>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2014 bắt đầu "nóng" khi thí sinh bước vào giai đoạn lựa chọn trường đăng ký tuyển sinh. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang gây băn khoăn cho các thí sinh là việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) chưa xác định được tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế cho một tiêu chí duy nhất là điểm sàn như những năm vừa qua.

Trước đây, khi Bộ GD và ÐT ban hành quy chế, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh đã nắm rõ tiêu chí tuyển sinh đầu vào của các trường ÐH, tối thiểu từ điểm sàn trở lên.

5 phương án thay thế điểm sàn đại học, cao đẳng 2014

5 phương án thay thế điểm sàn đại học, cao đẳng 2014

Thực tế cho thấy, việc đưa điểm sàn là tiêu chí duy nhất xác định ngưỡng chất lượng đầu vào để tuyển sinh còn có nhiều bất cập. Theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ÐH, CÐ ngoài công lập) việc kiểm soát chất lượng đầu vào thông qua điểm sàn thì trường "tốp trên", trường trọng điểm vẫn có quyền tuyển cả thí sinh chỉ đạt điểm sàn, điều đó dẫn đến các trường "yếu thế" hơn như trường "tốp dưới", mới thành lập, trường ngoài công lập cạn kiệt nguồn tuyển. Mặt khác, theo một số chuyên gia giáo dục, mỗi ngành có một đặc thù và yêu cầu riêng đối với môn học. Việc "cào bằng" các môn thi theo khối thi của tiêu chí điểm sàn sẽ khiến thí sinh giỏi môn học mà ngành tuyển sinh yêu cầu lại không trúng tuyển. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam từng lấy thí dụ, có thí sinh dự thi vào ngành Vật lý được 15 điểm đạt điểm sàn thì đỗ, nhưng môn Vật lý chỉ được bốn điểm. Trong khi đó, có thí sinh được 14,5 điểm nhưng môn Vật lý được bảy điểm, vẫn trượt. Bộ GD và ÐT thừa nhận: việc lấy điểm sàn là tiêu chí duy nhất để tuyển đầu vào như những năm trước đây có nhiều bất cập, không bảo đảm công bằng, không phù hợp yêu cầu tuyển sinh, đào tạo của từng ngành, nghề riêng biệt. Vì vậy, năm 2014, Bộ GD và ÐT tiến hành xây dựng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế tiêu chí duy nhất là điểm sàn như trước đây.

5 phương án thay thế điểm sàn đại học, cao đẳng 2014

Bộ GD và ÐT đang lấy ý kiến đóng góp của các trường ÐH, CÐ trong cả nước, các chuyên gia... vào dự thảo năm phương án xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế tiêu chí duy nhất là điểm sàn.

Phương án một, sẽ phân tầng theo tổng điểm ba môn thi với các tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển là: Ðiểm sàn tính theo tổng điểm ba môn thi của từng khối thi và điểm môn ưu tiên tính theo ngành đào tạo.

Phương án hai, sẽ phân nhóm với tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển là: Tổng điểm ba môn thi theo khối thi được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm của từng môn thi trong khối thi và ngưỡng điểm đối với môn chính của từng ngành.

Phương án ba, kết hợp ngưỡng chất lượng theo khối thi và môn thi với tiêu chí bảo đảm chất lượng là: Ðiểm sàn và điểm thi tối thiểu theo môn thi tương ứng với ngành đào tạo được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm từng môn thi.

Phương án bốn, tính theo đặc thù vùng miền chia khu vực tuyển sinh (miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ, Tây Nam Bộ) và thống kê điểm của thí sinh vào trường trong khu vực theo khối thi, chia nhóm kết quả theo từng khối thi.

Phương án năm, xác định theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị chia phổ điểm ba môn thi thành bốn mức 25%, 50%, 65% và 80%; đợt xét tuyển thứ nhất các trường ÐH ưu tiên gọi thí sinh trong nhóm 25%, đợt hai nhóm 50% và 65% nhưng thí sinh phải học bổ sung kiến thức sáu tháng và nhóm 80% dành cho các trường CÐ tuyển sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, chủ trương xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế cho tiêu chí duy nhất là điểm sàn được Bộ GD và ÐT triển khai và công bố từ lâu. Ngày 11-3, Bộ GD và ÐT đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy năm 2014. Theo quy định của Bộ GD và ÐT, ngày 17-3, thí sinh nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh theo hệ thống của sở GD và ÐT.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD và ÐT vẫn loay hoay với việc xác định điểm sàn và các tiêu chí bảo đảm chất lượng như thế nào, ảnh hưởng đến tâm lý, tác động đáng kể đến việc lựa chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh của thí sinh. Bởi vì khi xác định đăng ký tuyển sinh vào ngành nghề đào tạo của trường ÐH, CÐ nào đó, thí sinh phải dựa theo năng lực học tập, khả năng tài chính của bản thân, gia đình mình và điều kiện tuyển sinh của các trường. Các trường ÐH, CÐ gặp khó khăn khi phổ biến công tác tuyển sinh, xác định tiêu chí đầu vào. Bộ GD và ÐT đưa ra năm phương án dự kiến như kể trên khá rắc rối và khó hiểu, càng gây nên những bất cập trong công tác tuyển sinh. Ðiều quan trọng là phương án xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào cần ngắn gọn, dễ hiểu, bảo đảm công bằng cũng như bảo đảm tốt nguồn tuyển của các trường. Bộ GD và ÐT cần hoàn thiện và sớm công khai các tiêu chí xác định chất lượng nguồn tuyển đầu vào để công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt.

Theo báo Nhân dân