Bỏng là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ em, tùy từng mức độ bỏng và tùy nguyên nhân mà có hướng xử trí và điều trị khác nhau. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì thì các bước sơ cứu ban đầu là bước quan trọng để giảm tình trạng nặng do bỏng gây ra.

Mách mẹ cách xử lý khi trẻ bị bỏng - Ảnh 1

Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bị bỏng?

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng

Đa số trẻ bị bỏng đều do nguyên nhân là tiếp xúc với nước sôi gây ra, mặc dù tỷ lệ tử vong do bỏng khá thấp nhưng trẻ có nguy cơ phải chịu nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chức năng vận động và chấn thương tâm lý sau này.

Ngoài nước sôi, một số nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng khác bao gồm:

  • Bỏng lửa, dầu sôi, nước trong bình thủy, canh sôi...
  • Bỏng do trẻ tiếp xúc với các đồ vật nóng hoặc vật có tính phát nhiệt cao như bếp than, lò sưởi, bàn ủi...
  • Bỏng bô, bỏng nhiệt do tiếp xúc với nguồn điện hoặc đứng quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
  • Trẻ cũng có thể bị bỏng do các loại hóa chất như chất tẩy rửa, pin đồng hồ, keo dán sắt...
  • Các bước sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng

Các bước sơ cấp cứu trẻ bị bỏng bao gồm:

  • Xả vết bỏng dưới vòi nước mát
  • Ngay lập tức đặt khu vực bị bỏng trong nước mát (không lạnh) hoặc dưới vòi nước chảy. Giữ vết thương trong nước ít nhất 5 - 15 phút.
  • Không sử dụng nước đá để chườm hoặc áp lên vết bỏng.
  • Cởi bỏ quần áo bị cháy
  • Nếu quần áo bị dính vào da, đừng lột nó ra. Để nó tại chỗ và cắt quần áo xung quanh nó.
  • Che vết bỏng
  • Sử dụng gạc không dính hoặc một miếng vải sạch.
  • Nếu vết bỏng nhẹ, bạn có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh
  • Không bôi bơ, dầu mỡ hoặc bất cứ thứ gì khác lên vết bỏng
  • Giảm đau
  • Sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn cho trẻ nhỏ như Paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần. Gọi bác sĩ nhi khoa trước nếu con bạn chưa bao giờ dùng thuốc này trước đây.
  • Bạn có thể điều trị bỏng tại nhà với độ nhẹ - vết bỏng trông giống như bị cháy nắng. Bỏng độ hai hoặc độ ba cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ không chắc con bạn bị bỏng ở mức độ nào nên hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau sơ cứu ban đầu để các bác sĩ đánh giá mức độ bỏng và đưa ra hướng điều trị cho con bạn.

2. Hướng dẫn sơ cứu vết thương khi trẻ bị bỏng theo từng nguyên nhân.

2.1. Bé bị bỏng pô xe máy:

– Ngay lập tức, làm mát vùng da bị bỏng, bằng cách đặt vết bỏng dưới vòi nước (hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng), trong vài phút.

– Nếu có sẵn, nên bôi phủ vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị để làm dịu và giúp vết bỏng mau lành.

– Băng lại bằng gạc sạch. Thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp bé đỡ đau hơn.

– Thay băng sau 24 giờ và sau đó mỗi 2–3 ngày. Rửa vết thương bằng nước muối, bôi thuốc mỡ đặc trị phủ kín vết bỏng và băng lại bằng gạc sạch.

– Không nên chọc vỡ bóng nước, bôi đắp các loại thuốc không rõ (vì sẽ làm chậm lành vết thương và thêm nguy cơ nhiễm trùng).

– Đưa bé đến cơ sở y tế, nếu trong quá trình chăm sóc tại nhà, có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng, như da bị đỏ lên hoặc mất màu ở vùng da bình thường quanh vết bỏng, vết bỏng có mùi hôi làm bé đau hơn, vết bỏng sưng nhiều, bé sốt hoặc kèm ớn lạnh.

2.2. Bé bị bỏng lửa, nước sôi:

Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

– Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

– Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

– Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

– An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

– Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

2.3. Nếu quần áo trẻ bị cháy

Nếu quần áo trẻ bị bắt lửa, điều trước tiên là phải giữ yên trẻ. Bất cứ sự chuyển động nào cũng sẽ làm ngọn lửa đáng sợ hơn.

Chặn bé lại, không để bé hốt hoảng chạy quanh vì như thế sẽ thổi bừng ngọn lửa. Đặt bé nằm trên sàn, phần bị bỏng ở phía trên.

