Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) giảm mạnh, đã có hơn 40 nghìn học sinh đã trượt tốt nghiệp. Nhiều học sinh "chết rạp" ở môn thi Địa lý. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu tỉ lệ đỗ có tỉ lệ nghịch với việc nghiêm túc trong thi cử. Liệu công tác coi thi nghiêm túc hơn thì kết quả có thấp hơn nữa không?

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp do coi thi chặt?

Tốt nghiệp THPT năm 2012 với  97,63% học sinh đạt điểm. Năm 2011, hệ giáo dục phổ thông có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc là 95,72%. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp loại khá và loại giỏi đạt 13,83%. Và những năm 2010, 2009, 2008 cũng đều là những năm có tỷ lệ đỗ cao ngất ngưởng, hàng chục tỉnh có tỷ lệ đỗ sát nút 100%. Từ số liệu của liên tiếp 5 năm gần đây cho thấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT liên tục cao, và những thí sinh bị trượt được coi là "của hiếm". Cũng vì lẽ đó mà nhiều người cho rằng thi tốt nghiệp chỉ là một hình thức, còn chuyện đỗ đã là đương nhiên, biểu đồ kết quả thi tốt nghiệp của các năm chỉ là những mũi tên theo chiều hướng lên thẳng.

Tuy nhiên, kết quả thi tốt nghiệp năm nay lại khiến cho dư luận xã hội một phen bất ngờ: Trong số 950.000 sĩ tử thì có tới 21.000 học sinh THPT và 20.000 học sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) trượt tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT đã tổng kết kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2013 và kết luận tỷ lệ tốt nghiệp năm nay giảm so với năm 2012, hệ THPT đỗ 97,5% (giảm 1,4%), hệ GDTX đỗ 78,08% (giảm tới 7,39%). Cả nước chỉ có khoảng 10 tỉnh, thành có tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng nhẹ, hệ THPT tăng nhiều nhất là 2% còn lại hầu hết các địa phương đều có nhiều thí sinh trượt hơn năm trước, kể cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đỗ tốt nghiệp hệ THPT là 97,12%, thấp hơn năm trước trên 1%, hệ bổ túc THPT là 74,59%, giảm gần 18% so với năm trước. Còn địa phương lùm xùm tai tiếng với vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) cũng giảm khoảng 3% so với năm ngoái, hệ bổ túc THPT đạt 87,81%, giảm hơn 10%. Tỉ lệ đỗ của hệ tại chức của tỉnh Điện Biên giảm tới 20%.

mo xe nguyen nhan truot tot nghiep

Hàng năm, sau kì thi, bộ GD&ĐT đều nói "về cơ bản kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế". Tuy nhiên, nhiều năm gần đây báo chí đều đã phát hiện ra tiêu cực trong kì thi này.  Năm nay, bộ GD&ĐT khẳng định công tác thi cử đã nghiêm túc hơn năm ngoái, Bộ cho phép thí sinh mang máy ghi âm ghi hình vào phòng thi để phát hiện thi cử. Chính vì thế mà nhìn vào kết quả thi thấp, dư luận xã hội cho rằng, chính việc coi thi chặt hơn đã khiến cho số người trượt cao hơn.

Trao đổi với PV, thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Dù có một số địa điểm vi phạm quy chế nhưng về cơ bản kì thi năm nay nghiêm túc hơn năm ngoái. Nếu kiên trì, quyết tâm theo hướng lập lại trật tự, kỉ cương trong kỳ thi thì chắc chắn những kỳ thi năm sau sẽ nghiêm túc hơn năm nay. Hiện, Bộ cũng mới có kết quả và tỉ lệ thi tốt nghiệp do các tỉnh gửi về, chưa thể khẳng định là kết quả đó có phản ánh thi nghiêm túc hay không. Bởi lẽ kết quả thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Năng lực của học sinh từng năm, quá trình ôn luyện, đề thi... Công tác coi thi chỉ là một phần trong nhiều nhân tố".

