy dỗ, cha mẹ sẽ chỉ trích hết lần này đến lần khác dù trẻ đã nỗ lực sửa chữa, thay đổi. Thay vì cảm giác sợ hãi ban đầu, dần dần trẻ sẽ lựa chọn im lặng vì yếu thế hơn cả về ngôn ngữ và quyền lực.
Nếu kéo dài cách dạy dỗ này, trẻ sẽ trở nên khép kín, hướng nội, không muốn tâm sự chia sẻ cùng ai, có thể rối loạn hành vi và ngôn ngữ, các vấn đề về thần kinh cũng xuất hiện. Lâu dần chỉ số thông minh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không cho con thể hiện cảm xúc
Ai cũng hiểu rằng có những cảm xúc cần được giải tỏa kịp thời, nếu không sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến não bộ và cơ thể của trẻ. Với trẻ con, nếu chúng tức giận, bố mẹ thường yêu cầu "Im lặng!" "Không được la hét" hoặc dùng những biện pháp mạnh hơn để trừng phạt. Kiểu trấn áp này có thể có hiệu quả trước mắt nhưng nó sẽ gieo những hạt mầm xấu vào tâm trí con trẻ.
Một đứa trẻ thường xuyên tức giận có thể trở nên hung dữ, hay làm tổn thương người khác hoặc làm tổn thương chính mình. Nhiều người cho rằng đây là một phản ứng tiêu cực, có thể đánh thức phần "con" bên trong mỗi người và có sức tàn phá khủng khiếp, hoặc tức giận đại diện cho sự không thể kiểm soát bản thân bằng lý trí, dễ làm những việc hồ đồ, hại người hại mình.
Nhưng thực tế, tức giận không quá khủng khiếp như vậy, đó chỉ là cảm xúc bình thường. Nếu tức giận được thể hiện một cách hợp lý thì trẻ có thể cân bằng được mọi việc và đưa ra được giải pháp nhanh chóng khi phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống
Không tạo điều kiện cho con tự ra quyết định
Vợ chồng hiện đại có ít con nên thường dồn hết tình cảm và bảo bọc, lo lắng thái quá cho con. Tâm lý bất an của bố mẹ làm những đứa con lo lắng và thiếu tự tin trong cuộc sống, không dám đưa ra những quyết định của riêng mình.
Nếu bố mẹ tước đi quyền được tự suy nghĩ, tự đưa ra quyết định bằng cách lo đường đi nước bước thì sức đề kháng, bản lĩnh, tự tin, kinh nghiệm, tầm nhìn của đứa trẻ sẽ bị hạn chế.
Cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm
Tương tự như xem tivi, chơi với điện thoại di động là một "thử thách" lớn đối với trẻ, vì tốc độ hoạt động của các sản phẩm điện tử cao hơn não bộ của trẻ rất nhiều.
Khi não bộ của trẻ không thể bắt kịp tần số của các thiết bị điện tử, chúng sẽ ngừng hoạt động. Lúc này trẻ sẽ không suy nghĩ và thích đắm chìm trong bầu không khí tiếp nhận thông tin thụ động. Theo thời gian, trí thông minh của trẻ sẽ khó phát triển.
Hình thành một thói quen tốt đã rất khó, nhưng thay đổi một thói quen xấu lại càng khó hơn. Nếu cha mẹ không chú ý thay đổi thì rất có thể những thói quen xấu này sẽ đi cùng cuộc đời của trẻ.
> Cha mẹ nên dạy con quản lý thời gian thế nào?
> Làm thế nào để dạy con có cách chi tiêu hợp lý?
Theo Vnexpress