Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện môn lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là môn học có phần bắt buộc 52 tiết/năm học.
Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu định hướng nghề nghiệp, vì vậy cần có giải pháp để khắc phục.
1. Khó khăn cho giáo viên các môn hóa, sinh, công nghệ
Trong những năm qua, thi tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ, học sinh (HS) được lựa chọn thêm một trong hai tổ hợp: khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH). Từ đó, dần phân hóa các trường phổ thông theo 2 nhóm. Nhóm trường có thế mạnh về KHXH, là trường ở vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, có tỷ lệ HS chọn thi tổ hợp KHXH cao và giáo viên (GV) KHXH nhiều; nhóm trường có thế mạnh KHTN, chủ yếu các trường ở thành phố, thị xã, có tỷ lệ HS lựa chọn thi tổ hợp KHTN cao và nhiều GV KHTN.
Khi lịch sử trở thành môn học bắt buộc sẽ rất thuận lợi cho những trường có thế mạnh KHXH, nhiều HS lựa chọn các môn KHXH, phù hợp với cơ cấu GV. Ngược lại, sẽ khó khăn cho các trường thế mạnh KHTN, vì thiếu GV lịch sử. Mặt khác, HS phải lựa chọn thêm 4 môn (thay vì 5 môn như quy định) trong các môn: lý, hóa, sinh, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật (GDKT&PL), công nghệ, tin học, nghệ thuật. Môn nghệ thuật chưa có, môn tin học, vật lý có nhiều HS lựa chọn; môn địa, GDKT&PL cũng có nhiều HS lựa chọn vì thi tốt nghiệp dễ được điểm cao. Còn lại các môn hóa, sinh, công nghệ dự báo ít HS lựa chọn nên GV các môn này nguy cơ thiếu việc, phải bố trí thêm công việc khác như hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giảng dạy nội dung giáo dục địa phương...
Môn lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT có phần bắt buộc 52 tiết/năm học
2. Bỏ quy định mỗi nhóm môn có ít nhất một môn được chọn
Theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngoài 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giáo dục địa phương, HS phải chọn 5 môn trong các nhóm môn KHTN (lý, hóa, sinh), KHXH (sử, địa, GDKT&PL), công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật); mỗi nhóm môn có ít nhất 1 môn được chọn. Nếu ràng buộc trên này vẫn được giữ nguyên, khi môn lịch sử trở thành bắt buộc mà HS phải chọn thêm ít nhất 1 môn trong tổ hợp KHXH (địa lý, GDKT&PL) là điều vô lý vì với những HS không theo định hướng KHXH phải chọn 2 môn xã hội. Vì vậy, nên bỏ điều kiện ràng buộc này để HS có thể lựa chọn môn học một cách linh hoạt theo định hướng nghề nghiệp và sở thích của mình. Chẳng hạn, HS có thể chọn 4 môn như: lý, hóa, sinh, tin; lý, hóa, sinh, công nghệ; địa, GDKT&PL, lý, tin; địa, GDKT&PL, lý, công nghệ; địa, GDKT&PL, hóa, tin...
3. Cho phép học sinh chọn thêm một môn học theo sở thích
Khi lịch sử là môn học bắt buộc, HS phải chọn thêm 4 môn học để có thể tính điểm, đánh giá xếp loại theo quy định tại Thông tư 22 về đánh giá HS trung học theo Chương trình GDPT 2018. Nếu chỉ chọn 4 môn, HS sẽ ưu tiên các môn định hướng nghề nghiệp, còn các môn học theo sở thích không có cơ hội được học tập để phát triển năng khiếu, tiềm năng cá nhân. Chẳng hạn, HS định hướng nghề nghiệp khoa học và công nghệ, ngoài 4 môn lý, hóa, sinh, tin, nếu thích địa lý, GDKT&PL hay nghệ thuật có được chọn thêm một môn trong các môn này không?
Vậy nên chăng cho HS được quyền chọn 5 môn học, trong đó 4 môn học tham gia xếp loại cuối học kỳ, cuối năm, còn môn học theo sở thích không tham gia xếp loại nhưng vẫn có điểm được ghi trong học bạ. Nếu cho phép điều này, HS có cơ hội học thêm những môn sở thích để phát huy năng khiếu cá nhân, vừa tăng cơ hội có việc làm cho GV.
Một số hiệu trưởng trường THPT rất đồng tình có thể cho HS đăng ký thêm môn năng khiếu, sở thích (số HS có nhu cầu này không nhiều) nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là: “Giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”.
Nên chăng cho HS được quyền chọn 5 môn học, trong đó 4 môn học tham gia xếp loại cuối học kỳ, cuối năm, còn môn học theo sở thích không tham gia xếp loại nhưng vẫn có điểm được ghi trong học bạ?
4. Tổ chức giảng dạy theo môn học để linh hoạt hơn
Một số hiệu trưởng trường THPT ở Đông Nam bộ và miền Trung cho rằng việc bỏ ràng buộc mỗi nhóm môn phải có ít nhất một môn là rất cần thiết. Một số hiệu trưởng cho biết qua khảo sát có 100% HS đăng ký môn tin học. Như vậy, còn lại 3 môn, nhà trường cho HS đăng ký tự do không theo tổ hợp định trước, nhằm đáp ứng tất cả nguyện vọng định hướng nghề nghiệp của các em. Nếu có môn học nào đó ít HS lựa chọn, có thể tuyên truyền, vận động HS đổi nguyện vọng hoặc HS được quyền chọn môn thứ 4 là môn học này. Như vậy, với các môn lý, hóa, sinh, địa, GDKT&PL, công nghệ và nghệ thuật (nếu có GV), nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy theo môn, tập trung vào 2 ngày trong tuần. Trong 2 ngày này, HS có thể di chuyển đến lớp (theo môn) để học. Biên chế lớp học theo môn có thể nhiều hơn hay ít hơn 45 HS tùy theo số lượng HS đăng ký và tình hình đội ngũ GV.
Tuy nhiên, các trường hiện nay rất băn khoăn là chưa biết cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sau này như thế nào để tư vấn cho phụ huynh và HS. Vì vậy, trong năm học này đề nghị Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi.
> Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở ngành Khoa học máy tính
> Chấm thi tốt nghiệp THPT: Hướng dẫn chấm chi tiết, thí sinh có bị thiệt thòi?
Theo báo Thanh Niên