>> Đáp án đề thi đại học môn Toán khối A năm 2013
>> Đáp án đề thi đại học môn Lý khối A năm 2013
>> Đáp án đề thi đại học môn Hoá khối A năm 2013
>> Đáp án đề thi đại học môn Tiếng Anh khối A1 năm 2013
Trong khi phần lớn thí sinh hồ hởi vì đề thi 2 môn khối A, A1 không quá khó thì các giáo viên cho rằng nhìn dễ nhưng không dễ đạt điểm cao.
Phân loại rõ rệt trình độ thí sinh
Phần lớn thí sinh đều cho rằng có thể làm khoảng 50% bài thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đề thi 2 môn toán, lý trong ngày thi đầu tiên thể hiện đúng tính chất một kỳ thi tuyển chọn gắt gao. Trong đó ngoài những phần vừa sức cho các thí sinh trung bình cũng có những câu chỉ dành cho người thật sự giỏi.
Có thể lấy điểm trên trung bình
Đề thi môn toán không quá khó là nhận định của nhiều thí sinh (TS) sau khi dự môn thi đầu tiên. Bùi Quốc Đạt (TP.HCM), dự thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Về cơ bản, đề thi toán năm nay có phần dễ hơn năm trước. Trong vòng một tiếng rưỡi em đã kết thúc bài thi, vì có một số câu khó quá. Em hy vọng với phần bài đã làm chắc chắn, em có thể đạt được 6 đến 7 điểm môn này”. Cũng tại hội đồng thi này, Nguyễn Hà Thúy An (Tiền Giang) nói: “Em cũng không thể làm hết bài thi vì bị vướng ở phần giải phương trình. Đề thi không đánh đố, nhưng dàn trải và xâu chuỗi kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 nên không dễ lấy được điểm 10”.
Trung Tính, TS thi vào ngành kỹ thuật môi trường Trường Đại học Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho biết: “Ở phần chung, em làm khoảng một giờ là xong hết 6 câu. Trong khi ở phần riêng, em miệt mài làm nhưng không ra được kết quả. Em dự đoán mình chỉ được khoảng 5 - 6 điểm”. Tương tự, TS Quang Trấn (Biên Hòa, Đồng Nai) nhận định: “Em thấy đề năm nay dễ làm hơn so với năm trước. Em dự đoán mình được khoảng 6, 7 điểm... Phần lớn các TS đều cho rằng làm khoảng 60% bài thi”.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, nhiều TS rời khỏi phòng thi sớm do không làm được bài. Huỳnh Minh Anh, thi vào Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế cho biết, sau khi làm được phân nửa đề toán thì không thể giải tiếp những câu còn lại nên xin nộp bài để ra sớm so với thời gian quy định. Một số TS thi vào trường này cũng cho rằng đề thi môn toán quá hóc búa. Một số TS dù thi vào sư phạm toán cũng lắc đầu với đề toán. Lê Thanh Huyền (Thanh Hóa) nhận xét: “Em nghĩ với đề toán này chắc không nhiều bạn đạt được điểm tuyệt đối. Phần giải hệ phương trình, bất đẳng thức... quá khó!” Huyền chia sẻ. Nhiều TS ở Cần Thơ ra về sớm vì cho rằng đề thi khó.
Chỉ giải quyết 50 - 60% môn lý
Khác với sự hớn hở của TS sau khi kết thúc môn toán, buổi chiều nhiều TS lắc đầu vì đề lý khó và lạ. Tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân của hội đồng thi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Lê Thị Hà Trang (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: “Em làm hết tất cả bài thi, nhưng chắc chỉ đạt khoảng 70% vì một số câu em đánh đại. Đề thi có khoảng 5 câu khó, trong đó phần về dòng điện xoay chiều rất lạ. Kiến thức này thuộc chương trình lớp 12, nhưng cách đề ra em chưa thấy bao giờ”. Dương Ngọc Hùng (Bình Thuận) cũng nói: “Đề khá dài, đặc biệt năm nay đề thi ra ở dạng bài tập khá nhiều”. Nhiều TS khác thi tại TP.HCM cũng nhận định đề hơi khó, nhưng vẫn có thể đạt từ 6 đến 7 điểm.
Phần lớn TS ở Đà Nẵng và Cần Thơ đều cho rằng nếu nắm vững kiến thức cơ bản có thể làm bài đạt điểm trên trung bình, có thể giải quyết trên 50% bài thi.
Đề thi môn toán lạ ?
Ông Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho rằng: “Thực ra, câu xác suất rất dễ vì chỉ ra ở dạng đề cơ bản. Tuy nhiên, kiến thức này thuộc chương trình lớp 11 nên nếu học sinh không ôn tới hoặc ôn không kỹ sẽ thấy đề lạ. Riêng về phần bất đẳng thức, đây là câu hỏi ra ở dạng kiến thức tổng hợp để phân loại thí sinh xuất sắc nên bao giờ cũng khó. Nhưng so với các năm trước, câu này năm nay có phần dễ hơn, học sinh giỏi có thể tìm được hướng làm bài với mức điểm tối thiểu 0,25 điểm”. Nhận định chung về đề thi toán, ông Hiếu nói: “Đề thi này có khoảng 30 đến 35% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và 11, phần còn lại thuộc lớp 12. Cấu trúc không lạ so với mọi năm, hợp lý và có sự phân hóa tốt. Tuy nhiên, để thí sinh đạt được từ 5 đến 6 điểm sẽ dễ hơn mọi năm, nhưng với điểm 7 và 8 thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phải có khả năng suy luận cao. Với đề này, chỉ những thí sinh thực sự xuất sắc mới mong đạt được điểm 10”.
