Nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ mà nguyên nhân thường bắt nguồn từ sự hiếu động của trẻ, sự mất an toàn của đồ chơi và sự lơ là của cô giáo.

Theo bác sĩ Lê Phước Tân, phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 2: “Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khá nhiều trường hợp học sinh mầm non bị gãy xương. Trong đó, đa số có nguyên nhân từ việc chạy, chơi, sinh hoạt tập thể trên sân bêtông. Tôi không biết Bộ GD-ĐT đặt ra quy chuẩn của trường mầm non như thế nào nhưng với tình hình sĩ số học sinh/lớp quá đông như hiện nay, việc lớp học chưa được trải thảm, đồ chơi ngoài trời cho học sinh đặt ngay trên sân gạch (đáng lẽ phải đặt trên hố cát hoặc thảm mút dày, nếu lỡ ngã bé cũng không dễ bị gãy xương) tiềm ần nhiều nguy cơ gây tai nạn cho học sinh”.

Tai nạn trước mặt cô giáo và phụ huynh...

“Tai nạn cho trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một bé đang ngồi chơi, bé kia đi giật lùi và té ngã lên người bạn. Một bé ngồi trên xích đu và rướn sức để đẩy xích đu, các bé khác đứng phía sau bị xích đu tông vào. Có bé thì rượt đuổi nhau, đầu va vào các góc sắc cạnh của xích đu, bị rách đầu phải khâu mấy mũi... Ngay cả nhà banh trông có vẻ an toàn nhưng vào đó các bé nhảy và xô đẩy nhau, có bé té chống tay xuống bị gãy tay. Nếu giờ ra chơi mà lớp nhà trẻ ra sân cùng lúc với lớp mẫu giáo, chắc chắn các bé lớp nhà trẻ sẽ bị giành đồ chơi hay bị rượt đuổi đến trượt té hoặc các tai nạn tương tự” - một giáo viên Trường mầm non Thiên Lý (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết

Đón con từ Trường mầm non tư thục NM (Bình Chánh, TP.HCM) về nhà, gia đình anh S. tá hỏa khi phát hiện con mình (sinh năm 2009) bị sưng cánh tay không thể cởi áo được. Đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 bé được chẩn đoán gãy tay và được bó bột. Anh S. bức xúc: “Khi gia đình tới đón thấy bé đang ngồi ở xích đu một mình giữa trời nắng. Tay cháu bị như vậy mà cô không hề hay biết, cũng không thông báo cho gia đình”.

Cô Q., chủ trường, giải thích: “Theo tường trình của giáo viên thì ăn xế xong bé Sơn nhảy theo nhạc với các bạn và tự té, tay chống xuống nền, giáo viên chủ quan nghĩ bé không sao. Để dỗ bé, cô cho bé ra xích đu ngồi chơi”. Trò té, cô chủ quan, kết quả là phải đến khi mẹ thay áo cho bé mới phát hiện cánh tay đã sưng to. Trường mầm non NM mới thành lập hơn một năm nên chưa có nhiều đồ chơi trên sân trường. Giờ chơi, các bé chủ yếu chạy nhảy trong lớp học. Bậc thềm bước từ sân lên các lớp khá cao nên các bé rất dễ sẩy chân khi chạy nhảy. Phòng học chỉ khoảng 10m2 nên mấy chục bé tranh nhau chỗ chơi trong giờ ra chơi mà không có cô giáo bên cạnh, nhiều bé lăn té vào nhau hoặc chạy tông vào tường và coi đó là trò... vui.

Không chỉ đồ chơi, nhiều đồ dùng trong lớp học như tủ đựng đồ, kệ đựng giày dép, các thiết bị nhà vệ sinh, tay vịn cầu thang... cũng có thể gây thương tích cho trẻ. Chị Lệ Hà, một phụ huynh có con 3 tuổi đang học tại một trường mầm non Q.Tân Bình, chưa quên vụ tai nạn gần nhất của con gái mình: “Mỗi bé được phân một hộc tủ để đựng cặp và giày dép. Hộc tủ của con tôi ở dưới cùng nên cháu ngồi bệt xuống đất để cất cặp. Bất ngờ một bạn khác chạy đến mở cánh cửa tủ phía trên. Cạnh nhọn bằng sắt cửa tủ va vào đầu cháu chảy máu, giờ vẫn còn để lại sẹo. Cả mẹ và cô đều đứng ngay gần đó nhưng không phản ứng kịp. Xót con nhưng đành chịu, không biết trách ai, chỉ góp ý cho cô giáo bọc các góc nhọn của tủ lại để tránh các tai nạn tương tự”.

Trong năm 2012, một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra ở trường mầm non thuộc địa bàn TP.HCM: giờ ăn trưa, một nhóm học sinh ăn xong sớm đã ra cầu tuột (ngay trước cửa lớp học) chơi, sốt ruột vì bạn lên trước mà không chịu tuột xuống ngay, một học sinh khác đã đẩy bạn xuống cho nhanh. Hậu quả là bạn ngồi phía trên ngã xuống sân và gãy xương đòn.

