Trong khi nhiều trường ĐH có sự biến đổi không ngừng về điểm đầu vào thì ở các ngành khối y dược vẫn luôn ổn định với mức điểm cao. Năm 2010, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn từ 18,5 đến 24; ĐH Y Dược TP.HCM cũng dao động từ 16,5 đến 24 điểm; trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) cũng từ 17 đến 23 điểm; trường ĐH Y Hải Phòng từ 18 đến 22,5…

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đạt điểm cao là sẽ trúng tuyển. Hằng năm vẫn có nhiều thí sinh dù điểm thi khá cao nhưng vẫn bị rớt ngay nguyện vọng 1. Ví dụ ngành Bác sĩ đa khoa tại ĐH Y Dược TP.HCM mỗi năm có khoảng 5.500 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu là 500. Theo thống kê của trường, mỗi năm có từ 400 - 500 thí sinh có tổng điểm thi 3 môn trên 20 không trúng tuyển vào ngành này. PGS-TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng: “Với những thí sinh này, nếu đăng ký vào ngành có điểm chuẩn thấp hơn như Bác sĩ y học cổ truyền, Bác sĩ y học dự phòng... thì đã có cơ hội trúng tuyển”. Ông Xuân nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây là các bạn này đã chưa có sự lựa chọn ngành thi phù hợp với sức học của mình. Với những ngành học đó, những học sinh có học lực giỏi có khả năng thi đạt từ 24 - 25 điểm thì mới nên đăng ký vào. Lưu ý thêm rằng, thông thường các ngành như vậy thường chỉ lấy NV1, nếu có xét tuyển thêm NV2 thì cũng với số điểm rất cao”.  

Nếu các bạn có định hướng vào ngành Y thì ngay từ bây giờ phải trau dồi kiến thức, phấn đấu nhiều hơn những bạn khác. Các bạn phải phối hợp cả sở thích và năng lực để chọn vào học các ngành, khi đã tự tin vào khả năng của mình thì hãy đăng ký dự thi, đừng ngần ngại. Nếu có thi rớt thì cứ cố gắng thêm trong những lần tiếp theo. Các bạn khá thì nên chọn thi ngành Bác sĩ y học cổ truyền, Bác sĩ y học dự phòng. Các bạn có sức học yếu hơn chút thì nên thi vào các ngành Cử nhân. Còn nếu thi lần đầu mà cảm thấy lực của mình không đậu nổi thì hãy đăng ký học trung cấp, cao đẳng tại tỉnh nhà để có thể theo nghề này.  

 
Ngành Y: phục vụ xã hội và học suốt đời - Ảnh 1
Hình minh hoạ

Ngoài những chuyên ngành có điểm đầu vào rất cao như bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ tâm lý học, Dược sĩ đại học… (Xem => ĐH Y-Dược TP.HCM tuyển sinh 2011; - Thi vào ĐH Y dược ngày càng khó hơn), giới thiệu thêm với các bạn một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực Y học như:  

- Ngành cử nhân nữ hộ sinh là ngành dành cho các bạn nữ trẻ để phục vụ sức khỏe cho sản phụ khoa, là hoạt động hỗ trợ bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Thi khối B ba môn toán, hóa, sinh. Sau khi trúng tuyển, học hai năm đại cương. Năm thứ ba và tư chuyên về chăm sóc sức khỏe cho sản phụ khoa trong kỳ thực tập. Bạn cũng được học chăm sóc trẻ sơ sinh trong chương trinh đào tạo. Cơ hội làm việc tại các bệnh viện hiện nay rất cao. (như ở trường ĐH y dược Cần Thơ)

- Ngành vật lý kỹ thuật (Y sinh) là ngành học khá mới, đào tạo các lĩnh vực công nghệ liên ngành, ứng dụng các nguyên lý và phương pháp kỹ thuật (vật lý, cơ khí, điện tử, hoá học, công nghệ thông tin) trong lĩnh vực y sinh học, đặc biệt trong y khoa. Các lĩnh vực chuyên môn chính của kỹ thuật y sinh là: thiết bị y khoa, thiết bị hiển thị hình ảnh trong y khoa, vật liệu y sinh, tin học y khoa. Hệ thống y tế Việt Nam ngày càng được hiện đại hoá nên nhu cầu về kỹ sư vật lý kỹ thuật y sinh hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế ngày càng tăng. Kỹ sư vật lý kỹ thuật y sinh có nhiều cơ hội việc làm tại các bệnh viện, công ty sản xuất hoặc thương mại thiết bị y tế công nghệ cao, họ cũng có cơ hội việc làm tại các đơn vị nghiên cứu liên quan lĩnh vực y sinh, kiểm tra môi trường… (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM)


Ngành Y: phục vụ xã hội và học suốt đời - Ảnh 2
Hình minh hoạ

- Công nghệ Spa và Y sinh học Thể dục thể thao: Công nghệ spa gắn liền với y sinh học giúp duy trì sức khỏe, giảm stress, kiến thức về sử dụng nước nóng, nước lạnh như thế nào, kỹ thuật massage, bấm huyệt... Với ngành này, trường xét tuyển từ điểm sàn của thí sinh thi vào ĐH Y dược và TDTT của cả nước. (Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng TPHCM)

- Y tế công cộng là khoa học và nghệ thuật phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức khỏe thông qua những cố gắng có tổ chức của xã hội. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc ở các cơ quan liên quan đến sức khỏe: Các cơ quan ở bộ y tế: Viện YTCC, Viện chiến lược CS y tế, Viện Paster, Viện Dịch tể …; ở Tỉnh: Sở y tế: Các trung tâm về sức khỏe, Cục dân số, Trung tâm PC HIV, Trung tâm Y tế dự phòng, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm…

- Ngành Y học cổ truyền, sinh viên được trang bị cả kiến thức Đông y và kiến thức Tây y. Ra trường bạn có thể mở phòng mạch riêng hoặc vào làm khoa Y học cổ truyền của các bệnh viện; Có thể điều trị bệnh theo phương pháp y học hiện đại (Tây y) hay theo phương pháp y học cổ truyền, thậm chí là kết hợp cả y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị bệnh.