Lần đầu tiên đề thi đại học môn lý có hình vẽ
Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Trường học trực tuyến Sài Gòn, nếu để lên bàn cân thì đề thi môn vật lý năm nay có phần “dễ chịu” hơn năm ngoái. Trong đề thi năm nay không có câu đến mức quá khó khiến cả giáo viên dạy môn này còn không làm được như đề thi năm 2012. Thoạt nhìn, đề thi có nhiều câu cơ bản, khoảng 1/2 câu hỏi nằm trong đề thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ các năm gần đây. Có ít câu hóc búa, không có sự chênh lệch giữa câu dễ và câu khó quá mức. Một nửa các câu còn lại chia đều ra hai mức độ: hơi khó và khó. Tuy nhiên, câu hơi khó thì học sinh có học lực trên trung bình vẫn có thể giải được. Năm nay, một điểm rất đặc biệt là đề thi môn vật lý có hình vẽ. Đây là lần đầu tiên đề thi có thêm hình như vậy. Đề thi như vậy mô tả rõ hơn, dễ dàng hơn cho thí sinh khi làm bài. Theo ông Hiệp, TS học lực khá có thể đạt từ 6 điểm trở lên với đề thi này.
>> Xem gợi ý đáp án đề thi môn Lý
Môn toán: Học sinh khá giỏi có thể đạt 7 - 8 điểm
Chương trình chuẩn có 50% câu thuộc lớp 12, chương trình nâng cao có 60% thuộc chương trình lớp 12. Độ khó của phần chuẩn cao hơn phần nâng cao. Ngoài 2 câu đại số, các câu còn lại có độ khó trung bình hoặc hơi khó một tí. Độ khó của đề thi năm nay tương đối nhẹ hơn so với các năm trước. Cụ thể ở câu 5 (hình học không gian), câu 8a và 8b (hình học giải tích trong không gian) dễ, học sinh trung bình có thể giải quyết được. Do đó, dự đoán học sinh khá giỏi có thể đạt 7 đến 8 điểm, học sinh trung bình có thể được 5 đến 6 điểm.
- Các câu 1, câu 2, câu 4 , câu 5 của phần chung và câu 8a, câu 9a, câu 8b, câu 9b của phần riêng, học sinh trung bình khá có thể làm được.
- Câu 3: Học sinh muốn giải được phải biết cách biến đổi đại số thật tốt rồi dùng tính chất đơn điệu của hàm số hoặc nhân lượng liên hợp để giải quyết.
- Câu 6 là câu khó nhất trong đề thi. Chỉ có những học sinh xuất sắc mới có thể giải được câu này.
- Câu 7.a và 7b: Độ khó giống đề thi năm ngoái, là câu tương đối khó, thí sinh muốn giải được phải nắm vững tính chất hình học phẳng.
- Câu 9.a và 9b: Nếu học sinh nắm vững đề thi năm ngoái thì 2 câu này không còn lạ nữa.
Trần Văn Toàn
(Tổ trưởng tổ toán - Trường THPT Marie Curie - TP.HCM)
Môn lý: Phải sử dụng kiến thức nằm ngoài chương trình phổ thông
Đề trắc nghiệm môn vật lý năm nay rất khác so với đề 2012, số câu lý thuyết chỉ bằng 50% năm ngoái và tương đối dễ, không mang tính vận dụng cao. Ở phần câu hỏi bài tập chung và riêng, số câu dễ rơi vào cơ, giao thoa, sóng dừng, dao động điện từ, lượng tử. Số câu phân hóa phần lớn rơi vào điện, truyền tải điện, ví dụ như: Câu 1, 5, 7, 18, 24, 30, 39. Một số câu ở phần cơ như: Câu 21, 10. Đặc biệt câu 12 phải sử dụng công thức nằm ngoài chương trình phổ thông để xác định được khoảng cách từ vệ tinh đến trái đất; hầu như ở câu này thí sinh đánh mò. Ở phần riêng, cả hai chương trình chuẩn và nâng cao tương đối dễ so với phần chung.
Với đề thi này, học sinh học lực trung bình khá chỉ có thể đạt điểm 4 - 5, khá giỏi cũng chỉ đạt điểm 6 - 7, thực sự xuất sắc biến đổi nhuần nhuyễn và tính toán thật nhanh mới có thể đạt điểm 8 - 9. Đề thi trắc nghiệm vật lý năm nay có tính phân hóa rất cao. Dự đoán điểm trung bình môn vật lý năm nay sẽ thấp hơn năm trước.
Võ Lý Văn Long
(Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP.HCM)
Kenhtuyensinh: Thanhnien
Thông tin cần biết: