Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trong những ngày cuối tháng 4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trong những ngày cuối tháng 4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Có nơi hơn 50% học sinh thi cụm địa phương

Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa và có chất lượng giáo dục không cao, năm nay số lượng học sinh (HS) đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT rất lớn.


“Trên 20% là có vấn đề"

Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, để biết tỉnh nào có hay không vận động HS lựa chọn cụm thi thì chỉ cần nhìn vào tỷ lệ TS thi ở địa phương so với tổng số TS. Các năm trước số lượng TS dự thi ĐH và CĐ vào khoảng 80 - 85%, còn lại là những TS không đậu THPT hoặc không có nhu cầu học ĐH. Như vậy tỉnh nào có số lượng TS thi ở cụm thi địa phương vào khoảng 20% trở lại là bình thường còn trên 20% là có thể có vấn đề.
Hà Ánh (ghi)

Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, cho biết: Có tới 1.894/3.124 HS lớp 12 (gần 60%) của tỉnh đăng ký dự thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì.
Trả lời băn khoăn của Thanh Niên vì sao con số này năm nay lại lớn như vậy, ông Minh cho biết phần lớn là do HS lựa chọn, tuy nhiên các trường cũng có trách nhiệm tuyên truyền để HS thấy được “cái hay, cái dở; cái lợi, cái hại” của mỗi cụm thi để cân nhắc lựa chọn. “HS phải căn cứ vào học lực của bản thân, nếu học lực yếu thì nên thi ở cụm thi tỉnh để không phải đi lại xa, vất vả, tốn kém”, ông Minh nói. Toàn tỉnh chỉ có Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - TP.Lai Châu có 100% HS đăng ký thi ở cụm liên tỉnh.
Theo ông Phạm Quang Tể, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, năm nay toàn tỉnh có 6.214 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, trong đó thi chỉ để xét tốt nghiệp là 2.871 người; 2.462 TS dự thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ; 881 chỉ thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Tỉnh Cao Bằng cũng có tới 2.939/5.998 HS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 1.954 dự thi với 2 mục đích và 1.105 TS tự do dự thi để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.


Cho phép thí sinh Hà Nội đổi cụm thi

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 13.067 TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Trong số này chỉ có 9.419 TS thuộc các huyện ngoại thành chắc chắn sẽ dự thi tại các điểm của cụm thi do sở chủ trì. Số còn lại, theo chỉ đạo mới nhất của Sở, được phép chọn cụm thi do trường ĐH chủ trì hoặc về các huyện ngoại thành thi ở cụm thi do sở chủ trì. Tuy nhiên, do hướng dẫn cho phép HS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT được lựa chọn cụm được sở đưa ra sau khi HS đã đăng ký dự thi nên sở cũng cho phép HS được thay đổi cụm thi dù đã hết hạn đăng ký dự thi theo quy định.
Xung quanh hướng dẫn này của Hà Nội, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng quy chế thi THPT nêu rõ: Sau thời hạn đăng ký dự thi, TS không được thay đổi về môn thi và cụm thi. Còn trường hợp của Hà Nội là do điều kiện khách quan, sở có văn bản hướng dẫn, cho phép TS được thay đổi cụm thi thì điều đó là không vi phạm quy chế thi.
Tuyết Mai

Bà Phạm Minh Thúy, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho biết: Năm nay tỷ lệ HS đăng ký dự thi ở cụm thi tỉnh (chỉ để xét tốt nghiệp THPT) và cụm thi liên tỉnh (để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015) là tương đương nhau. Theo đó, có tới hơn 4.000 HS (gần 50%) lớp 12 chỉ đăng ký dự thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Với số lượng HS dự thi tại cụm thi tỉnh lớn như vậy nên Lạng Sơn dự kiến sẽ tổ chức 10 điểm thi đặt ở tất cả các huyện, thành phố.
Còn Quảng Ninh, theo thống kê sơ bộ năm nay toàn tỉnh có khoảng 6.000 TS chỉ xét tốt nghiệp THPT.

Sợ thi cụm ĐH không đỗ tốt nghiệp !

