Dạy trẻ quản lý thời gian càng sớm thì sẽ hình thành nên tính cách tốt cho con, cha mẹ có thể bắt đầu từ những hoạt động hàng ngày để tạo sự hứng thú và tính tự giác cho trẻ.
Quản lý thời gian tốt giúp trẻ trở thành một người có trách nhiệm, luôn đúng giờ và có năng suất làm việc cao hơn
Tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái
Quản lý thời gian đôi khi khiến chính người lớn thấy căng thẳng với lịch trình dày đặc mỗi ngày. Trẻ cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là lúc mới bắt đầu. Để tạo cảm giác vui vẻ hơn, cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ bút màu, nhãn dán ngộ nghĩnh... để tô vẽ và đánh dấu cho lịch riêng của chúng. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc việc tạo các trò chơi nhỏ, cho trẻ có sự thi đua, phấn đấu hoàn thành công việc và ghi lại thành tích.
Dạy con ngay từ khi còn nhỏ
Việc dạy trẻ cách quản lý thời gian mỗi ngày từ sớm sẽ giúp chúng tạo lập được thói quen tốt. Trẻ mẫu giáo đã bắt đầu có thể học cách quản lý thời gian thông qua các nhiệm vụ nhỏ được giao trong khoảng thời gian ngắn như việc mặc quần áo hoặc dọn dẹp đồ chơi. Với lứa tuổi lớn hơn, trẻ có thể bắt đầu với việc hoàn thành bài tập và những việc nhà đơn giản, phù hợp với lứa tuổi trong thời gian đã định.
Hướng dẫn trẻ tính thời gian
Ngay cả những đứa trẻ đã biết cách xem giờ nhưng chưa chắc đã biết tính thời gian. Cha mẹ hãy giúp trẻ bằng cách đặt hẹn giờ khi chúng cần phải hoàn thành một công việc, đặt đồng hồ đếm ngược để trẻ cảm nhận được rõ hơn về khoảng cách giữa các quãng thời gian. Mục tiêu của việc này là giúp trẻ hiểu cảm giác của một giờ, 15 phút hoặc 5 phút là như thế nào. Điều này giúp trẻ tự giác chuẩn bị nhanh mỗi lúc cần.
Cùng con tạo lịch cho gia đình
Lịch gia đình giúp cho mọi thành viên trong nhà nắm bắt được công việc chung và riêng của mỗi người. Bạn hãy tự tạo các hoạt động nghệ thuật dành cho cả gia đình, có thể sử dụng bảng hoặc khổ giấy lớn để tô vẽ và đánh dấu tùy thích và dùng nhiều màu sắc để phân biệt lịch trình của các thành viên. Hoạt động đơn giản này giúp trẻ hiểu được cách sắp xếp thời gian và ghi nhớ, rút kinh nghiệm. Việc này còn giúp các thành viên trong gia đình sẽ có thời gian gần gũi và hiểu nhau hơn.
Lên lịch thời gian rảnh rỗi
Lịch trình học tập của trẻ nên bao gồm thời gian rảnh vì đó là những khoảnh khắc tuyệt vời trong việc học kỹ năng quản lý thời gian. Điều này cũng giúp trẻ không chỉ học cách tự giác khi chuẩn bị đi đâu đó hay hoàn thành công việc đúng giờ mà còn sắp xếp được những khoảng thời gian rảnh để vui chơi.
Có thưởng khi con làm tốt
Phụ huynh có thể thưởng cho trẻ khi hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp thời gian tốt để tạo động lực cho chúng. Cả gia đình nên cùng nhau bàn bạc về phần thưởng, có thể trao theo ngày hoặc theo tuần. Bạn nên sáng tạo ra phần quà phù hợp với trẻ, đối với các bạn nhỏ thì có thể nhận thưởng trong khoảng thời gian ngắn và chỉ cần hoàn thành ba hoặc bốn mục tiêu trong lịch trình. Phần thưởng có thể là khoảng thời gian hay chuyến đi dành cho cả gia đình để mọi người được hoạt động cùng nhau.
Thiết lập các ưu tiên hàng ngày
Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ thiết lập các ưu tiên theo nguyên tắc: Đầu tiên, tiếp theo và cuối cùng. Trẻ nhỏ có thể không hiểu ưu tiên là gì nhưng bạn có thể bắt đầu dạy về các ưu tiên hàng ngày trước khi chuyển sang các mục tiêu hàng tuần và hàng tháng. Kỹ năng sắp xếp thứ tự ưu tiên của mọi việc có thể được áp dụng trong suốt cuộc đời, với trẻ nhỏ nên bắt đầu bằng hoạt động của mỗi ngày.
> Làm thế nào để dạy con có cách chi tiêu hợp lý?
> Những sai lầm cha mẹ thường gặp phải khi dạy con song ngữ
Theo Zingnews