Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Năm 2011, mức phân bổ ngân sách cho các trường mầm non và phổ thông ở Hà Nội cao gấp đôi so với năm trước.

 

Tin liên quan:

Theo đó, chỉ tính riêng chi cho hoạt động thường xuyên mỗi học sinh học trong các trường công lập được đầu tư từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/năm, riêng các trường chuyên được đầu tư 10 triệu đồng/học sinh/ năm, cá biệt học sinh trường THPT Hà Nội- Amsterdam được đầu tư 15 triệu đồng/năm.

lam_thu_lam_meo_mo_giao_duc

Với chính sách đầu tư này, ngành giáo dục Hà Nội được xem là nơi “mạnh đồng tiền bát gạo” nhất so với ngành giáo dục của tất cả các địa phương trong cả nước.

 

Ngoài ra, với cách đầu tư phân bổ theo đầu học sinh, những “trường điểm” nằm trong các quận trung tâm thành phố đang là những đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất khi mà sĩ số bình quân lên tới 50-60 học sinh/lớp. Chẳng hạn, một trường tiểu học ở ngoại thành chỉ được nhận 105 triệu đồng/năm học/lớp thì một trường tiểu học có tiếng ở quận Đống Đa chẳng hạn, có thể được nhận từ 170 triệu đến 200 triệu đồng/lớp từ nguồn ngân sách thành phố.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, không mấy phụ huynh học sinh biết và để ý tới những thông tin kiểu này. Thậm chí, trong dư luận xã hội từ lâu đã mặc định ý nghĩ, người dân nào không có tiền thì con em họ... đừng đi học. Khó mà bắt phụ huynh nghĩ khác khi mà các khoản thu nhân danh ban đại diện cha mẹ học sinh ngày càng phát triển, bất chấp đầu tư từ ngân sách dành cho các trường ngày càng cao.

 

Đã vậy trường càng có tiếng lại càng giàu, càng nhồi nhét nhiều học sinh trong một lớp, các khoản đóng góp của phụ huynh càng nhiều! Vòng lặp “con gà đẻ trứng vàng” kiểu này càng có cơ hội phát triển.

 

Gần đây, trên một diễn đàn nổi tiếng dành cho các bà mẹ, sau khi một thành viên loan tin Malaysia miễn học phí cho học sinh tiểu học và học sinh trung học, nhiều người đã bày tỏ ao ước nước mình bao giờ được như nước bạn. Có thành viên rụt rè cho biết, nước mình hình như cũng đã có chính sách miễn học phí thì bị các thành viên khác chỉ trích là người “từ trên trời rơi xuống”.

 

Rất tiếc là chủ đề bộc lộ nhiều ngộ nhận của các phụ huynh này nhanh chóng bị khóa và hiện nay đã bị xóa. Chúng tôi kể lại câu chuyện này chỉ để thêm một lần nữa giúp ngành giáo dục Thủ đô nhìn vào một thực tế: lạm thu đã khiến hình ảnh ngành giáo dục trở nên méo mó trong con mắt của người dân.

 

Những nỗ lực của nhà nước nói chung, của các cấp chính quyền Thủ đô nói riêng đã bị bóng ma lạm thu che khuất. Ấy vậy mà tại Hội nghị giao ban giữa Bộ GD&ĐT với lãnh đạo 5 Sở GD các tỉnh thành trực thuộc T.Ư hôm 14-10 vừa qua, hầu hết các vị GĐ sở đều không nhận thức được những vấn đề bức xúc của thực trạng lạm thu tại địa phương mình. Thậm chí có vị GĐ còn cho rằng, việc khai thác nguồn thu từ phụ huynh thể hiện năng lực của Hiệu trưởng (!?).

 

Nếu còn dung túng lạm thu, sự minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực đóng góp của xã hội dành cho giáo dục sẽ không bao giờ đạt được. Và như vậy mọi nỗ lực đầu tư của nhà nước cho giáo dục sẽ trôi sông trôi biển trong con mắt của người dân.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: tienphong)