Tin liên quan
>> Không bỏ được lạm thu do qui định phá rào của Bộ GD
>> Lại chuyện dạy thêm học thêm, lạm thu và mở trường tràn lan
Mặc dù ngành giáo dục đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu các trường phải đặc biệt lưu ý khi triển khai việc thu, chi dịp đầu năm học; qui định rõ đâu là khoản thu hộ, thu theo thoả thuận, thu tự nguyện… cùng những khoản không phải đóng góp trong năm học tới, song nhiều trường đã mượn danh nghĩa “thỏa thuận”, “tự nguyện” để thu nhiều, thu sai quy định, gây bức xúc cho phụ huynh...
Từ băn khoăn, lo lắng đến… ám ảnh
Những khoản chi dài dằng dặc mùa tựu trường đang là nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh trên địa bàn Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Tôi có 2 con đang theo học lớp 3 và lớp 5. Mỗi dịp đầu năm học, nghĩ đến chuyện đóng tiền học cho con là thấy ớn".
"Năm học 2011-2012, vào đầu năm học đóng một lúc 5 triệu đồng/2 cháu, gồm các khoản: cơ sở vật chất, quĩ lớp, quĩ phụ huynh, bảo hiểm, bán trú, vệ sinh, nước uống, tiền điện điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị ban đầu… Năm nay, nhà trường đang "dự định" nhiều phương án cải tạo, nâng cấp nên chắc chắn khoản thu sẽ cao hơn. Nhà giàu, đóng góp một hai triệu không sao, người nghèo như chúng tôi, một hai trăm nghìn nhìn vào đâu cũng khó”, chị Hà nói.
Nỗi “ám ảnh” trước thềm năm học mới là “căn bệnh” chung của hầu hết phụ huynh. Có phụ huynh phải chuyển trường nhiều lần cho con chỉ vì khoản tiền trường. Chị Hằng nhà ở tập thể Nam Đồng (Hà Nội), kể: “Năm ngoái, không đủ sức xin học trường công gần nhà, đành cho con học tư thục. Cả hai vợ chồng tháng nào cũng lo phát sốt đủ thứ tiền học, tiền ăn cho con, nay trường nâng học phí đến trên 30%, đành ngậm ngùi xin cho con ra".
“Gồng mình” xin học cho con vào trường công, chị Hằng đinh ninh “gánh nặng tiền trường” cũng đỡ đi. "Ai dè mới đầu năm học, ban đại diện phụ huynh đã thông báo phải đóng tiền mua máy điều hòa, thay rèm cửa, tiền thuê bảo vệ và dọn vệ sinh, tiền đồng phục, mua sách giáo khoa... Trong đó có những khoản thỏa thuận nhưng ai có con học đều phải nộp. Chưa kể vào năm học chính thức, tiền trường còn nhiều khoản nữa. Thu nhập của hai vợ chồng tôi cộng lại một tháng gần 5 triệu đồng, tính cả tiền làm thêm của chồng. Giờ chỉ riêng tiền nộp đợt 1 cho con đầu năm tính sơ sơ đã hết hơn 3 triệu”, chị Hằng lo lắng.
Đơn "xin cho con được học lớp có điều hòa”
Chị Hậu, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Năm nay bé nhà tôi vào học lớp lá, đã 3 năm rồi cứ vào đầu năm học mới tôi cũng phải đóng tiền để thầy cô mua máy điều hòa và trang thiết bị dạy học. Năm nay trong ngày đi học đầu tiên của cháu, cô chủ nhiệm phát cho tôi một tờ đơn “xin cho con được học lớp có điều hòa” và lại phải đóng tiền mua máy điều hòa. 3 năm 3 lần mua điều hòa, nhà trường thật biết cách móc hầu bao của phụ huynh…”.
Anh Lâm (Khương Đình, Hà Nội) cho con học trường mẫu giáo công lập gần nhà. Niềm vui xin được cho con vào một trường mẫu giáo công, lại đúng tuyến chưa lâu, nay đã trở thành nỗi lo mới. Tiền học phí, tiền ăn, tiền xây dựng, tiền quỹ, tiền mua điều hòa, máy lọc nước... thôi thì đủ các thứ tiền khiến vợ chồng anh phải đau đầu. “Cầm tấm giấy ghi các khoản thu của trường trên tay, mà tôi... choáng. Cho con đi học trường công còn đắt thế này. Tiền điều hòa đã tốn gần 1.000.000 đồng, tiền quỹ phụ huynh 200.000 đồng... chỉ riêng mấy thứ tiền vặt đó cũng đủ chết".
Điều làm anh bức xúc nhất là việc các khoản thu, nhất là khoản thu tiền điều hòa không rõ ràng. “Năm trước, con gái lớn của tôi đi học mẫu giáo lớn ở đây, các cô cũng phát động thu tiền lắp điều hòa, mỗi cháu đã đóng 1.000.000 đồng rồi. Điều hòa cũng mua rồi, nhưng năm nay, lớp học sinh mới lại phải đóng tiền mua điều hòa tiếp, tôi không hiểu chỉ có bằng đấy cái điều hòa, mà năm học nào các cháu cũng phải đóng tiền mua sao? Tôi còn có chị bạn cho con học ở 1 trường mầm non trên đường Thái Thịnh kể, chị còn phải đóng 30.000 đồng/tháng để được... dựng xe trong sân trường khi đến giờ đón con”.
Đơn xin học phòng điều hòa của một trường mầm non tại Gia Lâm phát cho phụ huynh học sinh
Từ chối đóng góp nếu thấy không hợp lý
Để giảm áp lực cho phụ huynh, đồng thời tránh tình trạng lạm thu đầu năm học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tăng cường quản lí thu chi trong các trường học, trong đó nêu rõ những khoản thu bắt buộc, các khoản thu thỏa thuận... Đối với các trường công lập, thực hiện thu chi học phí theo các quyết định thu, chi học phí của từng địa phương ban hành trước khi hợp nhất.
Các trường tuyệt đối không được thu tiền đóng góp xây dựng trường. Đối với khoản thu bảo hiểm thân thể, không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu bởi đây là khoản thu tự nguyện, cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn loại hình bảo hiểm. Với các khoản thu thỏa thuận, nhà trường phải công khai, có văn bản thoả thuận tới từng cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong ban giám hiệu nhà trường; không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học.
Đối với đóng góp kinh phí của cha mẹ học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh, phải theo nguyên tắc tự nguyện, cha mẹ học sinh có quyền từ chối đóng góp nếu thấy không hợp lý. Riêng đối với các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập, được tự quyết định mức thu học phí, phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học và dự kiến cả khoá học. Đối với những khoản thu để chi cho công tác bảo vệ, vệ sinh, an ninh, trông giữ xe đạp... các trường tự cân đối trong nguồn kinh phí được giao, tuyệt đối không được thu của học sinh. Những khoản thu sai qui định phải trả lại học sinh và hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lí cấp trên về các khoản thu chi trong nhà trường.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh ( VietQ)