Càng đến gần mùa tuyển sinh, lãnh đạo các trường ngoài công lập (NCL) như “ngồi trên đống lửa”. Nguy cơ thiếu thí sinh dẫn đến phải đóng cửa chẳng khác nào cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu các trường này.

Nguy cơ khó tuyển sinh không trách khỏi

Những con số ảm đạm trong mùa tuyển sinh năm 2012 đã báo hiệu sự đóng cửa nhiều trường ngoài công lập. Năm qua, không ít trường chỉ đạt 10%-20% chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên, như trường ĐH Quốc tế B.H dù có 500 chỉ tiêu ĐH và 100 chỉ tiêu CĐ song chỉ có gần 40 thí sinh nhập học. Do không đạt chỉ tiêu, không đủ số lượng sinh viên để mở lớp nên nhiều trường đã phải trả lại hồ sơ cho học viên và giải thể một số ngành học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trong số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi đại học, trong đó có 30% đạt điểm sàn hầu hết đều chọn trường công lập, số rất ít còn lại tìm đến các trường NCL. Do đó, để thu hút sinh viên các trường NCL phải ồ ạt tung ra các “chiêu” như giảm học phí 20% trong năm học đầu tiên, tặng học bổng cho những sinh viên có điểm đầu vào cao nhất, thậm chí còn thuê người bám trụ ở các cổng trường PTTH để tiếp thị và rải tờ rơi... Trước nguy cơ phá sản, có trường ngoài công lập còn “nhắm mắt làm liều”, tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện, vi phạm quy định nên bị xử phạt. Ngoài ra, sự ra đời, nâng cấp của một loạt các trường công lập thời gian qua cũng là lý do khiến các trường NCL lao đao.

Anh Lê Phương ở phường Quảng An, quận Tây Hồ - một phụ huynh có con đang học tại một trường ĐH ngoài công lập cho biết, ngay từ khi con anh học lớp 12, trường đã  cho nhân viên hàng ngày đến tiếp thị tại cổng trường PTTH, xin số điện thoại của gia đình, gọi điện liên lục và vẽ ra viễn cảnh vô cùng tươi sáng đối với các em: “Môi trường học tập hiện đại vào bậc nhất”, “Nhiều chính sách ưu đãi về học phí, học bổng”, “Cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”... Bùi tai, anh Phương quyết định cho con theo học ở trường này và qua hơn 1 năm, trong anh chỉ còn lại nỗi thất vọng. Anh Phương than thở: “Phòng học chật chội, nóng bức, lèo tèo vài cái quạt chạy lờ đờ. Bàn ghế thì cũ nát, phương tiện dạy và học hầu như chẳng có gì, địa điểm học tập không ổn định. Đến tôi còn thấy chán nữa là các cháu”.

Trong khi các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đã khó thì với các trường trung cấp chuyên nghiệp còn khó khăn hơn nhiều.  Với các thí sinh, yếu tố khiến họ quyết định vào trường nào chính là thương hiệu và mức học phí của trường đó. Ưu thế này hoàn toàn thuộc về các trường công lập bởi học phí của trường công luôn thấp hơn trường NCL khá nhiều.

Đâu là lối ra cho trường ngoài công lập?

Một lý do nữa khiến các trường NCL bị “mất điểm” là cách làm ăn kiểu chụp giật, thời vụ của một số trường. Việc thành lập một cách vội vã khi chưa có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu nhưng đã lao vào đào tạo các ngành “hot” như  kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh... đã dẫn đến tình trạng cho ra lò hàng loạt sinh viên yếu về chất nhưng lại thừa về lượng. Hiện mới có rất ít trường NCL có cơ sở vật chất khang trang còn hầu hết là phải đi thuê, mượn địa điểm. Lỗi này rõ ràng không chỉ thuộc về bản thân các trường mà còn do đơn vị quản lý đã buông lỏng việc cấp phép.

Tuy vậy, thời gian qua đã có một số trường NCL đã xây dựng được thương hiệu khá vững chắc như trường ĐH FPT, trường ĐHDL Thăng Long, ĐH Duy Tân…GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, củng cố cơ sở vật chất chính là biện pháp quan trọng để các trường NCL tự cứu lấy mình. Ngoài ra, các trường phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động trong nước để tổ chức đào tạo một cách hợp lý.

Sự dễ dãi trong thẩm định và cấp phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ đã đẩy nhiều trường ngoài công lập bước vào giai đoạn khủng hoảng. Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL (gồm trên 80 thành viên) đã gửi kiến nghị lên Chính phủ về nguy cơ giải thể của các trường này. Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ GD-ĐT về nhiều vấn đề liên quan nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Để cứu lấy các trường NCL, nhiều ý kiến đã được đưa ra như nên có hai loại điểm sàn, bỏ kỳ thi “ba chung” để các trường tự tuyển sinh… Song, những đề nghị này chưa được chấp thuận do thiếu cơ sở khoa học và thực tế.

Theo Bộ GD-ĐT, để định hướng hoạt động của các trường NCL, Bộ đang gấp rút triển khai soạn thảo Quy chế hoạt động của trường ĐH, CĐ tư thục phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Đại học. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh ở một số trường bởi số lượng trường đào tạo các ngành này đã vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Mới đây nhất, ngày 4-4, trước kiến nghị của một số trường NCL về vấn đề điểm sàn,  Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 phương án dự kiến điểm sàn cho kỳ tuyển sinh 2013 song vẫn chưa được sự đồng thuận của khối các  trường này.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Thăng Long, trường công có ưu thế hơn hẳn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động lại được nhân dân tin tưởng… Còn với các trường NCL, họ phải tự lo về mọi mặt và trên thực tế, để tồn tại, bản thân các trường này đã phải nỗ lực hết sức mình vì ngoài áp lực phải nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên và sinh viên, họ còn phải lo cho đời sống của cán bộ công nhân viên trong trường. Do đó, theo ông, để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần thể hiện rõ quan điểm có nên để hệ thống các trường NCL phát triển nữa hay không. Nếu có thì cần có ngay các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ cấp bách. Còn nếu cứ bàn bạc, tranh luận xung quanh vấn đề điểm sàn thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

 

Bạn có biết:

Trách nhiệm với trường ngoài công lập thuộc về ai

Tuyển sinh 2013: Bộ có cứu trường ngoài công lập bằng mọi giá?

Bộ giáo dục bị trường ngoài công lập phản ứng vì tuyển sinh không đủ

 

 

 

Tin bài gốc: ANTĐ

Kenhtuyensinh

Theo: ANTĐ