Cả nước có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử, trong đó có 399.016 thí sinh bị điểm dưới trung bình, chiếm tỉ lệ 70,01%. Môn tiếng Anh có 542.775 thí sinh điểm dưới trung bình, chiếm 69% trong tổng số 789.544 bài thi.
> Phổ điểm thi THP Quốc gia 2019: Thuận lợi để tuyển sinh đại học
> Điểm chuẩn Đại học năm 2019 sẽ tăng nhẹ so với năm 2018
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Điểm thi phản ánh thực chất việc dạy và học
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Lịch sử và Tiếng Anh là hai môn có tỉ lệ điểm dưới trung bình cao nhất trong 9 môn thi.
Kết quả thi có nhiều điểm dưới trung bình của môn Lịch sử, tiếng Anh là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm qua. Bên cạnh một số ý kiến lo lắng về chất lượng dạy và học của hai môn này, thì GS -TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia HN) cho rằng, nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia đã có dấu hiệu lạc quan, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy học.
Phổ điểm thi môn Lịch sử.
Cụ thể, so với kỳ thi năm trước, điểm trung bình môn Lịch sử và tiếng Anh đều có sự tăng lên. Năm 2018 mức điểm này của môn Lịch sử là 3,79, kém hơn điểm trung bình của môn năm nay 0,51 điểm. Môn tiếng Anh tương tự, tăng từ 3,9 điểm trung bình năm trước lên 4,36 điểm trung bình của năm nay.
Ngoài ra, tỉ lệ điểm từ 8 trở lên của hai môn này cũng tăng thêm. Môn Lịch sử năm ngoái có 4.226 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 0,75% tổng số bài thi môn này, năm nay con số là 12.472 bài, chiếm 2% tổng số bài thi. Môn tiếng Anh, năm 2018 có 22.046 bài thi đạt từ điểm 8 trở lên, chiếm 2,7%, thì năm nay có 47.077 bài thi đạt hơn và bằng điểm 8, chiếm 5,96%.
“Như vậy, cả Lịch sử và môn tiếng Anh đã có sự khởi sắc”, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức nói.
Phổ điểm môn tiếng Anh.
PGS-TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng phổ điểm 2 môn Lịch sử, tiếng Anh đã phản ánh thực chất việc dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay.
Nguyên nhân thực tế của việc môn Lịch sử nhiều năm bị điểm thấp vì phương pháp giảng dạy chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học tập. Môn Tiếng Anh bên cạnh lượng lớn điểm dưới trung bình vẫn có nhiều điểm từ 8 trở lên, phản ánh sự chênh lệch chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa vùng thành thị với nông thôn.
Tâm lý học để "ứng thí"
TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, phần lớn thí sinh dự thi môn Lịch sử (môn thành phần trong bài tổ hợp Khoa học Xã hội) là để xét tốt nghiệp THPT. Với mục đích như vậy, 70,01% thí sinh đã có điểm dưới trung bình.
Trong khi đó, hầu hết thí sinh dự thi Lịch sử để xét tuyển đại học đều đạt điểm trên 5, có 12.472 bài thì đạt điểm từ 8 trở lên. Số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử thậm chí đứng thứ 3 trong số 9 môn thi, với 80 bài. Điều này một phần phản ánh chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, một phần là kết quả của tâm lý học sinh thường chú trọng học các môn xét tuyển đại học.
Với môn tiếng Anh, các thí sinh dự thi để lấy xét tuyển đại học phần lớn đạt kết quả cao, nhóm thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT mức điểm chỉ vừa phải.
Lý do điểm trung bình môn tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc thấp, trong khi lượng điểm từ 8 trở lên và điểm tuyệt đối cao, theo TS Sái Công Hồng vì chênh lệch kết quả lớn giữa vùng có điều kiện khó khăn và vùng thành thị. Trong khi điểm trung bình môn học này của cả nước là 4,36 thì điểm trung bình của thí sinh Hội đồng thi TPHCM xấp xỉ 5,8; gần 65% các em đạt điểm từ 5 trở lên.
Từ thực tế điểm thi THPT quốc gia 2019 của môn Lịch sử, tiếng Anh, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT kiến nghị, Bộ GDĐT cần có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học hai môn học này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, công việc này cần thời gian và sự nỗ lực đổi mới tâm lý, cách dạy – học của cả đội ngũ thầy cô và người học.
Theo Lao động