Những trường hợp kể trên không phải hiếm vì theo các giáo viên mầm non, số học sinh/lớp hiện nay quá đông (ở các trường mầm non công lập, sĩ số học sinh thường ở mức 40-48 học sinh), giáo viên không thể bao quát hết được. Thậm chí giờ chơi ở sân trường, cô giáo đứng kế bên học sinh nhưng không “đỡ” kịp với nhiều tình huống bất ngờ: “Chỉ trong tích tắc, một học sinh đưa tay gạt học sinh khác làm bạn ngã từ trên cầu tuột xuống, khi cô giáo chạy đến đỡ thì em đã gãy xương rồi” - một giáo viên ở Q.Phú Nhuận cho biết.

Hiểm họa từ... đồ chơi, đồ dùng

Hình ảnh thường thấy ở khá nhiều trường mầm non là giờ ra chơi, đồ chơi trên sân như cầu tuột, đu quay, xích đu... thường quá tải bởi số học sinh đông mà đồ chơi chỉ có thể đáp ứng được cho vài em. Cảnh giành nhau chỗ chơi dẫn đến xô đẩy vì vậy thường xuyên xảy ra. Thế nhưng, khi đi thực tế một vòng quanh các trường mầm non ở các quận nội thành trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy đa số trường đều được “bêtông hóa” sân chơi. Không có thảm cỏ nên các loại đồ chơi ngoài trời cũng đặt trên sân bêtông. Thường các trường chỉ trải một tấm thảm mỏng phía dưới cầu tuột, thang leo... (thậm chí có trường còn không trải gì, khi trẻ trượt xuống từ cầu tuột thì tiếp xúc ngay với nền gạch nên không tránh khỏi nhiều em xuýt xoa vì vừa bẩn quần vừa... ê mông.). Nhưng những tấm thảm này chỉ có tác dụng... làm đẹp vì nếu học sinh có ngã xuống vẫn gãy xương như thường.

Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 1 chia sẻ: “Khó nói được đồ chơi nào an toàn tuyệt đối. Với trẻ mầm non thì nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện tại chỉ có thể ngăn chặn phần nào thương tích cho các em bằng cách bố trí giáo viên luôn túc trực trong lúc trẻ chơi để đề phòng”.

Trong khi đó, tại một nhà trẻ tư nhân trên đường Phạm Ngọc Thạch, chúng tôi thấy bố trí ở sân chơi hai xích đu dạng đôi (dành cho bốn trẻ). Các xích đu đều được sơn đủ màu vàng, xanh, hồng rất bắt mắt, tuy nhiên những móc sắt, dây xích để treo xích đu và các vòng tròn trang trí trên xích đu đều lộ phần đầu nhọn và luôn có khả năng gây xước da, chảy máu nếu chẳng may bị vướng vào. Chính vì vậy các cô bảo mẫu ở đây phải thay phiên nhau bế từng bé ngồi vào xích đu, chơi xong lại bế ra ngoài, không để bé tự trèo lên xích đu vì sợ bị các đầu sắt nhọn vướng vào người.

Cô Nguyễn Thị Kim Loan, hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hương Sen (Phú Nhuận), cho biết: “Để tránh xảy ra tai nạn cho trẻ, quan trọng nhất là giáo viên, bảo mẫu phải luôn bao quát, theo dõi các em, có mặt trong lúc các em chơi, chia đủ đồ chơi cho các em. Giáo viên phải được phân công tương ứng với số trẻ. Nếu số trẻ đông, có thể chia thành hai, ba nhóm để tổ chức chơi và dễ quán xuyến, tránh dồn cục. Mặt khác, nhà trường cần tăng cường kiểm tra, bảo hành đồ dùng, đồ chơi để phát hiện các nguy cơ gây thương tích”.

Nhiều trường lát gạch men trong lớp học

“Hiện nay, phần lớn trường mầm non trên địa bàn TP.HCM đã chú ý đầu tư trang thiết bị thể dục thể thao phục vụ việc tổ chức hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ. Tuy nhiên, các dụng cụ lớn như thang leo, cầu thăng bằng, cầu tuột, bập bênh... vẫn chưa được trang bị đầy đủ ở một số trường. Đáng quan tâm là sự thiếu đồng bộ về kích thước (không đúng chuẩn), địa điểm đặt và độ an toàn của các dụng cụ này. Bên cạnh đó, nhiều trường thường lát gạch men trong lớp học hoặc phủ trên mặt nền một lớp simili, ít có điều kiện trải thảm. Vì thế, việc tổ chức giáo dục phát triển vận động cho trẻ sẽ gặp những khó khăn nhất định”.

(Trích báo cáo tổng kết đề tài “Xây dựng hệ thống đánh giá hình thái, thể lực và thực trạng phát triển hình thái, thể lực của trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi tại TP.HCM”, PGS.TS Đỗ Vĩnh làm chủ nhiệm đề tài, được nghiệm thu năm 2012).

 

Bạn có biết:

Phụ huynh bức xúc vì con bị gãy tay ở nhà trẻ

Cần thông cảm với cô giáo của bài văn Món canh gà thọ xương

 

Tin bài gốc: tuoitre

Kenhtuyensinh

Theo: tuoitre