Kỳ thi của thí sinh, vắng bóng phụ huynh

Theo GS. Phan Quang Thế, hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Thái Nguyên cho rằng điểm được nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2016 đó là địa phương nào cũng có cụm thi ĐH.

“Thử làm một bài toán, ví dụ một phòng thi có 40 thí sinh dự thi, năm 2016, có thể ít nhất phải 80 người di chuyển (gồm 40 thí sinh và 40 phụ huynh), năm nay chỉ 3-4 người (giám thị, cán bộ hội đồng thi) di chuyển.

Điều này đã tiết kiệm và giảm áp lực cho xã hội rất nhiều” - ông Thế phân tích. Mặt khác, ông Thế cũng cho rằng bản thân giảng viên các trường ĐH về các địa phương tổ chức thi cũng nhận được bài học quý giá.

Xem thêm:

“Rất ít giảng viên có điều kiện đi công tác vùng sâu vùng xa, họ toàn ở vùng thuận lợi. Về các địa phương, nhất là miền núi, vùng khó khăn tổ chức thi, họ có cơ hội được biết thêm về hoàn cảnh sống của chính những sinh viên mình đang giảng dạy. Từ đó, họ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn” – ông Thế chia sẻ.

Đồng quan điểm này, giám đốc ĐH Thái Nguyên, GS. Đặng Kim Vui cũng khẳng định việc cả nước có 70 cụm thi ĐH là một bước tiến đột phá của ngành giáo dục trong việc tổ chức thi THPT quốc gia. Năm 2015, cả nước có 38 cụm thi ĐH đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và người nhà, năm nay, tỉnh nào, địa phương nào cũng có một cụm thi nên thí sinh và người nhà chỉ di chuyển nội tỉnh, rất tiện.

“Tổ chức thi như năm nay không tạo xáo trộn nhiều tại các  thành phố lớn, người đi thi không vất vả gồng gánh, đỡ tốn kém, giảm rủi ro trong giao thông. Nhất là mùa thi thường rơi vào những ngày nắng nóng” - GS. Đặng Kim Vui chia sẻ.  Công tác tổ chức thi không có gì cồng kềnh, phức tạp.

Trong những ngày thi vừa qua, ghi nhận của cho thấy áp lực giao thông, ăn ở không còn đè nặng tại các điểm thi ở Hà Nội. Một thành viên trong Hội đồng thi ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định chưa năm nào số lượng xe đạp điện đến các điểm thi của trường nhiều như năm nay. Trường phải bố trí chỗ gửi tại tất cả các vỉa hè xung quanh trường.

“Năm nay, thí sinh được tự đi thi vì gần nhà nên số lượng xe đạp điện mới nhiều thế. Trường cũng không ngờ được điều này” – vị thành viên này cho biết.

Còn tại điểm thi trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, đây là một trong những điểm thi của cụm thi do sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì cho các thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, quanh khu vực cổng trường, không thấy bóng dáng phụ huynh nào.

Bà Đào Thị Phương Lan, Phó hiệu trưởng nhà trường, đồng thời là phó điểm trưởng điểm thi cho biết thí sinh dự thi tại trường đến từ các trường như THPT Tiền Phong, THPT Mê Linh nên thí sinh tự đạp xe đến hoặc đi xe bus. Phụ huynh không phải đưa con đi thi.

Nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương

Nên “khoán” cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp

Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới, GS. Đặng Kim Vui cho rằng  xét về bản chất vấn đề, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh THPT đều đạt 98%, 99%.

Năm 2015, lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, học sinh cũng tốt nghiệp 97%. “Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT nên  trao trả lại cho các tỉnh để họ làm hết sức nhẹ nhàng, không tốn thời gian của các cấp khác” – GS. Vui nói.

Còn các trường ĐH, trong luật giáo dục ĐH đã cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Bộ GD&ĐT có thể ban hành một phương thức nào đó cho các trường để các trường có thể tự chủ.  “Xét điều kiện hiện nay, chỉ một số trường ĐH top trên  tuyển sinh có tính cạnh tranh. Số lượng trường đó không nhiều.

Còn lại các trường ĐH địa phương và các trường ĐH top giữa, top dưới  công tác tuyển sinh đã đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh không nhiều như trước đây. Công tác xét tuyển không đòi hỏi tính cạnh tranh. Nhiều ngành không có nhiều nguồn để chọn, nên tổ chức thi cũng tốn kém. Nên để các trường chủ động tuyển sinh” - GS. Vui đề xuất.

Cũng theo người đứng đầu ĐH Thái Nguyên, các trường ĐH thành viên hoàn toàn đủ khả năng tự tổ chức tuyển sinh. Thực tế Bộ GD&ĐT  đã cho phép các trường tự chủ nhưng trong thời gian qua, Bộ vẫn tổ chức 3 chung hoặc một kỳ thi nên trường ĐH có thể lấy kết quả của kỳ thi để đỡ tốn kém. Nếu bộ không tổ chức các trường có thể tự tổ chức tuyển sinh được. Do đó, thi ĐH các trường không nên tổ chức chung nữa.

 


Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nen-giao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-ve-cac-dia-phuong-1023278.tpo


Cập nhật điểm chuẩn đại học 2016 sớm nhất tại kenhtuyensinh.vn