Việc có 2 cụm thi với đơn vị chủ trì khác nhau, dù về mặt lý thuyết là nghiêm túc như nhau nhưng HS thực sự đã phải “cân não” khi chọn cụm thi nào.
Một phụ huynh HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) chia sẻ thật lòng: “Con tôi có lực học ở mức trung bình yếu, việc học hành rất chật vật. Đến trước khi Bộ công bố về kỳ thi THPT quốc gia thì gia đình vẫn cho cháu đi học thêm các môn thi ĐH từ lớp 10 và dự định sẽ cho cháu thi ĐH. Tuy nhiên, năm nay thực sự cả gia đình phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định lựa chọn cụm thi nào cho con. Bản thân cháu cũng không tự tin về học lực của mình có thể chắc chắn đỗ tốt nghiệp THPT hay không. Trong khi đó, phụ huynh vẫn rỉ tai nhau là thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì thì chắc chắn việc coi thi sẽ rất nghiêm túc. Nếu học yếu mà thi ở cụm thi đó thì có nguy cơ không những trượt ĐH mà tốt nghiệp THPT cũng không đỗ”. Do vậy, phụ huynh này cho biết gia đình quyết định cho con thi tại cụm thi dành cho những HS chỉ xét tốt nghiệp THPT để có nhiều khả năng tốt nghiệp hơn.
Còn một phụ huynh HS Trường THPT dân lập Phan Bội Châu (Hà Nội) cho hay cách đây hơn 1 tháng nhà trường cũng đã tổ chức gặp phụ huynh có con học lớp 12 để làm “công tác tư tưởng”, nói rõ về đặc thù của 2 cụm thi để cân nhắc lựa chọn, vì trường có nhiều HS học lực yếu. “Tuy nhiên, cháu nhà tôi vẫn nhất định đăng ký dự thi ĐH nên giờ tôi đang lo lắng lắm, chỉ lo cháu trượt tốt nghiệp”, vị phụ huynh này nói.

Cần Thơ: Trên 40% TS chọn cụm thi địa phương. Trong số 9.375 TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 5.589 TS đăng ký cụm liên tỉnh và 3.786 đăng ký cụm thi tỉnh (chưa tính số thí sinh tự do). Như vậy, thành phố này có tỷ lệ TS dự thi cụm địa phương lên tới trên 40%. Ngoại trừ Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, 38 trường, trung tâm GDTX còn lại của thành phố đều có TS đăng ký thi cụm địa phương.
Nghệ An: Trên 33% TS thi cụm địa phương. Sở GD-ĐT cho biết trong số 37.438 HS đăng ký thi THPT quốc gia năm nay, 12.460 HS đăng ký chỉ xét công nhận tốt nghiệp, thi cụm địa phương. Đặc biệt có 69,9% HS chọn môn địa lý.
Bến Tre: Toàn tỉnh có 12.152 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có 9.286 TS đăng ký thi cụm liên tỉnh (chiếm 76,4%) và 2.866 TS đăng ký thi cụm tỉnh (23,6%).
Bạc Liêu: Theo kế hoạch, có khoảng 9.500 TS đăng ký dự thi cụm thi do trường ĐH chủ trì. Khoảng 1.300 TS thi cụm địa phương.
Trà Vinh: Theo số liệu khảo sát ban đầu, có gần 1.600/7.000 HS đăng ký thi tại cụm thi tỉnh. Đến chiều 5.5, số TS đăng ký dự thi tại cụm thi tỉnh tăng lên 1.888.
Vĩnh Long: Số TS thi ở cụm thi ĐH là 8.850 và 1.450 TS thi ở cụm thi địa phương.
Bình Định: Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở GD-ĐT, có gần 2.500 trong tổng số khoảng 20.000 HS chọn cụm thi địa phương.
Quảng Nam: Theo số liệu do Sở GD-ĐT cung cấp, toàn tỉnh có 21.434 HS dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó 4.989 HS đăng ký dự thi tại cụm thi địa phương (chiếm 23%).
Quảng Ngãi: Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 4.000 HS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Kon Tum: Toàn tỉnh có 3.400 HS hệ THPT thì có khoảng 1.300 người dự thi tại tỉnh chỉ xét tốt nghiệp THPT.
Gia Lai: Có hơn 12.400 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong đó, 10.122 TS thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì, 2.336 TS đăng ký thi cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/nhieu-hoc-sinh-thi-chi-de-xet-tot-nghiep-559041.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đại học, kỳ thi THPT quốc gia