>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, nguyện vọng 2

Hôm nay, 22 triệu 506 nghìn học sinh - sinh viên chính thức bước vào năm học mới. Dư luận xã hội và phụ huynh vẫn đau đáu chờ ngành GD&ĐT cùng với các địa phương giải quyết các bài toán cũ.

Theo điều 105, Luật Giáo dục, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh người học hoặc gia đình không phải đóng góp khoản tiền nào khác; học sinh trường tiểu học công lập không phải đóng học phí. Trên thực tế, hàng loạt văn bản pháp quy được Chính phủ và các cơ quan trung ương ban hành nhằm quản lý việc thu góp trong trường học. Một thực tế khác, năm nào vào dịp đầu năm học dư luận cũng sôi lên bởi những khoản thu do các trường không tuân thủ các quy định dưới luật.

Năm nay không là ngoại lệ. Lạm thu không chỉ biểu hiện ở những khoản thu ngoài quy định của UBND các tỉnh/ thành mà còn biểu hiện dưới hình thức thu sai cách thức, trái quy trình. Vụ tổ chức may đo đồng phục ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở huyện Thường Tín, Hà Nội giữa tháng 8 vừa rồi là một ví dụ.

Bất chấp đối tượng học sinh là con em của những nông dân nghèo, nhà trường đã “vẽ” ra quy định buộc học sinh phải mua đồng phục mà giá một bộ ngang với một tạ thóc! Theo nhiều phụ huynh, vừa đưa con tựu trường, họ đã được giáo viên chủ nhiệm hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đánh tiếng gợi ý mua sắm cái nọ, cái kia cho lớp học. Có trường tiểu học công lập ở một quận nội thành Hà Nội hiện đã thu tới 7 triệu đồng/ học sinh!

Trao đổi với báo giới trước ngày khai giảng năm học mới, ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho rằng một trong những biện pháp để giải quyết vấn đề này là ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt 20% tổng chi ngân sách, cơ cấu chi thường xuyên đảm bảo 80% chi cho con người và tối thiểu 20% cho các hoạt động khác. Việc nhiều địa phương không thể thực hiện được cơ cấu chi này là một yếu tố khó kiềm chế lạm thu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những địa phương nghèo, chi ngân sách phần lớn dành cho lương thì ít xảy ra tình trạng lạm thu. Lạm thu nhức nhối chủ yếu ở các đô thị, chẳng hạn như Hà Nội, nơi mà UBND thành phố cam đoan đạt cơ cấu chi 75% – 25%, cao hơn mức Bộ GD&ĐT yêu cầu.

Theo Bộ GD&ĐT, chi ngân sách năm 2013 cho GD&ĐT cả nước là 194.416 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được đưa thẳng về các địa phương (152.220 tỷ đồng). Tuy vậy, trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Đến thời điểm này, dù các điều kiện đảm bảo chất lượng cho giáo dục phổ thông đã được cải thiện nhiều so với trước - nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn - nhưng trên tổng thể thì chúng ta vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để các hoạt động giáo dục và đào tạo đảm bảo chất lượng”.

Cả nước tăng gần 230.000 học sinh tiểu học

Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, tổng số học sinh – sinh viên trong cả nước năm học 2013 – 2014 là 22 triệu 506 nghìn em, tăng khoảng 842 nghìn em so với năm ngoái. Do thúc đẩy phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi nên quy mô bậc học này tăng trưởng mạnh mẽ nhất: khoảng hơn 500.000 em.

Ở phổ thông, cấp tiểu học cũng tăng hơn 230.000 em so với năm ngoái, chủ yếu dồn vào học sinh lớp 1 do học sinh đến tuổi đi học năm nay là những em sinh năm 2007 – năm đẹp theo quan niệm dân gian.

Theo Quý Hiên, Báo Tiền Phong