Nhân lực về ngành Y học nói chung và ngành Y tế công cộng và Y học cổ truyền hiện nay đang rất thiếu nên bạn không lo về cơ hội việc làm sau khi ra trường.

- Ngành Kỹ thuật Y Học gồm 3 chuyên ngành chính đó là Xét nghiệm,Vật lý trị liệu và Chẩn đoán hình ảnh. Đây là một ngành cận lâm sàng nó góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Khi vào học, sinh viên có thể chọn các chuyên ngành mà mình yêu thích.

Sinh viên theo học các ngành này được thực hiện đầy đủ và thành thạo các kỹ thuật y học. Có thể tham gia làm tốt công tác quản lý ngành, tham gia tổ chức và đào tạo cán bộ kỹ thuật y học và nhân viên y tế. Ví dụ: chuyên ngành Xét nghiệm, sinh viên được trang bị kiến thức khoa học cơ bản vững; có kiến thức và kỹ năng về chuyên ngành ở trình độ đại học, làm chủ được các kỹ thuật xét nghiệm thuộc lãnh vực: Vi sinh, Ký sinh trùng, Hoá sinh, Huyết học truyền màu, Miễn dịch và Giải phẫu bệnh. Cơ hội việc làm ngành này rất lớn vì mỗi năm chỉ tiêu đào tạo cử nhân chuyên ngành này phân bổ rất ít, như trường ĐH Y Hà Nội, mỗi năm chỉ có 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành này.  

ĐH Y Hà Nội: Năm 2011, trường dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu chính quy, hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội và theo địa chỉ, dự kiến tuyển 200 chỉ tiêu (năm 2010 là 150 chỉ tiêu). Điểm chuẩn nguyện vọng 1 năm 2010: - Bác sỹ đa khoa 24,0; Bác sỹ Y học cổ truyền 19,5; Bác sỹ Răng Hàm Mặt 22,0; Bác sỹ Y học dự phòng 18,5; Cử nhân Điều dưỡng 19,0; Cử nhân Kỹ thuật Y học 19,0; Cử nhân Y tế Công cộng 18,5.

 
Ngành Y: phục vụ xã hội và học suốt đời - Ảnh 3
Hình minh hoạ

Người thầy thuốc phải quan tâm cả cái đau và cái khổ của con người. Y đức không đơn giản, không phải là một khẩu hiệu, phải được học tập và rèn luyện xuyên suốt quá trình học y khoa và hành nghề.
 

Ngành Y vốn là một nghề độc lập. Người thầy thuốc có thể làm việc suốt đời nếu còn đủ sức khỏe. (Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC)
 

“Ngày nay người ta thường nhắc đến y đức của thầy thuốc. Tôi nghĩ y đức không chưa đủ. Còn phải có tay nghề, kỹ thuật chuyên môn nữa. Không nên tách bạch bởi hai cái là một. Nói y đức suông mà không có tay nghề thì... hại người ta nhiều hơn, làm người ta “đau” nhiều hơn. Còn giỏi kỹ thuật chuyên môn mà thiếu y đức thì làm cho người ta “khổ” nhiều hơn. Người thầy thuốc phải quan tâm cả cái đau và cái khổ của con người. Y đức không đơn giản, không phải là một khẩu hiệu, phải được học tập và rèn luyện xuyên suốt quá trình học y khoa và hành nghề.  

Tôi rất hoan nghênh các bạn trẻ muốn theo nghề y. Đây là một ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội. Nhưng chọn học y là chọn con đường gian nan, tiếp xúc thường trực với những nỗi đau, nỗi khổ của kiếp người (sinh, lão, bệnh, tử)... Phải thật sự yêu nghề và có năng lực. Nói chung, học y cần có lý tưởng nhân đạo, một “tiếng gọi sâu thẳm” (vocation) của nghề nghiệp. Nếu học y để mong đầu tư... làm giàu trên bệnh nhân thì không nên! Thật ra học y cũng rất thú vị, nhiều thử thách, đòi hỏi trách nhiệm cao. Người bác sĩ luôn đứng trước lương tâm của mình. Hạnh phúc rất lớn khi thấy mình sống hữu ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội. Cứu sống một mạng người bằng lập năm bảy kiểng chùa phải không? (*Dohongngoc.com)

Bác sĩ mới tốt nghiệp phải về vùng sâu làm 2 năm

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Y tế. Theo đó, một số lĩnh vực tuyến y tế cơ sở đang thiếu như y tế dự phòng, chuyên khoa nhi, tâm thần, lao... cán bộ y tế được đào tạo khi ra trường sẽ phải về vùng sâu, vùng xa công tác 2 năm trước khi chuyển đến cơ quan theo yêu cầu của cá nhân.

Những đối tượng này bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ sẽ được hưởng các quyền lợi như: được hưởng phụ cấp trách nhiệm, an ninh quốc phòng, lưu động, trợ cấp chuyển vùng, chế độ bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp. Đồng thời, họ cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ thu nhập tăng thêm, ưu tiên nâng lương sớm.


Tổng hợp thông tin Hieuhoc.com