Các con đến trường, cái chúng cần là những bài học bổ ích, giờ chơi thể thao rộn tiếng cười để rèn tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, hay những lời động viên - dạy bảo đúng lúc của thầy cô. Những điều đó mới giúp các con có niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày đến trường, chứ không phải là lễ khai giảng.
> Cần một lễ khai giảng không đọc báo cáo
> Lễ khai giảng năm học 2019-2020 thống nhất tổ chức sáng 5-9
"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" là dòng chữ ghi trên cổng trường tiểu học của con tôi. Thế nhưng làm sao để mỗi ngày đến trường đều vui vẻ, trong đó có buổi lễ khai giảng, có lẽ vẫn là niềm mơ ước với trẻ thơ, cha mẹ và thậm chí cả các thầy cô giáo.
Con tôi 6 tuổi và tháng 9 này sẽ chính thức vào lớp 1 trong một trường công lập của Hà Nội. Thế nhưng để chuẩn bị cho việc vào lớp 1, các con bắt đầu đi học làm quen với nề nếp của trường tiểu học từ ngày 1-8, tuần 3 ngày học từ 8h-16h30.
Suốt bốn tuần qua, tuần nào các con cũng có buổi tập cho lễ khai giảng năm học mới ngoài sân trường. Hà Nội gần đây có ngày mới 7h sáng trời đã nắng nóng, nên việc các con ra sân tập cho lễ khai giảng vô cùng vất vả.
Hôm nay, con tôi háo hức nói mẹ cho mặc đồng phục trường theo yêu cầu của cô giáo để đi tập lễ khai giảng. Khi thấy con xuất hiện, cô giáo chủ nhiệm ngay lập tức đến gần để giúp con "đóng thùng", xếp ghế cho con ngồi và dặn dò làm theo lời cô giáo trên loa.
Như những "chú cún", tất cả bọn trẻ chuẩn bị vào lớp 1 ngồi ngáp ngắn dài vì mới 7h30 sáng, đứa thì khóc vì còn chưa quen việc đi học tiểu học, có đứa chành chọe nhau.
Khai giảng là một khái niệm mới mẻ mà các con chưa hiểu rõ. Với những cô bé, cậu bé 6 tuổi, nhiều đứa sau một tháng đến trường vẫn còn khóc vì chưa quen. Có đứa như con tôi, cô giáo thường phải đi tìm mỗi lần con xin ra ngoài đi vệ sinh vì nếu không con sẽ nghịch nước hoặc đi lang thang ngoài sân chơi...
Học nề nếp, học chữ thật mới mẻ với các con, chứ chưa nói đến khái niệm thế nào là khai giảng, hiểu ý nghĩa các bài phát biểu hay sự xuất hiện của một vị lãnh đạo nào đó trong buổi lễ này. Thế nhưng những buổi tập trên loa phát thanh cô giáo liên tục hô vang các mệnh lệnh yêu cầu các con: đứng lên - ngồi xuống, đưa tay trái - phải lên, vỗ tay sau khi cô đọc nồng nhiệt chào mừng các đại biểu đến dự lễ khai giảng với nhà trường...
Khi tôi hỏi rằng con có thích tập thế này không thì con trả lời: "Chán ngắt, con chỉ thích chơi thôi". Thế nhưng theo lịch nhà trường công bố, sáng 4-9 các con sẽ có tổng duyệt cả buổi sáng để cho buổi lễ khai giảng chính thức 5-9.
Lễ khai giảng như hiện nay là dành cho học sinh, hay là để phục vụ sự xuất hiện của ai?
Cũng là học sinh gần 30 năm trước, không thích thú gì với những buổi lễ khai giảng hình thức, tẻ nhạt, khi chứng kiến cảnh con mình và các bé khác tập luyện cho lễ khai giảng, trong lòng tôi thật nhiều suy tư, trăn trở. Tôi tự hỏi có nhất thiết mỗi năm lại tập dượt tốn bao mồ hôi công sức của thầy trò để làm lễ khai giảng?
Tôi nghĩ rằng các thầy cô, các bậc lãnh đạo nên là người chào đón các con được vào lớp 1 hay lên lớp mới, chứ sao lại bắt các con vất vả để làm cái lễ to tướng, thể hiện sự trân trọng của các con với các đại biểu đến dự lễ khai giảng. Lễ khai giảng như hiện nay là dành cho học sinh, hay là để phục vụ sự xuất hiện của ai?
Thi thoảng trên các phim Mỹ có đoạn học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè, gọi là First student day, tôi thấy trong ngày này từ hiệu trưởng đến các thầy cô mỗi người đều cầm tấm bảng với những dòng chữ đáng yêu: I am happy you are here, welcome back school, best day... (tạm dịch: Thầy cô rất hạnh phúc khi em ở đây, chào mừng các em trở lại trường, một ngày tươi đẹp nhất...) để mừng các con đến trường. Thế rồi cả thầy và trò cùng nhau cảm thấy thật vui vẻ, vậy là xong.
Và rồi tôi lại tự đặt câu hỏi có khi nào những nhà quản lý giáo dục nghĩ đến việc thay đổi để thầy và trò đỡ tốn thời gian, công sức cho một buổi lễ phô trương, hình thức?
Theo Tuổi trẻ