Bọc bé trong một cái áo hay một tấm mền thô dày bằng len dạ để dập lửa. Đừng bao giờ dùng hàng nilon vì nó dễ bắt lửa.

Lăn bé trên sàn nhà để ngọn lửa tắt hẳn. Dội nước hoặc chất lỏng không bắt lửa, nếu có, lên người bé.

Lưu ý: Không cởi đồ bé ra. Quần áo có thể dính sát vào da, cởi quần áo sẽ càng gây tổn thương nhiều hơn.

Điều quan trọng là cần phòng tránh nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò,… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý. Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý như để bếp lò phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần.

Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ.

2.4. Khi bị bỏng ở mặt, điều đầu tiên là phải làm gì?

Dù bị bỏng do bất kỳ tác nhân nào: axít, tia lửa điện, hơi nóng, nước sôi… cũng phải ngay lập tức phải làm dịu vết thương (hạn chế bỏng sâu thêm) bằng cách dùng nước mát ngâm, xối ngay vào phần bị bỏng. Công đoạn này xử lý càng sớm, nhanh vết bỏng càng đỡ bị phù nề, biến dạng và ít để lại di chứng, thậm chí nhờ xối, ngâm nước lạnh kịp thời nhiều vết bỏng mặt có thể từ thể sâu chuyển sang nông.

Trong trường hợp cần thiết nếu không có sẵn nước sạch vẫn có thể dùng nước hồ, ao, ruộng… làm mát vết thương bởi lúc này yếu tố nhiễm trùng chỉ là thứ yếu so với việc hạn chế độ sâu của vết bỏng. Rất nhiều trường hợp, người bị bỏng loay hoay tìm được nước sạch thì vết bỏng đã bị để quá lâu và nước mát, sạch không còn tác dụng nữa

2.5. Bỏng hóa chất ở mắt

Hóa chất tình cờ văng vào mắt có thể gây ra tổn thương hoặc thậm chí là mù mắt. Trẻ sẽ rất đau mắt, mắt sẽ đỏ lên và chảy nước. Trẻ cũng sẽ thấy khó mở mắt ra được. Bạn không được để trẻ dụi hoặc chạm vào mắt, để tránh hóa chất lan qua chỗ khác trên mặt.

Lập tức rửa sạch hóa chất. Giữ đầu bé cúi trên một cái chậu, mắt không bị thương nằm trên và mở vòi nước lạnh dội qua mắt bị đau trong 20 phút. Mang găng tay cao su để tránh dính phải hóa chất. Nếu khó giữ đầu bé cúi trên chậu, hãy lấy bình nước xối qua mắt bé.

2.6. Khi mắt bé đã rửa kỹ, đắp một miếng khăn sạch.

Sau khi sơ cứu, nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được rửa mắt bằng các dung dịch đặc biệt, nhằm đảm bảo không còn hoá chất kết dư trong mắt.

Khi đưa bệnh nhân tới viện, người nhà cũng nên mang theo chai lọ và nhãn mác dung dịch, hoá chất gây chấn thương đến bệnh viện để bác sĩ nhận biết nhanh được loại hoá chất gây bỏng và có hướng xử trí nhanh nhất.

2.7. Bỏng do điện giật:

Bỏng do dòng điện chia thành 2 nhóm: do luồng điện có hiệu điện thế thông dụng (1000V). Sét đánh cũng gây bỏng do luồng điện có hiệu điện thế cao.

Cha mẹ phải cắt ngay nguồn điện, dùng cây gỗ để gạt bỏ dây điện, kéo bé ra xa nguồn điện.

Nếu bé bất tỉnh, khai thông đường thở, và chuẩn bị hô hấp nhân tạo theo từng độ tuổi.

Làm mát vết bỏng bằng cách giữ vùng bị thương ít nhất 10 phút dưới nước lạnh đang chảy.

Đắp lên vết thương bằng vải sạch không đổ lông hoặc một túi nilon sạch, rồi dán yên vị nó.

Lưu ý ngăn ngừa các tai nạn về điện

Đậy các ổ cắm thật an toàn và kiểm tra dây, thay cầu chì thích hợp.

Kiểm tra để thay dổ điện bị hư mòn và đảm bảo lõi đồng không bị hở ra ngoài.

Lắp nắp đậy vào những ổ cắm không dùng nữa.

Không kéo dây điện ở những nơi trẻ có thể với tới hoặc ngã vào.

Lắp thiết bị ngắt mạch.