"Toàn ngành sẽ phân tích kì thi năm nay để nghiêm túc rút kinh  nghiệm cho những kì thi sau. Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý tiêu cực và cũng chính điều đó đã khiến kì thi năm nay nghiêm túc hơn", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, để một kì thi mang tính quốc gia như thế này được nghiêm túc thì ngay từ trong năm học phải dạy và học thật tốt, kiểm tra phải nghiêm túc.

Đề thi Địa lý có vấn đề?

Từ thực tế của kết quả thi cho thấy có rất nhiều thí sinh bị "chết" ở môn Địa lý. Nhiều học sinh bị xếp loại tốt nghiệp trung bình, thậm chí trượt tốt nghiệp vì môn này. Từ kết quả chấm thi của một số tỉnh, thành, điển hình là Hà Nội, Tây Ninh, TP.HCM, Địa lý là môn thi có điểm trung bình thấp nhất trong sáu môn thi. Ngay sau khi ra khỏi phòng thi môn Địa lý, theo ghi nhận của PV, nhiều thí sinh đã thở dài lắc đầu ngao ngán. Một thí sinh ở Hà Nội tâm sự: "Bọn em chủ yếu học ba môn ôn thi đại học, còn những môn phụ khác thì không chú trọng nhiều. Mục tiêu của đa số bọn em là đại học chứ không phải là thi tốt nghiệp nên đến khi biết những môn thi tốt nghiệp mới bắt đầu ôn. Trong thời gian ngắn ôn nhiều môn nên có nhiều phần em không nhớ hết".

Em Nguyễn Thị Huệ, học sinh của một trường ở tỉnh Bắc Giang lại cho biết: "Chúng em thấy bốn năm đều thi môn Địa rồi thì năm nay sẽ không thi nữa nên cả năm không học. Đến khi ôn thi thì xác định sẽ có phần câu hỏi về 7 vùng kinh tế, vì hầu như đề thi năm nào cũng có phần ấy, thế nhưng năm nay lại không ra vào phần này".

Bên cạnh nguyên nhân do học sinh không chuẩn bị kĩ bài, nhiều người lại cho rằng xuất phát từ đề thi có vấn đề dẫn đến hàng loạt học sinh "chết rạp" ở môn này.

Theo bạn Huệ: "Khi nhận được đề thi, em cảm thấy đề hay vì có những vấn đề mang tính thời sự như câu hỏi về biển đảo. Mới đọc qua thì cứ tưởng là dễ nhưng đọc kỹ thì xem ra không dễ dù đó là câu hỏi mở. Bên cạnh đó, những câu hỏi về chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ cũng dễ khiến em bị nhầm lẫn. Câu hỏi về biển đảo, bọn em nghĩ rằng là câu hỏi mở thì đáp án cũng mở và có thể viết theo hiểu biết, suy nghĩ của mình nhưng các thầy lại cho rằng chưa chạm được đến ý của đáp án".

Điểm môn Địa lý thấp do nhiều... nguyên nhân

Về đề thi môn Địa lý, ông Nguyễn Vinh Hiển nói: "Việc điểm thi môn địa lý thấp có thể do nhiều nguyên nhân chứ không nên đổ tại đề thi. Tôi đánh giá đây là một đề thi tốt vừa tầm với học sinh, không sai sót, kiểm tra phần kiến thức cơ bản. Trong đề thi có mở gắn với vấn đề thời sự của đất nước cũng được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao. Từ việc học sinh đạt điểm thấp cần phải xem xét các địa phương xem có học đủ chương trình hay không, có tình trạng đến lúc sắp thi mới ôn môn này không".

Kenhtuyensinh: nguoiduatin

Thông tin cần biết:

Danh sách các trường đã công bố tỉ lệ chọi 2013

Tra cứu kết quả thi đại học