Sự kiện: Tuyển Sinh, Giáo Dục

Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại khi các trường ĐH công lập chạy đua mở lớp chất lượng cao và ưu tiên cho loại hình này các điều kiện tốt nhất thì sinh viên học các lớp đại trà sẽ chịu thiệt thòi

Học phí cao vì bổ sung kiến thức

Theo thông báo tuyển sinh hai chương trình này, Trường ĐH Luật TPHCM dự kiến tuyển ba lớp với 50 sinh viên/lớp. Những sinh viên sau khi trúng tuyển vào trường mà đăng ký theo học lớp cử nhân luật chất lượng cao sẽ tham dự sơ tuyển về trình độ tiếng Anh và phỏng vấn. Nếu sinh viên chưa đạt yêu cầu qua sơ tuyển, có thể đăng ký vào lớp đào tạo tăng cường theo chuẩn cử nhân luật chất lượng cao để được bổ sung kiến thức nhằm đạt được chuẩn đầu ra của cử nhân luật chất lượng cao.

 

Điều đáng nói là học phí giữa hai chương trình này chênh lệch khá lớn. Năm thứ nhất chương trình chất lượng cao, sinh viên phải nộp khoảng 10,8 triệu đồng/năm thì lớp “dự bị” phải nộp hơn 14,5 triệu đồng. Đến năm cuối cùng, mức chênh lệch bị đẩy lên cao nhất với gần 22,3 triệu đồng cho lớp chất lượng cao và hơn 30 triệu đồng ở lớp “dự bị”.

 

Một cán bộ của Trường ĐH Luật TPHCM lý giải học phí của chương trình “dự  bị” sở dĩ cao hơn vì những sinh viên này chưa đạt yêu cầu của kỳ sơ tuyển. Để đạt chuẩn đầu ra của chương trình cử nhân luật chất lượng cao, sinh viên phải được bổ sung  kiến thức, đặc biệt là tiếng Anh. Ra trường, sinh viên lớp chất lượng cao sẽ nhận bằng cử nhân luật chất lượng cao. Riêng với lớp tăng cường theo chuẩn cử nhân luật chất lượng cao, sinh viên phải đạt loại khá, chứng chỉ TOEIC 600 thì mới đủ điều kiện nhận bằng giống như lớp chính thức.

Không cao nhưng đặc biệt

Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TPHCM thì phân chia chương trình chất lượng cao dưới hai tên khác nhau: Chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh và chương trình chất lượng cao bằng tiếng Việt. Sinh viên phải qua xét trình độ tiếng Anh trước khi vào học chương trình bằng tiếng Anh. Học phí cho hai chương trình cũng chênh nhau khá lớn. Cụ thể là khoảng 14 triệu đồng/năm/sinh viên của chương trình chất lượng cao tiếng Anh và khoảng 20 triệu đồng/năm cho chương trình chất lượng cao bằng tiếng Việt.

thu_tien_hoc_phi_cao_ngat_nguong_vi_chat_luong_giao_duc_cao

Sinh viên lớp đào tạo đặc biệt của Trường ĐH Mở TPHCM tham quan

doanh nghiệp. Ảnh từ website Trường ĐH Mở TPHCM

Không mang tên chương trình chất lượng cao nhưng Trường ĐH Mở TPHCM tuyển sinh “Chương trình đào tạo đặc biệt”, cũng với mục tiêu và nội dung đào tạo tương tự và thu học phí khoảng 15 triệu đồng/năm/sinh viên, sinh viên được học ở cơ sở chính. Chị M.L (ngụ TP Nha Trang) có con học ở trường này cho biết vào đầu năm học, trường  thông báo lớp chương trình đặc biệt chỉ khoảng 50 em/lớp, học phòng máy lạnh, có cơ hội liên thông quốc tế... nhưng do khó khăn nên chị đành để con học lớp thường. “Không chọn học lớp đào tạo đặc biệt nên con tôi phải học ở quận 4”– chị L. bùi ngùi.

Sinh viên đại trà sẽ thiệt

Hiện chương trình chất lượng cao đang được mở ra ở nhiều trường ĐH công lập như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Ngoại thương, CĐ Công thương... Mỗi trường có mức thu khác nhau, như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thu mỗi sinh viên 12 triệu đồng/năm, ở CĐ Công thương là 9 triệu đồng/năm...

 

Theo cách lý giải của các trường này thì mục tiêu là để nâng chất lượng bằng phương tiện hiện đại và tăng cường ngoại ngữ, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại một khi các trường công lập ồ ạt mở lớp chất lượng cao thì sinh viên đại trà sẽ chịu thiệt thòi lớn. Các trường có thể sẽ dành những gì tốt nhất như phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện, cơ hội thực tập... cho sinh viên lớp chất lượng cao mà lơ là sinh viên đại trà.

 

Tuyển sinh, Thông tin tuyển sinh, Trường quốc tế

Kenhtuyensinh (theo: nld.com.vn)