Hãy dạy trẻ không nên nghịch ngợm hay sờ mó dây điện hoặc các ổ điện…

2.8. Bỏng nắng

Da trẻ rất nhạy cảm với các tia cực tím có hại, và phơi nắng quá nhiều lúc còn nhỏ làm tăng nguy cơ ưng thư da về sau. Bỏng nắng trên vùng rộng có thể nguy hiểm.

Đưa bé vào chỗ râm mát hoặc phòng lạnh. Cho bé uống nước mát.

Làm dịu những vùng da bị bỏng đỏ bằng thuốc bôi ngoài da calamine hoặc kem thoa sau khi đi nắng.

Không để bé tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp ít nhất 48 tiếng.

Nếu bé bị rộp da hoặc có dấu hiệu say nắng hãy gọi bác sĩ.

Lưu ý:

Hỏi bác sĩ ngay nếu sau khi bị bỏng nắng trẻ bị sốt, da khô, và trông bối rối thẫn thờ. Trẻ có thể bị say nắng, một tình trạng nguy cấp.

3. Các cấp độ bỏng ở trẻ

Trẻ bị bỏng có thể chia làm 3 cấp độ là bỏng cấp độ 1, 2, 3 và tùy thuộc vào mức độ tổn thương da của trẻ. Tất cả các dạng bỏng đều cần được sơ cứu đúng cách nhằm tránh vết thương lan rộng và sâu vào tận bên trong các mô và biểu bì dưới da:

Bỏng cấp độ 1

Đây là mức độ trẻ bị bỏng nhẹ nhất, vết bỏng chỉ giới hạn một phần nhỏ ở lớp da trên cùng.

Dấu hiệu: Da tấy đỏ, có cảm giác đau và sưng nhẹ. Da vẫn khô và chưa bị phồng rộp

Thời gian lành thương: Trẻ bị bỏng nhẹ có thể lành lại sau 3 – 6 ngày. Lớp da mới sẽ tái sinh trên nền phần da bị lột ra trong vòng 1 – 2 ngày.

Bỏng cấp độ 2

Đây là tình trạng bé bị bỏng nghiêm trọng hơn và lan sâu vào phần bên dưới lớp da trên cùng.

Dấu hiệu: Vết bỏng khiến da bị phồng rộp, tấy đỏ, rát và vô cùng đau nhức. Vết phồng rộp có chứa dịch bên trong đôi khi bị vỡ ra, để lộ phần da màu hồng nhạt hoặc màu đỏ cherry.

Thời gian hồi phục: Thời gian lành thương ở mỗi bé khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng, thông thường là 3 tuần hoặc hơn.

Bỏng cấp độ 3

Trẻ bị phỏng cấp độ 3 là mức độ nghiêm trọng nhất, làm tổn thương vào sâu bên trong da xuống dưới các lớp tế bào biểu bì dưới da.

Dấu hiệu: Bề mặt da khô, trông như sáp màu trắng, nâu hoặc đậm hơn. Ban đầu có thể cảm thấy không đau hoặc tê ở khu vực bỏng nghiêm trọng.

Thời gian hồi phục: Phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở da. Trẻ bị bỏng cấp độ 3 cần được điều trị đặc biệt với nhiều dụng cụ y tế và kỹ thuật chuyên sâu như ghép da để có thể khôi phục làn da khỏe mạnh.

4. Phòng ngừa bỏng ở trẻ

Không phải lúc nào bạn cũng có thể bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn và tổn thương mọi lúc mọi nơi nhưng những biện pháp đơn giản sau sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ trẻ bị bỏng khi ở nhà:

  • Để hộp quẹt, hóa chất, nến, keo dán sắt… cách xa tầm tay trẻ em
  • Để các thiết bị, đồ dùng điện tử ở nơi an toàn cho trẻ
  • Kiểm tra đường dây điện, loại bỏ những dây điện, tay cầm, phích cắm bị cũ, hỏng…
  • Đảm bảo trẻ lớn biết cách để sử dụng an toàn bàn ủi
  • Cẩn thận khi để trẻ nhỏ tắm bồn, tắm nước nóng lạnh
  • Không để trẻ nhỏ sử dụng xe tập đi trong khu vực bếp
  • Làm đế giữ chân bình thủy đề phòng ngã đổ
  • Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, không mang bé ra ngoài trời nắng
  • Bảo quản, cất giữ các chất tẩy rửa an toàn trên cao
  • Thử nước trước khi cho bé tắm nước ấm.

Cho bé tập bơi lúc mấy tuổi là hiệu quả nhất?

Cho trẻ đi xe đạp như thế nào để hiệu quả?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp