Tin liên quan
>> Trận chiến chống lạm thu chỉ là trên giấy
>> Học phí tăng nhanh hơn tiền chợ
>> Trường vẫn lạm thu dù có quy định rõ ràng từ bộ giáo dục
Cứ đầu năm học, các quý vị phụ huynh thêm một lần còng lưng chịu đựng nhiều khoản phí "vô tội" vạ. Điều đáng lo ngại, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Một số phụ huynh hài hước cho rằng, "lạm thu" trước giờ đã thành "loạn thu"... Nhiều người tỏ ra "bất bình" trước tình trạng này nhưng cuối cùng vẫn "ngậm bồ hòn" vì một nhẽ "qua sông thì phải lụỵ đò".
Điệp khúc... tiền
Ngay từ đầu năm học mới, để giảm tải chi phí đóng góp cho phụ huynh học sinh, Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội đã có quyết định giảm học phí "bất ngờ" khiến nhiều phụ huynh và học sinh khấp khởi mừng thầm. Trong quyết định giảm học phí, trong năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục Hà Nội có thể "tự hào" về mức học phí thấp. Theo quy định mới, 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội chỉ phải đóng học phí theo mức 20.000 đồng/tháng/HS vùng nông thôn và 40.000 đồng/tháng/HS khu vực thành thị.
Nếu chỉ nhìn vào quyết định mức học phí áp dụng vào năm học trên sẽ không ít phụ huynh khấp khởi mừng thầm. Nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn thành phố vẫn "kêu như vạc" vì khoản thu của con em mình. Thực tế số tiền mà họ móc túi để đóng cho con em mình lớn gấp nhiều lần quy định cho phép.
Tâm sự với PV, chị Nguyễn Thị Vân, một phụ huynh có con đang học trường THCS ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Riêng khoản quỹ phụ huynh tạm thời mà chị đóng cho cháu đã là 500.000 đồng/học kỳ 1. Ngoài ra còn nhiều khoản tiền khác để nâng cấp hiện đại phòng học (lắp điều hoà, mua ti vi mới). Tổng cộng số tiền mà chị phải đóng lên đến 1.400.000 đồng".
Cùng chung cảnh ngộ với chị Vân, chị Nga có con học quận Ba Đình (Hà Nội) cũng bày tỏ, khoản tiền mà chị đóng không dưới 1 triệu đồng cho con chị đầu năm học mới. Chị liệt kê các khoản phải đóng để chứng minh điều mình nói, quỹ phụ huynh, quỹ khuyến học và các khoản thu phụ khác (tiền vệ sinh, tiền bảo vệ...).
Tình trạng này không chỉ diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác. Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, không chỉ các cấp học ở Hà Nội, nhiều khoản thu "tự nguyện" cũng được một số trường tại TP Hồ Chí Minh áp dụng để "móc túi" phụ huynh học sinh. Năm ngoái, phụ huynh vừa đóng tiền cho con em học lớp có máy tính nghe ngoại ngữ hoặc tiền mua máy điều hòa, thì năm nay lại thêm tiền mua máy chiếu, mua bảng học tương tác... Một số trường còn "sáng tạo" ra một loại phí rất khó hiểu gọi là phí quản nhiệm, được lý giải là để sử dụng vào công tác quản lý học sinh? Thậm chí có trường còn đưa ra quy định gây khó hiểu, bắt buộc học sinh đồng phục từ quần áo đến vở. Phụ huynh có con em học ở trường này chỉ có cách đến trường sắm sữa cho con để vào năm học mới.
Nhiều phụ huynh thắc mắc, theo quy định, không bắt buộc phải đóng tiền quỹ cha mẹ học sinh nhưng thực tế năm nào cũng phải đóng. "Năm trước 200 nghìn, năm sau đã thấy tăng lên 300 nghìn, thắc mắc thì Hội trưởng hội phụ huynh bảo, năm nay trượt giá nên phải tăng. Sắp tới, lại phải đóng thêm 200 nghìn đồng để nhà trường trang bị điều hòa không khí cho các phòng học. Sắp tới mùa đông rồi còn trang bị điều hòa gì nữa", một phụ huynh tại Quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) bức xúc.
Cùng chung nỗi niềm, một phụ huynh có con đang theo học Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP Hồ Chí Minh) phân trần: "Cháu nhà tôi học tiểu học mà tốn kém ngang với anh nó học đại học. Không hiểu tại sao đã đóng tiền cơ sở vật chất cho trường rồi lại phải thêm cả tiền hỗ trợ bàn ghế mỗi năm hơn 900 nghìn đồng… Trường lúc nào cũng tuyên bố, đóng góp xây dựng trường là "tự nguyện", không bắt ép, nhưng thực tế gần như bắt buộc. Muôn vàn lý do được đưa ra và nói chung nghe đều "lọt lỗ tai", kiểu như mức học phí hiện nay quá lạc hậu, hay tất cả vì tương lai con em chúng ta...".
Phụ huynh vẫn nín thở "sang sông"
Để quản lý tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã tiến hành những biện pháp để thiết chặt tình hình loạn thu như hiện nay. Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản quy định bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hoá đóng góp đối với phụ huynh HS là vi phạm pháp luật. Quá trình quản lý và sử dụng phải quán triệt các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai, minh bạch. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu để cha mẹ HS biết.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn, từ đầu năm học sở đã chỉ đạo các trường học thực hiện đúng các khoản thu theo quy định. Việc đóng góp của phụ huynh học sinh để chung tay xây dựng cơ sở vật chất khang trang, nâng cao chất lượng giáo dục cho chính con em mình là cần thiết nhưng không bắt buộc. Các trường không được tùy tiện quy định các khoản thu này.
Trên thực tế dù văn bản chỉ đạo của sở đã được ban hành nhưng tình hình "lạm thu" vẫn diễn ra phổ biến. Để tránh bị thanh tra "tóm" các trường đã "thích nghi" bằng cách thông báo "truyền miệng". Cô giáo chủ nhiệm sẽ thông báo với ban phụ huynh, ban phụ huynh bàn bạc và nộp tiền. Trước thực trạng "loạn phí, loạn thu" ở các trường phổ thông hiện nay, PGS Văn Như Cương đã bày tỏ quan điểm: "Vấn đề "lạm thu" trở thành vấn đề "đến hẹn lại lên" của ngành giáo dục nước ta trong những năm qua, tuy nhiên ngành giáo dục gần như... "bất lực". Điểm bất cập của ngành giáo dục mà theo PGS Cương xuất phát từ công tác quản lý giáo dục hiện nay.
Theo PGS Cương, dù Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu, chi đầu năm học, tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn ra như "chuyện thường ngày". Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, rất ít cơ sở giáo dục bị xử lý kỷ luật do lạm thu. Nhà trường gần như vô can, trách nhiệm được "đá" sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh? Việc thanh tra, giám sát phát hiện tình trạng lạm thu trong nhà trường không hề khó.
TS. Lê Đông Phương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đại học và Nghề nghiệp cho rằng: "Mức thu học phí 40.000 đồng/tháng/HS ở trung tâm và 20.000đồng/tháng/người ngoại thành của Sở GD&ĐT Hà Nội đã được bàn bạc kỹ lưỡng. Các trường ngoài khoản đóng góp của học sinh còn được thành phố hỗ trợ tiền để hoạt động nên khoản học phí trên là hợp lý". TS Phưong phân tích, nguyên nhân của lạm thu là bắt nguồn từ việc các trường mong muốn có thêm nguồn kinh phí để hoạt động. "Chừng nào mà vấn đề minh bạch tài chính chưa được giải quyết thì chừng đó còn tái diễn tình trạng lạm thu", chuyên gia này nhấn mạnh.
Chốt lại câu chuyện lạm thu, PGS Văn Như Cương cho rằng, các khoản thu xã hội hóa trong điều kiện ngân sách nhà nước không đủ đầu tư để thoả mãn nhu cầu học tập của học sinh. Nâng chất lượng giáo dục, phương tiện học tập là cần thiết nhưng phải làm sao để không có chuyện bỏ túi riêng hay tự nguyện kiểu bắt buộc. "Tôi nghĩ phần lớn các nhà giáo cũng chỉ mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp hiệu trưởng lợi dụng chính sách xã hội hóa để tư lợi. Bởi vậy, chính sách này vẫn cần có quy định chặt chẽ hơn", PGS Cương khẳng định.
“Định hướng” bằng gợi ý... “tự nguyện”
Điều nghịch lý là tình trạng lạm thu chủ yếu xảy ra ở các trường lớn, trường điểm, trường có đông học sinh (vốn đã có nhiều kinh phí hoạt động) chứ ít diễn ra ở trường nhỏ, trường ngoại thành, trường vùng sâu vùng xa... Nhiều trường học tự đề ra các khoản thu phi lý lên tới hàng triệu đồng, bằng nhiều phương thức "luồn lách" khác nhau. Các khoản lạm thu từ "gợi ý" của nhà trường được gọi là "tự nguyện", nhưng vì những điều "tế nhị" trong việc học tập của con em mình cho nên nhiều phụ huynh dù có bức xúc đến mấy cũng không thể từ chối. Nhiều khoản thu tiếng là thông qua Ban đại diện phụ huynh nhưng việc bầu ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là hình thức; nhiều nơi chủ yếu do "định hướng" của nhà trường.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (Nguoiduatin)